Trình nghị quyết hỗ trợ cán bộ nghỉ hưu sớm vào kỳ họp tiếp theo
Ngày mai (25.2), HĐND TP.Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026, sẽ tổ chức họp chuyên đề (kỳ họp thứ 21) để xem xét nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nghị quyết về công tác cán bộ, việc thành lập các sở mới.

UBND TP.Hà Nội sẽ trình nghị quyết hỗ trợ cán bộ nghỉ hưu sớm vào kỳ họp tiếp theo của HĐND TP.Hà Nội khóa XVI
ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG
Kỳ họp cũng xem xét nhiều nội dung quan trọng khác, trong đó có nghị quyết quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn và tổ chức hành chính khác thuộc TP.Hà Nội; điều chỉnh biên chế và chỉ tiêu lao động khối chính quyền thành phố năm 2025.
HĐND TP.Hà Nội cũng xem xét nội dung giao dự toán ngân sách nhà nước cho các cơ quan chuyên môn và tổ chức hành chính khác thuộc thành phố khi thành lập theo quy định của pháp luật.
Đối với Nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động do sắp xếp tổ chức bộ máy thành phố, vào ngày 10.2 vừa qua, UBND thành phố có tờ trình số 19/TTr-UBND trình Thường trực HĐND TP.Hà Nội và được cơ quan này chấp thuận chủ trương.
Tuy nhiên, đến ngày 13.2, Đảng ủy Chính phủ có tờ trình báo cáo Bộ Chính trị về việc đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng Nghị định số 178. Hiện, Chính phủ đã có dự thảo nghị định về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 178.
Do vậy, để đảm bảo đồng bộ theo quy định của pháp luật, UBND thành phố đã báo cáo Thường trực HĐND TP.Hà Nội cho phép lùi thời gian trình nghị quyết sang kỳ họp tiếp theo của HĐND thành phố.
Sắp khởi công 3 cầu vượt sông Hồng
Cũng tại kỳ họp thứ 21, HĐND TP.Hà Nội sẽ xem xét thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố, gồm dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa); dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu; dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo.

Phối cảnh cầu Tứ Liên nối Q.Tây Hồ với H.Đông Anh
ẢNH: SỞ QH-KT HÀ NỘI
Trong đó, Dự án xây cầu Tứ Liên có chiều dài toàn tuyến là 11,5 km. Phần cầu chính và đường dẫn hai đầu cầu dài khoảng 5,5 km, đường nối đến cầu trên địa bàn H.Đông Anh dài khoảng 6 km với tổng mức đầu tư dự án hơn 20.000 tỉ đồng.
Cầu Tứ Liên nối liền bờ phía tây sông Hồng dọc tuyến đường Âu Cơ - Nghi Tàm thuộc địa phận các phường Yên Phụ, Tứ Liên (Q.Tây Hồ) với bờ đông sông Hồng thuộc địa phận H.Đông Anh.
Dự án xây cầu Ngọc Hồi có điểm đầu cầu kết nối với điểm cuối dự án Vành đai 3,5 (đoạn từ Phúc La, Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ), điểm cuối nối với Vành đai 3,5 trên địa phận H.Văn Giang (tỉnh Hưng Yên). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 11.800 tỉ đồng.
Còn cầu Trần Hưng Đạo nằm khoảng giữa cầu Chương Dương và Vĩnh Tuy. Tổng mức đầu tư dự án gần 16.000 tỉ đồng.
Với nghị quyết quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn và tổ chức hành chính khác thuộc TP.Hà Nội, dự kiến sau sắp xếp, các cơ quan khối chính quyền thành phố sẽ còn 15 sở, giảm 6 sở so với năm 2024.
15 sở này gồm Nội vụ; Tư pháp; Tài chính; Công thương; Nông nghiệp và Môi trường; KH-CH; VH-TT; GD-ĐT; Y tế; Thanh tra thành phố; Văn phòng UBND thành phố; Dân tộc và Tôn giáo; Du lịch; Xây dựng; QH-KT.