Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, từ 1.7, luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ có hiệu lực, một trong những điểm mới là luật có đề cập đến sử dụng, quản lý tài chính công đoàn, kiểm toán, kế hoạch thanh tra kiểm tra chính thức đưa vào luật.
![Kiểm toán tài chính công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất- Ảnh 1. Kiểm toán tài chính công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất- Ảnh 1.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/12/uyyy-17393326934851885062676.jpg)
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam
ẢNH: HT
Theo đó, định kỳ 2 năm một lần, Tổng LĐLĐ Việt Nam báo cáo Quốc hội tình hình thu chi tài chính công đoàn. Tương tự, Kiểm toán Nhà nước 2 năm/lần phải kiểm toán công đoàn và báo cáo cùng kỳ với tổ chức công đoàn với Quốc hội về vấn đề tài chính công đoàn.
Để chuẩn bị nội dung này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang cùng các cơ quan chức năng phối hợp xây dựng các văn bản, nghị định. Riêng với Tổng LĐLĐ Việt Nam, từ năm nay Thường trực Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã cho chủ trương tổ chức kiểm toán độc lập với số lượng doanh nghiệp được kiểm toán rất lớn.
"Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất được kiểm toán 100%, công đoàn của các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM cũng kiểm toán 100% công đoàn cấp huyện. Trong các khu công nghiệp, khu chế xuất chúng tôi cũng lựa chọn một số công đoàn cơ sở để tiến hành kiểm toán. Thông qua kiểm toán, chúng tôi xác định được thực trạng sử dụng tài chính, tài sản công đoàn. Cùng với đó, hoạt động kiểm tra, giám sát tiếp tục được tăng cường", ông Hiểu thông tin.
Về phía Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Hiểu cho biết, tại Đại hội Công đoàn nhiệm kỳ 2023 - 2028, Công đoàn Việt Nam cũng đã tăng số lượng ủy viên ủy ban kiểm tra, đặc biệt là các ủy viên trưởng thành từ hoạt động tài chính công đoàn để làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, khắc phục tình trạng lãng phí, tham nhũng, thất thoát.
Đề xuất mức lương tối thiểu vùng vào đầu tháng 3
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Tổng LĐLĐ Việt Nam thường đề xuất mức tăng lương sau tết âm lịch, trên cơ sở đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, năm nay các bộ, ngành đang sắp xếp tinh gọn bộ máy nên "chắc chắn cuối tháng 2, đầu tháng 3 sau khi các cơ quan hoàn thành xong việc hợp nhất, chúng tôi sẽ sẽ chính thức đề xuất mức lương tối thiểu vùng", ông Hiểu cho hay. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có khảo sát ban đầu về nhu cầu của người lao động, thực tế việc làm, thị trường lao động, giá cả hàng hóa... để có căn cứ đề xuất.
Liên quan đến người lao động sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết Tổng LĐLĐ Việt Nam và Công đoàn Viên chức Việt Nam đã có văn bản gửi các đơn vị đề nghị đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Ông Hiểu cũng lý giải nhiệm vụ của công đoàn là đại diện, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, song công đoàn khó có thể cung cấp tất cả sinh kế cho mọi người, nhất là khi họ đã rời tổ chức công đoàn.
Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam bày tỏ: "Ở góc độ xây dựng chính sách, tại các diễn đàn phù hợp, chúng tôi sẽ kiến nghị với Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng để người lao động khi kết thúc môi trường làm việc này tiếp tục có cơ hội ở môi trường khác, để họ có thể tồn tại và nuôi sống các thành viên trong gia đình".