Sáng 19.1, UBND Q.1, TP.HCM tổ chức lễ công bố nghị quyết của HĐND TP.HCM đặt tên công viên 30 Tháng 4.
Khi chưa có tên chính thức, công viên rộng 3,5 ha, vuông vức, được hình thành do các con đường giao nhau: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Hàn Thuyên, Alexandre de Rhodes.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, tên gọi công viên 30 Tháng 4 đã đi vào ký ức người dân thành phố, thân quen và hiển nhiên. Cho đến lúc rà soát lại tên đường, công viên, quảng trường, nhận thấy trách nhiệm cần trình HĐND TP.HCM ban hành nghị quyết đặt tên chính thức.
"Công viên 30 Tháng 4 không chỉ là một địa danh, mà còn là biểu tượng của hòa bình, đoàn kết và khát vọng vươn lên của nhân dân cả nước. Nơi đây người dân có thể thư giãn, tận hưởng bầu không khí trong lành, đồng thời là không gian để thế hệ trẻ nhìn lại quá khứ, trân trọng hòa bình và hướng tới tương lai phát triển bền vững", ông Nguyễn Văn Dũng nhìn nhận.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM, thành phố luôn chú trọng xây dựng những không gian công cộng xanh mát, gần gũi và thân thiện.
"Về định hướng phát triển, công viên sẽ là một không gian xanh kiểu mẫu giữa lòng đô thị nhộn nhịp; một công viên lịch sử - văn hóa với các công trình nghệ thuật công cộng, triển lãm nhằm tái hiện tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc", ông Nguyễn Văn Dũng cho biết.
Cùng bạn bè tán gẫu, cà phê bệt mỗi sáng cuối tuần, Lưu Nguyễn Ái Ngân, sinh viên năm 3, Trường đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) chia sẻ:
"Tôi vẫn quen gọi theo người dân ở đây là công viên 30 Tháng 4, chứ không thực sự để ý đây có phải là tên chính thức hay chưa. Vì thế, tôi vô cùng bất ngờ và tự hào với sự kiện này. Công viên là tài sản quý giá, hy vọng mọi người cùng chung tay giữ gìn vệ sinh công cộng, bảo vệ cây xanh để nơi đây văn minh, thân thiện", Ái Ngân bày tỏ.
Tiểu sử tên gọi Công viên 30 Tháng 4
Trong 30 năm, từ ngày 2.9.1945 - 30.4.1975, không gian công viên trước Dinh Độc Lập đã 2 lần "chứng kiến" sự kiện trọng đại của thành phố và đất nước.
Cụ thể, trước năm 1975, nơi đây gắn liền với cảnh quan khuôn viên Dinh Tổng thống của chế độ cũ. Lúc đầu được gọi là Dinh Norodom, sau gọi là Dinh Độc Lập.
Chiều 2.9.1945, hàng vạn người dân Sài Gòn đã dự mít tinh chào mừng thành phố và đất nước độc lập, sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sau đó là 30 năm kháng chiến trường kỳ.
Đến 10 giờ 45 phút ngày 30.4.1975, các xe tăng và pháo binh của Quân đoàn 2 tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ chính quyền trung ương Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện.
Lúc 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Không gian trước Dinh Độc Lập trong ngày đầu tiên ấy là nơi chứng kiến hàng vạn quân và dân Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM hát vang bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng.
Sự kiện 30.4.1975 không chỉ kết thúc toàn thắng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mà còn kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hòa bình, thống nhất, độc lập, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Từ đó, nơi đây cũng trở thành điểm trung tâm của nhiều hoạt động chính trị lớn, trọng đại của cả nước.