Mới đây, Sở Xây dựng trình UBND TP.HCM đề án di dời toàn bộ nhà trên và ven sông, kênh rạch (gọi tắt là nhà ven kênh), trong đó xác định cần triển khai 398 dự án (DA).
Gần 40.000 căn bị ảnh hưởng
Đơn vị này thống kê có khoảng 39.600 căn nhà ven kênh tại 16 quận, huyện và TP.Thủ Đức chưa được triển khai, nhiều nhất là Q.8, Q.7, Q.Bình Tân, H.Bình Chánh. H.Nhà Bè, H.Hóc Môn, H.Cần Giờ... Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản di dời, bố trí tái định cư cho toàn bộ người dân sống trên và ven kênh rạch, khai thông dòng chảy, cải thiện vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị, khai thác quỹ đất hai bên để phát triển kinh tế.

Hàng ngàn căn nhà xập xệ dọc bờ nam kênh Đôi (Q.8, TP.HCM) chờ ngày chỉnh trang
ẢNH: SỸ ĐÔNG
14 dự án được ưu tiên
Theo đề án, hồi tháng 9.2024, UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM dự kiến kế hoạch đầu tư công, trong đó ưu tiên 14 DA triển khai trong giai đoạn 2026 - 2030 với tổng mức đầu tư gần 26.000 tỉ đồng. Một số DA lớn gồm rạch Văn Thánh (Q.Bình Thạnh), kênh Hy Vọng (Q.Tân Bình), rạch Ông Bầu, rạch Chín Xiểng, rạch Cầu Cụt, rạch Ông Tổng, rạch Bà Miêng (Q.Gò Vấp), rạch Thầy Tiêu (Q.7), rạch Thủ Đào, rạch Ông Bé (Q.8 và H.Bình Chánh), rạch Bàu Trâu (Q.Bình Tân)...
Từ năm 1993, TP.HCM khởi động kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh rạch, tuyến đầu tiên là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Sau hơn 30 năm, có 44.338 căn nhà được giải tỏa, diện mạo đô thị hai bên kênh trở nên khang trang, điển hình như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm... Dù vậy, chương trình di dời nhà ven kênh rạch 10 năm trở lại có tốc độ giảm dần, khó khăn chủ yếu về bố trí nguồn vốn và bồi thường, tái định cư.
Trong đó, DA cải tạo rạch Văn Thánh (Q.Bình Thạnh) được chính quyền TP.HCM lên kế hoạch từ năm 2003 nhưng chưa thực hiện. Đến năm 2018, dự án tiếp tục kêu gọi đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) nhưng gặp vướng mắc pháp lý nên phải chuyển sang đầu tư công. Vừa qua, Sở Xây dựng đề xuất chi khoảng 6.100 tỉ đồng để di dời 1.063 hộ dân, nạo vét lòng rạch và xây dựng hệ thống giao thông hai bên.
Ngân sách phải chi hơn 221.000 tỉ đồng
Theo tính toán của Sở Xây dựng, để di dời gần 40.000 căn nhà ven kênh, ngân sách TP.HCM phải bỏ ra khoảng 221.370 tỉ đồng, gồm 130.680 tỉ chi phí bồi thường, gần 10.700 tỉ đồng xây dựng nhà ở xã hội cho trường hợp không đủ điều kiện bồi thường và 80.000 tỉ đồng xây dựng hạ tầng, nạo vét, cải tạo kênh rạch. Sau khi thực hiện đề án, nhà nước có thể thu lại hơn 164.100 tỉ đồng từ việc khai thác quỹ đất làm dự án nhà ở, thương mại dịch vụ hai bên kênh rạch.

Rạch Văn Thánh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có hơn 1.000 căn nhà bị ảnh hưởng khi cải tạo
ẢNH: SỸ ĐÔNG
Qua trao đổi với các địa phương, Sở Xây dựng xác định 18 vị trí khả thi để mở rộng biên phục vụ mục đích chỉnh trang đô thị và khai thác DA thương mại nhằm kêu gọi đầu tư. Một số DA có quy mô lớn gồm rạch Ông Lớn, rạch Bần Đôn, rạch Song Tân (Q.7), bờ nam kênh Đôi, rạch Xóm Củi, khu vực chung cư Phạm Thế Hiển (Q.8), rạch Văn Thánh (Q.Bình Thạnh)...
Dù mở rộng biên chỉnh trang đô thị là một giải pháp huy động nguồn lực nhưng lãnh đạo TP.HCM lưu ý tránh lạm dụng giải tỏa nhà đất của người dân và sử dụng diện tích đất công viên, cây xanh. Trong trường hợp cần thiết, địa phương đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh quy hoạch một số vị trí đánh giá phù hợp, thuận lợi để chỉnh trang, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển kinh tế, tạo thêm nguồn thu. Song song đó, các quận, huyện cần chủ động rà soát, đề xuất bán đấu giá các khu đất do nhà nước trực tiếp quản lý hiện không sử dụng để tạo nguồn thu cho ngân sách.
TP.HCM di dời gần 40.000 căn nhà ven kênh trong 5 năm tới
Về lộ trình, trong năm 2025 - 2026, TP.HCM sẽ hoàn chỉnh, phê duyệt đề án, điều chỉnh quy hoạch, chuẩn bị thủ tục đầu tư. Từ năm 2026 bắt đầu khởi công nhà tái định cư, nhà ở xã hội; thực hiện thủ tục thu hồi đất các DA hoàn chỉnh pháp lý. Từ năm 2028, bồi thường các DA còn lại, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông và thực hiện thủ tục pháp lý khai thác quỹ đất hai bên. Đến năm 2030 cơ bản hoàn thành bồi thường, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quỹ đất. Trước khi triển khai trên diện rộng, TP.HCM thí điểm tại Q.8 là địa bàn trọng điểm để tập trung nguồn lực, giải quyết vướng mắc.
Cần giải pháp đột phá
Khảo sát thực tế, việc di dời nhà ven kênh tại các quận, huyện có thuận lợi, khó khăn khác nhau. Như Q.6 có 2 DA kênh Hàng Bàng giai đoạn 3 và rạch Bàu Trâu cần di dời hơn 700 căn. Ông Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch UBND Q.6, cho biết phần lớn nhà có diện tích nhỏ, đa số nằm trên kênh, rạch. Nếu căn cứ vào các quy định hiện hành, kinh phí bồi thường, hỗ trợ mà người dân nhận được rất thấp, không đảm bảo chính sách an cư.

Nhiều căn nhà xập xệ dọc Rạch Văn Thánh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
ẢNH: SỸ ĐÔNG
Để hoàn thành 2 DA trên, ông Thắng đề xuất TP.HCM cần có những chính sách đột phá, chưa có trong tiền lệ về giá đền bù, hỗ trợ, tái định cư giúp người dân cuộc sống tốt hơn tại nơi ở mới. Cụ thể, nhà dân đa số trên kênh rạch, chiếu theo quy định về đất ở sẽ được bồi thường tùy thời điểm sử dụng, còn phần trên kênh chỉ được hỗ trợ. Do đó, chính sách về giá cần tăng mức hỗ trợ cho các loại nhà nằm trên kênh.
Đối với chính sách tái định cư, ông Thắng đề xuất giao thêm thẩm quyền cho quận, huyện chủ động quyết định công tác tái định cư phù hợp từng hộ, tùy theo điều kiện từng nhà, số nhân khẩu gia đình… Trong bối cảnh ngân sách còn phải thực hiện cho nhiều mục tiêu, chương trình di dời nhà ven kênh cần có thứ tự ưu tiên, tập trung và dứt điểm từng quận theo khả năng cân đối vốn.
Theo thống kê, Q.Bình Tân có 2.086 căn nhà cần di dời nhưng ông Nguyễn Văn Sử, Trưởng phòng Quản lý đô thị Q.Bình Tân, nói rằng địa phương có thuận lợi là hầu hết nhà ven kênh rạch đều có pháp lý rõ ràng, người dân sinh sống ổn định từ hàng chục năm qua. Điều này khác với một số quận khác, người dân lấn chiếm kênh rạch để xây nhà không phép.
Theo ông Sử, từ năm 2020 đến nay, Q.Bình Tân chỉnh trang 5 tuyến gồm rạch Bà Tiếng, kênh Năm Sao, kênh Liên Khu 3 - 4, kênh Hãng Giấy, rạch Lê Công Phép và không gặp nhiều vướng mắc về pháp lý. Hiện các tuyến kênh, rạch trên địa bàn quận đều được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026 - 2030, tùy từng tuyến mà làm cống hộp, mương hở hoặc kết hợp làm đường giao thông hai bên. Như vậy, đến năm 2030, quận sẽ giải quyết dứt điểm, chỉnh trang các tuyến kênh, rạch theo quy hoạch.
