Cán bộ từ trưởng xuống phó sau tinh gọn, 'không có gì phải vận động cả'

Sáng 19.2, tại họp báo về kết quả kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khóa XV, báo chí nêu tại luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) không quy định về chức danh ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách các ủy ban của Quốc hội.

Thay vào đó, luật quy định về các ủy viên là đại biểu hoạt động chuyên trách và ủy viên là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm tại các ủy ban.

Vậy chế độ, chính sách của các chức danh này sẽ được thực hiện như thế nào?

Cán bộ từ trưởng xuống phó sau tinh gọn, 'không có gì phải vận động cả'- Ảnh 1.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên

ẢNH: GIA HÂN

Số lượng đại biểu chuyên trách của các ủy ban vẫn giữ nguyên

Phó chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho biết, luật Tổ chức Quốc hội trước đây quy định Hội đồng Dân tộc gồm có chủ tịch, các phó chủ tịch, ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách và các ủy viên khác.

Ủy ban của Quốc hội gồm có chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm, ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách và các ủy viên khác.

Còn theo luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) vừa được thông qua, Hội đồng Dân tộc gồm có chủ tịch, các phó chủ tịch, các ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc và ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm của Hội đồng Dân tộc.

Ủy ban của Quốc hội gồm có chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm, các ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại ủy ban và ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm của ủy ban.

Ngày hôm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phê chuẩn danh sách các phó chủ nhiệm, ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm của 6 ủy ban mới thành lập.

Số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của các ủy ban vẫn giữ nguyên như vậy, không ảnh hưởng đến hoạt động của các ủy ban, đại biểu.

Về chế độ, chính sách, Chính phủ đã ban hành Nghị định 178/2024 quy định từ nay đến hết nhiệm kỳ, ủy viên là đại biểu hoạt động chuyên trách sẽ được giữ nguyên các chế độ, hệ số phụ cấp, chức vụ.

"Đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI sẽ thực hiện chung, thống nhất trong hệ thống thống nhất theo quy định của Đảng, Nhà nước", bà Yên nêu rõ.

Cán bộ từ trưởng xuống phó sau tinh gọn, 'không có gì phải vận động cả'- Ảnh 2.

Buổi họp báo về kết quả kỳ họp bất thường lần thứ 9

ẢNH: GIA HÂN

Tinh gọn bộ máy là cuộc cách mạng, phải có sự hy sinh

Báo chí cũng đặt câu hỏi liên quan đến việc sau sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy thì nhiều cán bộ trước đây là cấp trưởng sẽ xuống cấp phó. Tâm tư là điều khó tránh khỏi, vậy việc vận động, tuyên truyền nhận thức đối với những người này được thực hiện ra sao?

Bà Tạ Thị Yên cho hay, tinh gọn, sắp xếp bộ máy tổ chức được Đảng và Nhà nước xác định là cuộc cách mạng, quá trình thực hiện đòi hỏi phải có sự hy sinh.

Với một số chức danh từ cấp trưởng xuống cấp phó, những cán bộ này đều tự nguyện, xác định rõ về mặt tư tưởng, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì cái chung của xã hội. "Không có gì phải vận động trong vấn đề này cả", bà Yên nói.

Bà Yên tiếp tục đề cập đến Nghị định 178/2024, trong đó quy định bố trí cán bộ thuộc diện tinh gọn theo hướng tiếp tục sắp xếp làm việc cho cơ quan mới nếu vị trí của họ vẫn còn cần thiết, hoặc chuyển sang công việc, vị trí khác phù hợp với năng lực, vị trí làm việc; hoặc chuyển công tác sang cơ quan khác cùng hệ thống nếu có nhu cầu; hoặc tinh giản, nghỉ việc nếu không sắp xếp phù hợp được.

Về chế độ với cán bộ dôi dư thuộc diện tinh giản, bà Yên nói hiện đã có khung quy định, bao gồm dưới 2 năm, từ 2 năm đến dưới 5 năm và trên 5 năm. Cán bộ sẽ được giải quyết theo chế độ tương ứng.

Một số chính sách có thể kể đến như: nếu nghỉ hưu trước tuổi thì có thể được hưởng lương hưu sớm mà không bị trừ tỷ lệ hưởng, nếu chưa đủ tuổi nghỉ hưu thì có thể được chuyển đổi, đào tạo lại để phù hợp với vị trí mới; trường hợp vẫn không thể sắp xếp, cán bộ công chức có thể thôi việc theo chế độ hỗ trợ (trợ cấp thôi việc theo năm công tác, được đào tạo nếu có nhu cầu chuyển đổi công việc…).

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao