Tương lai nào cho Ukraine?

Hôm qua, tờ The Guardian dẫn lời tướng Keith Kellogg, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tiết lộ thông tin về viễn cảnh của Ukraine.

Thế khó cho Ukraine

Theo thông tin được tướng Kellogg tiết lộ, Ukraine có thể được chia thành các khu vực kiểm soát. Trong đó, quân đội Anh và Pháp là một phần của "lực lượng bảo đảm" ở phía tây và lực lượng của Moscow ở phía đông. Giữa họ sẽ là các lực lượng Ukraine và một khu phi quân sự. Trong khi đó, Mỹ sẽ không cung cấp bất kỳ lực lượng mặt đất nào tại Ukraine. Tướng Kellogg mô tả: "Kịch bản giống như những gì đã xảy ra với Berlin (Đức) sau Thế chiến 2". Cả Nga lẫn Ukraine đều chưa lên tiếng về kịch bản vừa nêu.

Đặc phái viên Mỹ gặp ông Putin, ông Trump chưa chọn được kế hoạch ngừng bắn

Thời gian qua, ngừng bắn giữa 2 bên đã không tuân thủ như thỏa thuận đề ra. Các nước châu Âu vừa cam kết bổ sung khoảng 24 tỉ USD hỗ trợ Ukraine, đồng thời cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin trì hoãn các cuộc đàm phán do Mỹ dẫn đầu về thỏa thuận ngừng bắn. Phát biểu tại một cuộc họp của nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine ở Brussels (Bỉ) mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey chỉ trích: "Tổng thống Putin nói rằng ông ấy muốn hòa bình nhưng ông ấy từ chối một lệnh ngừng bắn hoàn toàn. Lực lượng Nga vẫn tiếp tục tấn công Ukraine".

Tương lai nào cho Ukraine? - Ảnh 1.

Binh sĩ Ukraine điều khiển máy bay không người lái để tác chiến

Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đưa ra một cảnh báo hiếm hoi đối với người đồng cấp Putin. Cụ thể, Tổng thống Trump viết trên mạng xã hội Truth Social rằng: "Nga phải có động thái hòa bình. Quá nhiều người chết, hàng ngàn người mỗi tuần, trong một cuộc chiến khủng khiếp và vô nghĩa". Đặc phái viên của Tổng thống Trump là ông Steve Witkoff cũng vừa đến Nga gặp Tổng thống Putin. Sau cuộc gặp, Điện Kremlin cho biết chủ đề hai bên thảo luận là giải pháp cho xung đột Ukraine.

Trong một diễn biến liên quan, quan chức Mỹ và Ukraine ngày 11.4 đã có cuộc gặp để thảo luận xung quanh thỏa thuận khoáng sản giữa hai bên. Tuy nhiên, Reuters dẫn một nguồn tin thân cận vấn đề tiết lộ triển vọng đột phá sau cuộc gặp là rất thấp vì bất đồng giữa hai bên. Thậm chí, nguồn tin còn khẳng định cuộc gặp diễn ra trong trạng thái "rất đối kháng". Bởi thỏa thuận vẫn không bao gồm sự đảm bảo của Mỹ đối với an ninh cho Ukraine.

Kịch bản phân chia

Trả lời Thanh Niên ngày 12.4, chuyên gia tình báo quân sự Mỹ Carl O.Schuster nhận xét: "Tôi nghĩ rằng đặc phái viên Mỹ tin rằng các vấn đề lãnh thổ không thể được giải quyết vào thời điểm này. Vì vậy, chia Ukraine thành 2 phần tự quản, phía tây có biên giới trước năm 2022 và phía đông với biên giới như trước tháng 2.2022. Tôi nghĩ rằng đó là hy vọng tốt nhất cho hòa bình nhưng sẽ khó khăn".

Theo ông, cả Tổng thống Putin lẫn Tổng thống Zelensky đều không thích ý tưởng trên. "Cả hai đều muốn cai trị toàn bộ Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ và phương Tây có đòn bẩy đối với hai bên để biến điều này thành hiện thực, nhưng đó sẽ là một quá trình khó khăn", chuyên gia Schuster phân tích và chỉ ra: "Lý do là không bên nào có đủ sức mạnh cũng như nguồn lực để chinh phục thêm bất kỳ vùng đất nào và Kyiv sẽ không bao giờ đồng ý giao vùng Donbass (miền đông Ukraine) cho Nga.

Ngược lại, Moscow cũng sẽ không giao Crimea hoặc Donbass. Tuy nhiên, việc Nga chiếm đóng và cai trị Donbass là điều không thể chấp nhận được đối với Kyiv. Nhưng một Donbass tự quản liên kết với Nga có thể được tạm chấp nhận. Dân số Donbass và Crimea có khoảng 70% là người Nga. Trong khi đó, những vùng đất do Kyiv kiểm soát trước tháng 2.2022 có khoảng 90% là người dân tộc Ukraine.

Bên cạnh đó, cựu đại tá Schuster chỉ ra các yếu tố khác: "Miền đông Ukraine thân Nga sẽ giúp Moscow hình thành vùng đệm trước NATO như Tổng thống Putin mong muốn. Người dân Donbass phần lớn là những người thân Nga trước năm 2014. Ngược lại, phần lớn dân số ở phía tây Ukraine ủng hộ NATO, phản đối việc trở thành một phần của Nga một lần nữa".

Qua đó, vị chuyên gia cho rằng: "Bất kỳ sự phân chia nào cũng dựa trên thực tế trên chiến trường khi thỏa thuận được ký kết. Tuy nhiên, để có một nền hòa bình lâu dài, điều quan trọng là sự phân chia Ukraine phải đảm bảo 2 nguyên tắc. Thứ nhất, biên giới phải có thể bảo vệ được. Thứ hai, biên giới phải tôn trọng ý chí của người dân sống ở đó. Việc phân chia khó sớm trở thành hiện thực mà phải cần ít nhất từ 2 - 10 năm nữa".

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao