Biến đau thương vụ lật tàu vịnh Hạ Long để câu view, có bị phạt tù?

Vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 (QN-7105) xảy ra vào chiều 19.7 trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) khiến 35 người thiệt mạng và 4 người mất tích, 10 người được cứu sống, khiến cả nước đau thương.

Song một số cá nhân, tổ chức dùng AI tạo hình ảnh, thêu dệt thành nhiều câu chuyện, như: mô tả các khoảnh khắc sinh tử, cảnh người rơi xuống biển hay gương mặt thất thần của nạn nhân, để câu view.

Biến đau thương vụ lật tàu vịnh Hạ Long để câu view, có bị phạt tù?- Ảnh 1.

Những hình ảnh do AI tạo được các tài khoản trên mạng xã hội sử dụng mô tả cảnh đau thương trong vụ lật tàu Vịnh Xanh 58

ẢNH: MẠNG XÃ HỘI

Không ít nội dung dùng thủ pháp kể chuyện gián đoạn, mập mờ, khơi gợi sự tò mò rồi dẫn dụ người đọc nhấn vào các đường link “đọc tiếp” trong phần bình luận. 

Những đường link ấy đưa người dùng tới các trang tổng hợp tin tức trôi nổi. Dù trong một số bài viết có ghi dòng chú thích nhỏ như “nội dung hư cấu” hay “hình ảnh chỉ mang tính minh họa”, nhưng với cách trình bày lẫn lộn thật - giả, không ít người dùng mạng vẫn bị đánh lừa.

Không dừng lại ở đó, những trang tin giả còn sử dụng lại các video cũ từ những vụ việc đau lòng khác, thay tiêu đề, chỉnh lại nội dung để tái sử dụng cho vụ tai nạn lần này.

Hệ quả là những câu chuyện sai lệch, bóp méo sự thật được lan truyền chóng mặt, tạo ra một làn sóng thông tin độc hại, làm tổn thương thêm người trong cuộc và khiến dư luận hoang mang.

Hành vi vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm

Luật sư Đào Thị Bích Liên (Đoàn luật sư TP.HCM, Chi hội phó Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) cho biết những hành vi cố ý tạo dựng và phát tán thông tin mang tính sai sự thật, hoặc xuyên tạc trên mạng xã hội, là hành vi trái pháp luật, cần phải xử lý nghiêm.

Biến đau thương vụ lật tàu vịnh Hạ Long để câu view, có bị phạt tù?- Ảnh 2.

Hình ảnh, bài viết do AI tạo không có thật

ẢNH: MẠNG XÃ HỘI

Cụ thể, là vi phạm điểm d khoản 1 Điều 8 luật An ninh mạng 2018, “thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.

Cũng theo luật sư Liên, tùy mức độ và hậu quả hành vi, việc thông tin trên sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự nếu cấu thành tội phạm.

Về xử phạt hành chính, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP); tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Đồng thời, buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn, hoang mang dư luận.

Ngoài ra, luật sư Đào Thị Bích Liên nhấn mạnh nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, như làm gia tăng hoang mang dư luận, ảnh hưởng tâm lý gia đình nạn nhân, hoặc cản trở công tác cứu hộ, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 331 bộ luật Hình sự về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ.

Trường hợp bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì có thể bị truy cứu về tội vu khống theo Điều 156 bộ luật Hình sự.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao