Quảng Nam lý giải tên, nơi đặt trung tâm hành chính sau sáp nhập với Đà Nẵng

Chiều 17.4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành đề cương tuyên truyền thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn tỉnh.

Chính quyền địa phương 2 cấp là một định hướng lớn

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã là một định hướng lớn, mang tầm chiến lược của Trung ương đang được triển khai khẩn trương, kiên quyết, dứt khoát, trên cơ sở tham vấn rộng rãi, đặt sự đồng thuận làm nền tảng.

Đây là một cuộc cách mạng, là bước đột phá về thể chế, chuẩn bị cho "tầm nhìn 100 năm" phát triển đất nước.

Quảng Nam lý giải tên gọi, nơi đặt trung tâm hành chính sau sáp nhập với TP.ĐàNẵng- Ảnh 1.

Dự kiến địa điểm đặt trung tâm hành chính - chính trị tại TP.Đà Nẵng hiện nay sau khi sáp nhập tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng

ẢNH: HOÀNG SƠN

Mục tiêu cao nhất của việc sắp xếp đơn vị hành chính là nhằm phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho đơn vị hành chính mới, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng; ưu tiên sắp xếp các đơn vị hành chính miền núi, đồng bằng với các đơn vị hành chính có biển; kết hợp hài hòa, hợp lý các đơn vị hành chính có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính sau sắp xếp và yêu cầu, định hướng phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, tên gọi đơn vị hành chính sau sắp xếp được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa.

Ngoài ra, ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành mới, hạn chế tối đa tác động, ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý liên quan đến đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Tên gọi của đơn vị hành chính mới cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học và phát huy được lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp với xu thế hội nhập. Cấp ủy, chính quyền địa phương thống nhất nhận thức, có trách nhiệm tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân địa phương; góp phần giữ gìn, phát huy được giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và tinh thần đoàn kết của nhân dân đối với đơn vị hành chính mới sau sắp xếp.

Tổng hợp đầy đủ và phân tích thấu đáo

Về nguyên tắc xác định trung tâm hành chính - chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam cho hay, lựa chọn trung tâm hành chính - chính trị của một trong số các đơn vị hành chính hiện nay là trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính mới để bảo đảm chính quyền địa phương nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định.

Trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành mới có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông phát triển (sân bay, đường bộ, cảng...) dễ dàng kết nối với các khu vực trong nội tỉnh, thành phố và các đô thị lớn, trung tâm kinh tế của cả nước hoặc với hệ thống không gian biển.

Ngoài ra, trung tâm hành chính - chính trị mới cần có không gian phát triển trong tương lai; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính mới, bảo đảm hài hòa, hợp lý, tránh sự mất cân đối giữa các địa phương khi sáp nhập và giữ vững quốc phòng, an ninh.

Quảng Nam lý giải tên gọi, nơi đặt trung tâm hành chính sau sáp nhập với TP.ĐàNẵng- Ảnh 2.

Một góc TP.Tam Kỳ (Quảng Nam)

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Sau khi đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động ổn định, có thể nghiên cứu quy hoạch, xây dựng các trung tâm hành chính - chính trị mới hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển chung của địa phương và tạo ra không gian phát triển mới.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam cũng nêu rõ, trên những tiêu chí đó, theo Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12.4 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, sáp nhập tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng thành một thành phố trực thuộc Trung ương có tên gọi là TP.Đà Nẵng. Dự kiến địa điểm đặt trung tâm hành chính - chính trị tại TP.Đà Nẵng hiện nay.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam nêu rõ, tên gọi và địa điểm đặt trung tâm hành chính - chính trị là 2 nội dung nhận được sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà trong suốt thời gian qua và đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy có văn bản tổng hợp, đề xuất, kiến nghị.

Những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Quảng Nam nói riêng và nhiều tỉnh trong phạm vi cả nước nói chung đã được Trung ương tổng hợp đầy đủ và phân tích thấu đáo. Tuy nhiên, qua căn cứ các tiêu chí, nguyên tắc về đặt tên gọi, địa điểm đặt trung tâm hành chính - chính trị và bối cảnh, yêu cầu tình hình thực tiễn hiện nay, Trung ương thống nhất dự kiến tên gọi và dự kiến đặt trung tâm hành chính - chính trị đối với 2 địa phương (Quảng Nam và TP.Đà Nẵng) như đã nêu trên.

Ngày 19.4, Quảng Nam lấy ý kiến người dân về sáp nhập tỉnh, xã

Chiều 17.4, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam, chủ trì hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã ở 17 điểm cầu.

Quảng Nam ấn định thời gian lấy ý kiến người dân về sắp xếp cấp xã- Ảnh 1.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam, chủ trì hội nghị trực tuyến quán triết, triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã

ẢNH: NAM THỊNH

"Hiện nay đề án sáp nhập tỉnh Quảng Nam - TP.Đà Nẵng đang được lãnh đạo 2 địa phương khẩn trương hoàn thành, sẽ sớm báo cáo với cấp thẩm quyền để tập hợp chung cùng với cả nước trình Quốc hội thông qua", ông Thanh nói.

Ban chỉ đạo sáp nhập Quảng Nam - TP Đà Nẵng thống nhất lấy ý kiến của nhân dân về đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã vào ngày 19.4. Sau đó 2 địa phương tổng hợp và kết thúc vào ngày 20.4.

Hình thức lấy ý kiến là phát phiếu lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình trên địa bàn cấp tỉnh thực hiện sắp xếp (đối với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh) và cử tri đại diện hộ gia đình ở những đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp (đối với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã).


Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao