Những căn nhà này được xây dựng trên hành lang bảo vệ kênh thủy lợi Vách Bắc, con kênh cung cấp nước tưới và thoát lũ cho nhiều xã ở Nghệ An. Khởi sự cho việc xây nhà ở trái phép này bắt đầu từ năm 1990, khi chính quyền xã để cho một số hộ dân dựng lều lán để sửa xe, bán hàng. Sau đó, chính quyền địa phương lén lút bán trái phép một số lô đất cho người dân làm nhà ở. Đến nay, có hơn 100 ngôi nhà trái phép đã được xây dựng dọc bên hành lang bảo vệ con kênh này.
Gần đây, lợi dụng việc sáp nhập xã cũ, chuyển giao sang xã mới, nhiều hộ dân đã quây tôn che chắn bên ngoài rồi ồ ạt xây dựng nhà trái phép ở những khu đất còn trống. Trước tình trạng này, chính quyền địa phương phải chỉ đạo lực lượng chức năng lập biên bản, chuyển công an xử lý.
Tương tự, lợi dụng "khoảng trống xử lý" ở thời điểm chuyển giao xã cũ sang xã mới, một con đường bê tông dài 90 m, rộng 5 m, đã "mọc" trên đất nông nghiệp ở P.Vinh Phú (Nghệ An) sau một đêm để nối vào khu đất vườn. Con đường này không có quy hoạch, xây trên đất nông nghiệp của người dân sản xuất nên bị người dân phản đối. Chính quyền P.Vinh Phú sau đó đã kiểm tra, buộc phải tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu.
Xây trái phép, không có quy hoạch buộc phải tháo dỡ là đương nhiên. Tuy nhiên, việc xử lý tương tự đối với những căn nhà xây dựng trái phép ở xã Đông Thành là không hề đơn giản. Trước đó, chính quyền địa phương này đã từng lên kế hoạch cưỡng chế một số căn nhà xây trái phép nhưng không thành vì "tình hình phức tạp". Việc một số người dân chạy đua xây dựng trái phép gần đây có nguyên nhân từ sự thiếu quyết liệt của chính quyền trong xử lý sai phạm trước đó.
Câu hỏi đặt ra là tại sao chính quyền luôn đến sau hành vi vi phạm? Bỏ chính quyền cấp huyện, chính quyền cấp xã sẽ phải chịu trách nhiệm từ quản lý, xử lý hành vi xây dựng trái phép và nếu không kiên quyết ngăn chặn từ đầu, sẽ tự gây khó cho mình khi xử lý hậu quả, chẳng khác nào "ôm đá ghè chân".