Trong văn bản của UBND Q.1 gửi Bí thư Quận ủy quận 1 về việc đặt tên phường ngày 15.4, ngày 18.4, UBND quận 1 cho biết tại hội nghị lần thứ 39 mới đây, Thành ủy TP.HCM thống nhất phương án sáp nhập từ 273 phường, xã, thị trấn còn 102 phường, xã, trong đó quận 1 sáp nhập từ 10 phường còn 4 phường với tên gọi phường Tân Định, Sài Gòn, Bến Thành, Cầu Ông Lãnh.
Phường Sài Gòn được xác lập ranh giới bao gồm khu phố 1 phường Nguyễn Thái Bình, phần diện tích của phường Đa Kao (khu phố 5, 6, 8, phần diện tích còn lại khu phố 4 và khu phố 10) và toàn bộ diện tích phường Bến Nghé.
Phường Sài Gòn giới hạn bởi các tuyến đường: Hoàng Sa, Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng và kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Phường Sài Gòn với tổng diện tích hơn 3 km2 và dân số hơn 47.022 người.

Một góc phường Sài Gòn sau khi sáp nhập
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Theo UBND Q.1, việc đặt tên phường Sài Gòn dựa trên cơ sở đặc điểm lịch sử - văn hóa, vị trí địa lý và yếu tố nhận diện đô thị.
Về lịch sử, địa danh Sài Gòn - có nhiều giả thuyết, tuy nhiên phổ biến nhất là từ cách gọi của người Khmer về một loài cây bông gòn (prey nokor - rừng cây gòn). Theo thời gian, âm "prey nokor" dần biến âm thành "Sài Gòn". Tên gọi này chính thức hóa khi chúa Nguyễn Ánh xây dựng thành Gia Định.
TP.HCM có lịch sử quản lý hành chính hơn 300 năm, từ năm 1698 khi Nguyễn Hữu Cảnh lập nên phủ Gia Định. Trải qua thời gian đó, nơi đây có nhiều tên gọi khác nhau dùng để chỉ toàn bộ vùng đất hoặc một khu bộ phận như Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Bến Nghé, Phan Yên, Phiên An. Trong đó, Sài Gòn là tên gọi phổ biến nhất trong quản lý hành chính cũng như đời sống văn hóa cộng đồng.
TP.HCM sáp nhập phường: Quận 1 đề xuất còn 4 phường, có tên Sài Gòn
Đến năm 1976, tên gọi TP.HCM được dùng để đặt tên cho thành phố Sài Gòn - Gia Định có địa giới hợp nhất từ đô thành Sài Gòn và tỉnh Gia Định trước đó.
Địa danh Sài Gòn là tên gọi đã gắn liền với vùng đất này trước khi chính thức mang tên TP.HCM sau năm 1975; là biểu tượng văn hóa - lịch sử lâu đời, gắn với ký ức và tâm thức của nhiều thế hệ cư dân đô thị; là tên gọi được sử dụng rộng rãi trong văn học, nghệ thuật, đời sống sinh hoạt thường ngày, có sức lan tỏa và dễ nhận diện ở trong nước lẫn quốc tế.
Phường Sài Gòn có nhiều di tích
Về việc đặt tên Sài Gòn cho phường mới (phường Bến Nghé mở rộng thêm một số khu phố), UBND quận 1 cho biết yếu tố đầu tiên là phù hợp với vị trí trung tâm và bản sắc đô thị. Theo đó, khu vực phường mới nằm ở trung tâm lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa của quận 1 - nơi hội tụ nhiều công trình, di tích biểu tượng.
Có thể kể đến 6 di tích kiến trúc nghệ thuật, gồm trụ sở UBND TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, Bảo tàng lịch sử TP.HCM, Nhà hát TP.HCM và Bảo tàng TP.HCM.
Trên địa bàn này cũng có 2 di tích lịch sử cấp quốc gia, gồm nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng từng làm việc tại phân xưởng cơ khí xí nghiệp liên hợp Ba Son và tòa Đại sứ quán Mỹ cũ (hiện nay là Tòa lãnh sự Mỹ)...

Trụ sở UBND TP.HCM là di tích kiến trúc nghệ thuật
ẢNH: SỸ ĐÔNG
Một điểm đáng chú ý là phường Sài Gòn có hơn ¾ chu vi tiếp giáp kênh, sông (cụ thể giáp rạch Thị Nghè ở hướng bắc, rạch Tàu Hũ hướng nam và sông Sài Gòn ở hướng đông).
Phường mới cũng có các trục đường phát triển thương mại dịch vụ quan trọng như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Hàm Nghi… Đặc biệt, tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ không chỉ là trục giao thông quan trọng mà còn là không gian công cộng sôi động, thu hút lượng lớn người dân và khách du lịch mỗi ngày.
Trong đó, 2 tuyến đường Đồng Khởi và Lê Lợi là hai tuyến phố gắn liền với hình ảnh "Sài Gòn" với các địa điểm văn hóa – lịch sử như Nhà hát TP.HCM, Bưu điện Trung tâm, Nhà thờ Đức Bà.
Phường Sài Gòn có phần lớn vị trí hướng ra sông Sài Gòn, đây là một vị trí mang yếu tố lịch sử sông nước gắn với người dân của quận 1 nói riêng và TP.HCM nói chung.
Bên cạnh đó, khu vực này trước đây có cảng và xưởng Ba Son, không chỉ là nơi sửa chữa và đóng mới tàu thuyền lớn đầu tiên ở Nam Kỳ, mà còn là địa điểm đặc biệt gắn liền với hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong trào công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn trong những năm đầu thế kỷ 20.
Đơn vị hành chính mới bao gồm toàn bộ phường Bến Nghé là phường trung tâm của quận 1, đứng đầu 10 phường về thu ngân sách; có nhiều cơ quan trung ương, thành phố, tổng lãnh sự quán các nước trú đóng, có nhiều nhà cao tầng, trụ sở, văn phòng làm việc, khách sạn, trung tâm thương mại lớn.
Phường Sài Gòn là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động lễ, hội của trung ương và thành phố, được xác định là địa bàn trọng điểm và phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Cũng theo UBND quận 1, việc đặt tên phường "Sài Gòn" thể hiện sự trân trọng đối với lịch sử vùng đất này, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại qua đó góp phần gìn giữ bản sắc địa phương trong quá trình đô thị hóa và phát triển.
Tên Sài Gòn dễ nhận diện
Cuối cùng, UBND quận 1 cho biết tên Sài Gòn dễ nhận diện, thuận tiện trong quản lý bởi đây là cái tên quen thuộc, phổ biến trong cộng đồng cư dân và khách quốc tế, góp phần thuận tiện trong công tác quảng bá hình ảnh đô thị, phát triển du lịch, dịch vụ và kinh tế địa phương.
Việc đặt tên phường Sài Gòn mang ý nghĩa chiều sâu lịch sử, đó là sự gắn kết giữa truyền thống và hiện đại, là cầu nối về lòng tự hào, ý thức về cội nguồn, về trách nhiệm tiếp nối những di sản văn hóa với tương lai năng động.
Tên gọi này không chỉ khơi dậy ký ức thân quen, gần gũi với bao thế hệ người dân mà còn khẳng định bản sắc độc đáo của TP.HCM là một thành phố trẻ trung nhưng giàu di sản, luôn biết trân trọng cội nguồn trong hành trình phát triển của thành phố.