Nhà khoa học địa chất lý giải về hiện tượng lạ trào bùn ở Phú Yên

Như Báo Thanh Niên đã phản ánh, từ ngày 7 - 9.4 , tại thôn Tân Vinh (xã Xuân Sơn Nam, H.Đồng Xuân, Phú Yên) xảy ra hiện tượng trào bùn trên mặt đất rồi chảy thành dòng, xung quanh xuất hiện nhiều vết nứt dài.

Theo người dân địa phương, cách đây 46 năm, cũng tại vị trí trên từng xảy ra hiện tượng tương tự.

Nhà khoa học địa chất lý giải về hiện tượng lạ trào bùn ở Phú Yên- Ảnh 1.

UBND H.Đồng Xuân mở rộng phạm vi khoanh vùng khu vực miệng phun bùn nước để tránh người dân hiếu kỳ đến gần

ẢNH: Q.H

Trao đổi với Báo Thanh Niên, GS Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường đại học Mỏ - địa chất, chuyên gia địa chất, kiến tạo và tai biến địa chất, cho biết phun trào bùn là một hiện tượng địa chất mà trong đó hỗn hợp bùn, dung dịch và khí tích tụ trong lòng đất trào lên trên mặt đất.

Phun trào bùn có quy mô khác nhau, từ các hố nhỏ đến các khu vực rộng lớn tương tự như hoạt động phun trào của núi lửa.

Bùn nước phun trào kỳ lạ ở Phú Yên tái xuất hiện sau gần nửa thế kỷ

Vì sao có hiện tượng phun trào bùn?

Theo GS Trần Thanh Hải, các kết quả nghiên cứu địa chất cho thấy phun trào bùn thường diễn ra trong các khu vực có khí tạo áp lực cao, có các hoạt động kiến tạo tích cực, nguồn địa nhiệt tăng cao, các khu vực có các tích tụ dầu - khí trong lòng đất.

Hiện tượng này cũng xảy ra trong các bồn trũng có các lớp trầm tích trẻ, bở rời, giàu vật chất hữu cơ đang phân hủy bị vùi lấp.

Cơ chế tạo bùn bắt đầu từ việc nước nóng (hình thành bởi nguồn địa nhiệt trong lòng đất) hòa tan với các khoáng chất của đất đá vây quanh. Dung dịch bùn nhão trộn lẫn với khí và hơi có thành phần khác nhau, có thể giàu các khoáng chất hoặc các loại khí khác, tùy thuộc các khoáng chất có trong đất đá vây quanh.

Trong một số trường hợp liên quan đến động đất, hỗn hợp bùn có thể được hình thành do sự hóa lỏng các lớp trầm tích giàu sét bở rời và chứa nhiều nước.

Hỗn hợp dung dịch và khí này tích tụ bên dưới bề mặt đất tạo thành các khu vực cục bộ, hay có thể gọi là các "ổ" hay "buồng", có áp lực cao trong lòng đất. Theo thời gian, áp lực trong các ổ này được tích lũy và tăng dần. Khi có hoạt động kiến tạo dẫn đến sự hình thành các đứt gãy hoặc khe nứt (như động đất), hoặc có sự dịch chuyển của các khối 2 bên đứt gãy, hoặc đới dập vỡ có trước để tạo ra các khe hở cắt qua các ổ bùn và khí này, các vật chất trong các ổ được thoát ra khỏi lòng đất theo các khe hở đó.

Tùy theo áp lực của ổ mà bùn chảy tràn hoặc phun trào lên mặt đất cho đến khi áp lực trong các ổ được giải phóng và đạt cân bằng với môi trường xung quanh, hoặc cho đến khi lượng bùn được giải phóng hết.

Tại một khu vực, hiện tượng phun trào bùn (hoặc phun trào khí, hoặc phun trào nước nóng) có thể diễn ra theo chu kỳ hàng giờ, hàng năm hoặc nhiều năm tùy theo môi trường địa chất địa phương.

Cần được khảo sát và đánh giá chi tiết, cụ thể

Trường hợp phun trào bùn ở Phú Yên gần đây mà Báo Thanh Niên đã phản ánh, GS Trần Thanh Hải cho biết, ông nhận thấy nó gần với các hiện tượng địa chất mà ông đã từng nghiên cứu ở khu vực ven biển nam miền Trung, trong đó có Phú Yên.

"Theo nghiên cứu của chúng tôi, vùng ven biển nam miền Trung (bao gồm Phú Yên) là khu vực có nguồn địa nhiệt tăng cao với các vận động kiến tạo tích cực mạnh mẽ. Biểu hiện của các vận động này là sự hình thành nhiều đới dập vỡ và đứt gãy trẻ, nâng hạ của vỏ trái đất rõ rệt, động đất quy mô nhỏ, và sự xuất lộ của nước nóng ở nhiều nơi", GS Trần Thanh Hải nhận định.

Ông cho biết thêm, hiện tượng trào phun bùn ở xã Xuân Sơn Nam (H.Đồng Xuân, Phú Yên) cũng tương tự như ở hiện tượng từng xảy ra ở xã Lợi Hải (H.Thuận Bắc, Ninh Thuận) hồi tháng 3.2011. Đây là hoạt động địa chất bình thường, phản ánh hoạt động kiến tạo và môi trường địa chất địa phương. Theo tài liệu của Báo Thanh Niên cung cấp, hiện tượng phun trào bùn diễn ra trên một đới khe nứt lớn, có thể liên quan đến sự hoạt động một đứt gãy nằm dưới.

"Tuy nhiên, để đánh giá chính xác bản chất của các khe nứt mới hình thành và tác động của chúng, cũng như dự báo các hoạt động tương tự có thể diễn ra trong tương lai, cần có các khảo sát địa chất chi tiết và đánh giá định lượng đối với đặc điểm cấu trúc địa chất và các vận động kiến tạo địa phương", GS Trần Thanh Hải nêu quan điểm.

Cũng theo GS Trần Thanh Hải, những nghiên cứu của ông đã thực hiện trước đây cho thấy hoạt động của phun trào bùn cũng như sự xuất lộ của nước nóng nằm trên các lớp trầm tích Đệ tứ hình thành trong các bồn trũng trẻ là khá phổ biến.

Phun trào bùn thường gần và dọc theo các đới đứt gãy hoạt động rất phổ biến trong khu vực nên sự có mặt của chúng ở Phú Yên, Ninh Thuận là dấu hiệu hoạt động của các đứt gãy này.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao