Chung dòng máu Lạc Hồng: Về nơi gọi là nhà, kể chuyện Việt bằng thời trang

Rời VN lúc tuổi đôi mươi, đến định cư ở Úc (1977), dự báo cho một nhà thiết kế thời trang của tương lai chưa có tín hiệu lộ diện, bởi nghề chị Mai Lâm chọn khi ấy là phụ bếp tại khách sạn Hilton.

Thiết kế thời trang Mai Lâm: Kể chuyện Việt qua nghệ thuật và ký ức - Ảnh 1.

Hình ảnh Bác Hồ được tái hiện qua thiết kế thời trang của Mai Lâm

ẢNH: PHONG AN

Gợi nhớ quãng thời gian nơi xứ người, chị kể: "Tôi làm bếp, lương tuần 180 đô la Úc. Suốt 10 tháng, tôi chỉ học bằng mắt, vì chưa qua đào tạo trường lớp gì. Đúng lúc khách sạn Hilton tổ chức cuộc thi đầu bếp giỏi hằng năm của hệ thống, tôi xin tham gia. Ngày ấy, chưa có các cuộc thi đầu bếp nhiều như bây giờ, hệ thống khách sạn Hilton tự tổ chức tại mỗi quốc gia chọn ra đầu bếp xuất sắc nhất trao giải. Tôi xin tham dự cuộc thi, vị bếp trưởng là người Pháp tỏ vẻ rất ngạc nhiên. Ông ấy rất dễ thương và nói tôi rằng hãy cho ông ấy thấy điều tôi có thể làm được. Tôi tạo ra hai tác phẩm, một là điêu khắc cây nước đá hình con cá nhảy, bụng cá tôi mở ra, cho trứng cá caviar vào; hễ lấy đi một phần, số trứng cá còn ở trên sẽ tự động trượt xuống. Điêu khắc thứ hai lấy ý tưởng không gian thủy cung dưới biển, dùng rau củ tạo ra hình tượng san hô, thủy sinh đủ màu sắc. Cuộc thi năm ấy tôi được giải nhất".

Thiết kế thời trang Mai Lâm: Kể chuyện Việt qua nghệ thuật và ký ức - Ảnh 2.

Nhà thiết kế Mai Lâm trong không gian thiết kế và sáng tạo của chị ở trung tâm TP.HCM

ẢNH: PHONG AN

Một khởi đầu thần kỳ và đầy thành công với người nhập cư như Mai Lâm. Chị nhớ lại: "Lương của tôi nhảy vọt lên 560 đô la Úc/tuần, nhận luôn chức danh Demi Chef (tổ phó tổ bếp). Bạn biết đấy, để đào tạo một Demi Chef khi ấy nhanh là 8 năm. Ba năm dành cho việc thực tập, 1 năm kinh nghiệm, mỗi 2 năm lên thêm một bậc. Tôi là nữ duy nhất lúc đó làm bếp, sau cuộc thi tôi được cử đi châu Âu giao lưu cùng các đầu bếp khác, cũng chẳng thấy ai là nữ. Một chi tiết vui, tôi là người thấp bé, trong khi bếp Âu thiết kế có thể hình cao, người đứng bếp thấp cũng hơn 1,8 m, có người cao hơn 2 m, nên bếp của họ tôi không với tới. Và mọi người làm cho tôi cái bục gồm mấy nấc thang, mỗi khi cần dịch chuyển thì các anh trong bếp giúp để tôi có thể trèo lên đó làm việc".

Rời gian bếp 5 sao, Mai Lâm chuyển nghề thành một nghệ nhân cắm hoa, kinh doanh thành đạt và gia nhập hội những doanh nhân trẻ toàn cầu (YPO và WPO), chu du khắp thế giới, tham dự nhiều sự kiện nghệ thuật, thảm đỏ, âm nhạc, bảo tàng… và chứng kiến một dòng thời trang được thiết kế dành cho các sự kiện ấy. Mai Lâm chia sẻ: "Tôi nghĩ chỉ cần một món đồ nhưng có thể diện đi khắp nơi, kể cả chuyện ngồi lên xe máy, người ta sẽ thấy ở đó sự chuyển động của nghệ thuật. Và tôi thiết kế thời trang theo cách đó".

Thiết kế thời trang Mai Lâm: Kể chuyện Việt qua nghệ thuật và ký ức - Ảnh 3.

Chiếc áo thời trang gợi nhớ ngày độc lập, khai sinh Việt Nam dân chủ cộng hòa 2.9.1945

ẢNH: PHONG AN

Sau hơn 20 năm sinh sống và làm việc ở Úc, Mai Lâm trở về VN (1997), khai mở dòng thời trang mà chị định danh là "Wearable Art", không chỉ có thể mặc được ở mọi nơi, mà còn là tác phẩm nghệ thuật.

Cách thiết kế cũng đầy khác biệt. Mai Lâm chia sẻ: "Tôi lồng ghép câu chuyện VN vào các chất liệu truyền thống, địa phương, dân gian, lịch sử quân sự, hòa với ý tưởng, cá tính, ký ức tuổi thơ của tôi trong đó". Nhiều nhà sưu tập, thiết kế, các chuyên gia thời trang đến từ Paris, New York, khi gặp gỡ nhà thiết kế Mai Lâm và không gian sáng tạo của chị, đã nhận định nơi ấy không phải là xưởng chế tác thời trang, cũng không phải là cửa hiệu, mà là ốc đảo sáng tạo, hội tụ nhiều phong cách nghệ thuật.

Thiết kế thời trang Mai Lâm: Kể chuyện Việt qua nghệ thuật và ký ức - Ảnh 4.

Nhà thiết kế Mai Lâm giới thiệu chiếc khăn choàng với chuyên gia định vị thương hiệu Simon Betsch đến từ Đức

ẢNH: PHONG AN

Trong ngôn ngữ thời trang của nhà thiết kế Mai Lâm sử dụng nhiều kỹ thuật thủ công độc đáo, từ nhuộm, thêu, đan, móc, đính cườm, ghép ren. Đặc biệt là đột tán - một phát kiến từ hơn 35 năm trước của Mai Lâm - tưởng chỉ có trong sản xuất kim khí, gỗ, đồ gia dụng, nhưng được chị ứng dụng hoàn hảo vào thời trang, tạo nên những bộ trang phục với chi tiết độc đáo, cả những vật dụng trang trí nội thất đa chất liệu. Chị giải thích: "Tôi muốn tạo sự cân bằng, mềm mại, cả về chất liệu, hình ảnh, và câu chuyện tôi muốn thể hiện".

Một trong những loạt thiết kế độc đáo của nhà thiết kế Mai Lâm là đem mảnh ghép lịch sử, chiến tranh với quân phục sưu tầm qua các cuộc chiến, vận dụng vào đó sự sáng tạo, kỹ thuật, chuyển thể những đau thương, mất mát của chiến tranh thành vẻ đẹp nghệ thuật.

Chị coi đó như một cách tri ân, tưởng nhớ người trong cuộc, qua đó vẫn nhận ra một thời khốc liệt của cuộc chiến, nhưng đồng thời lại thấy nét đẹp từ chi tiết trang trí tinh xảo, kỹ thuật cao, kết hợp những hoa văn, họa tiết đậm chất Việt từ các vương triều ngàn năm, kể về nét Việt một cách hoàn hảo.

Thiết kế thời trang Mai Lâm: Kể chuyện Việt qua nghệ thuật và ký ức - Ảnh 5.

Quân phục được Mai Lâm chuyển thể vào thời trang cuộc sống, kể chuyện sử Việt

ẢNH: PHONG AN

Cứ thế, những bộ sưu tập thời trang như Rừng Mai, Kim Long, hay loạt trang phục cho phim Địa đạo - mặt trời trong bóng tối… cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật thời trang khác được Mai Lâm thiết kế, mang lại cách tiếp cận thú vị về thời trang, về chiến tranh, về văn hóa Việt thật đẹp, nên thơ, dịu dàng, lãng mạn, có giá trị sử dụng và giá trị sưu tầm cao. Nhiều trong số ấy là hiện vật độc bản, không lặp lại.

Một tấm áo lính ngày xưa, một phong cách thời trang thực tại, thấy trong đó ký ức - chiến tranh - hòa bình, chuyển mình vào nghệ thuật. Nhà thiết kế Mai Lâm chọn đối mặt với quá khứ, với đề tài chiến tranh một cách trực diện, rồi dùng ngôn ngữ sáng tạo đầy nhân văn, tái sinh những quân phục đẫm mùi khói lửa bằng giặt, vá, nhuộm, thêu, đính; và hơn thế, cả về tâm linh, chị cũng chuẩn bị thật kỹ: "Trước khi chuyển thể những bộ quân phục vào nghệ thuật, tôi thường đem vào chùa nhờ sư thầy thân quen với gia đình, thực hiện các nghi thức tâm linh, tẩy rửa, cầu an để mọi thứ trở nên sạch sẽ. Khi đem về, tôi đưa nghệ thuật vào để biến ký ức buồn thành những giá trị đẹp, có ích cho cuộc sống".

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao