Khánh Hòa - Ninh Thuận 'chốt' lộ trình sáp nhập, ưu tiên ổn định đời sống

Ngày 22.4, tại TP.Nha Trang, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nghiêm Xuân Thành và Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh, các lãnh đạo chủ chốt hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Hội nghị tập trung rà soát tiến độ, đánh giá sự chuẩn bị của các dự thảo văn bản và đề án liên quan.

Tỉnh Khánh Hòa mới sau sáp nhập: Giữ 13 sở ngành

Về tổ chức bộ máy hành chính sau sáp nhập, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, tỉnh mới dự kiến duy trì 13 sở, ngành thuộc UBND tỉnh, đúng theo tinh thần Nghị quyết 45/2023/NQ-CP. Danh sách 13 đơn vị bao gồm: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở NN-PTNT, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở KH-CN, Sở VH-TT-DL, Sở Dân tộc - Tôn giáo, Sở GD-ĐT, Sở Y tế, Sở Tư pháp, Sở TT-TT và Thanh tra tỉnh. Việc giữ số lượng sở ngành ở mức này nhằm đảm bảo sự ổn định ban đầu cho bộ máy và nhân sự, đồng thời vẫn định hướng tinh gọn hơn nữa trong tương lai theo yêu cầu chung.

Khánh Hòa - Ninh Thuận 'chốt' lộ trình sáp nhập, ưu tiên ổn định đời sống- Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, ông Nghiêm Xuân Thành và Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận, ông Nguyễn Đức Thanh, cùng lãnh đạo chủ chốt hai tỉnh tại hội nghị triển khai thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh

ẢNH: BÁ DUY

Đối với các cơ quan khối Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, dự thảo hợp nhất đang được khẩn trương xây dựng. Các Đại hội Đảng bộ sở ngành tại Khánh Hòa đã tạm dừng để chờ quá trình sáp nhập hoàn tất, tránh xáo trộn không cần thiết.

Bài toán "an cư lạc nghiệp"

Một trong những lo lắng lớn nhất trong quá trình sáp nhập là bài toán an cư, đi lại cho cán bộ công chức, đặc biệt với những trường hợp từ Ninh Thuận chuyển ra làm việc tại Nha Trang. Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh: "Tinh thần là tạo điều kiện tối đa, trong khuôn khổ pháp luật và khả năng ngân sách của hai tỉnh. Cán bộ được ưu tiên thuê nhà ở xã hội, sau 2 - 3 năm ổn định sẽ tính toán chính sách mua bán theo quy định".

Mặt khác, Khánh Hòa cũng cam kết rà soát quy hoạch nhà ở xã hội tại các khu vực có khả năng phát triển như Bình Tân, Bắc Vĩnh Hải… để bố trí quỹ đất phù hợp. Đồng thời, các đối tượng cán bộ là mẹ đơn thân, hoàn cảnh đặc biệt cũng sẽ được xét đến theo hướng nhân văn, đồng hành.

Về nơi làm việc, khi trụ sở mới đang xây dựng, tỉnh sẽ sử dụng tạm thời trụ sở các phường tại Nha Trang để bố trí cho các sở ngành sau sáp nhập, đảm bảo tất cả cơ quan đều có địa điểm làm việc. Hệ thống nhà công vụ sẽ được rà soát, sửa chữa và bố trí lại.

Khánh Hòa - Ninh Thuận 'chốt' lộ trình sáp nhập, ưu tiên ổn định đời sống- Ảnh 2.

Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, UBND tỉnh tại tại số 1 Trần Phú, dự kiến đưa vào sử dụng từ tháng 10.2025

ẢNH: BÁ DUY

Về phương tiện đi lại, giải pháp nghiên cứu bố trí tuyến xe buýt riêng từ Ninh Thuận đến Khánh Hòa đang được tiến hành. Nếu chưa đủ điều kiện, HĐND tỉnh mới sẽ xem xét ban hành chính sách hỗ trợ tài chính cho cán bộ về tiền thuê nhà và đi lại.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận, ông Nguyễn Đức Thanh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổng hợp nhu cầu cụ thể của cán bộ để HĐND tỉnh mới có cơ sở ban hành các cơ chế đặc thù. Ông Thanh khẳng định: "Chỉ khi lo được đời sống cho anh em cán bộ thì bộ máy mới có thể vận hành hiệu quả".

Kỳ vọng cực tăng trưởng mới

Việc sáp nhập không chỉ là sắp xếp hành chính mà còn là cơ hội kiến tạo không gian phát triển mới, thực hiện mục tiêu Khánh Hòa trở thành cực tăng trưởng theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Tỉnh mới sẽ sở hữu lợi thế bờ biển dài nhất (409 km), tuyến quốc lộ dài nhất đi qua (210 km), cùng tiềm năng lớn về năng lượng sạch, du lịch và kinh tế biển.

Khánh Hòa - Ninh Thuận 'chốt' lộ trình sáp nhập, ưu tiên ổn định đời sống- Ảnh 3.

TP.Nha Trang tiếp tục là trung tâm hành chính của tỉnh Khánh Hòa mới nhờ hạ tầng hiện đại và kết nối thuận lợi

ẢNH: BÁ DUY

Lãnh đạo hai tỉnh bày tỏ tin tưởng vào khả năng đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế "hai con số", thậm chí mục tiêu 15% theo dự thảo văn kiện, dựa trên việc khai thác hiệu quả tiềm năng và nguồn lực tổng hợp. TP.Nha Trang tiếp tục là trung tâm hành chính của tỉnh Khánh Hòa mới nhờ hạ tầng hiện đại và kết nối thuận lợi.

Hội nghị thể hiện sự đồng thuận và quyết tâm cao của lãnh đạo hai tỉnh. Kỳ vọng việc sáp nhập sẽ là đòn bẩy thúc đẩy cải cách thể chế, ứng dụng công nghệ và các cơ chế đặc thù, đưa Khánh Hòa - Ninh Thuận trở thành động lực phát triển mới của đất nước.

Kết thúc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận đề nghị Ban giúp việc, sớm hoàn thiện đề án sắp xếp 2 tỉnh vào sáng ngày 24.4 để chiều cùng ngày, 2 tỉnh sẽ họp thống nhất đề án để gửi lên Bộ Chính trị.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao