
SARS-CoV-2 (xanh) bám trên bề mặt các tế bào lấy từ mẫu bệnh phẩm của một bệnh nhân Covid-19 ở Mỹ
ẢNH: REUTERS
Hãng AFP ngày 12.4 đưa tin các nước thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đạt thỏa thuận "về mặt nguyên tắc" đối với cách giải quyết các đại dịch trong tương lai, sau 3 năm thảo luận.
"Về nguyên tắc, chúng ta đã có một thỏa thuận" và thỏa thuận cuối cùng sẽ phải được các quốc gia thành viên chấp thuận, theo đồng chủ tịch cơ quan đàm phán và là Đại sứ Pháp về Y tế toàn cầu Anne-Claire Amprou.
Các nước thành viên WHO trong 3 năm qua soạn thảo một thỏa thuận quốc tế về đề phòng, chuẩn bị và đối phó đại dịch. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán trước đây đều kéo dài và chưa đạt kết quả đột phá.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng thừa nhận rằng thỏa thuận quá cụ thể với nước này thì lại chưa đủ cụ thể với nước khác, quá mạnh mẽ đối với nước này thì lại quá yếu so với nước khác.
Dự thảo thỏa thuận mới nhất nhấn mạnh các nguyên tắc công bằng, đoàn kết, minh bạch và tôn trọng chủ quyền.
Cốt lõi của thỏa thuận là đề xuất về Hệ thống tiếp cận Tác nhân gây bệnh và Chia sẻ lợi ích (PABS), một nền tảng mới cho phép chia sẻ nhanh chóng dữ liệu tác nhân gây bệnh với các công ty dược phẩm, để họ nhanh chóng bắt đầu làm việc trên các sản phẩm chống đại dịch.
Đây cũng là một trong những phần khó đàm phán nhất, theo tờ Hindustan Times.
Các nước đang phát triển bày tỏ lo ngại về việc chuyển giao tác nhân gây bệnh và dữ liệu nếu họ có nguy cơ bị cắt quyền tiếp cận vắc xin sẽ được sản xuất, như đã xảy ra vào đầu đại dịch Covid-19.
Theo PABS, các quốc gia sẽ cam kết chia sẻ nhanh chóng dữ liệu về các tác nhân gây bệnh mới nổi, trong khi vắc xin và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe khác có nguồn gốc từ việc tiếp cận thông tin đó sẽ được chia sẻ trên cơ sở công bằng hơn.
Đã có một cuộc tranh luận gay gắt về việc liệu PABS có nên yêu cầu các nhà sản xuất dược phẩm phải giao nộp một tỷ lệ phần trăm nhất định sản lượng của họ trong trường hợp khẩn cấp do đại dịch hay không.
Một số quốc gia, đặc biệt là những quốc gia sản xuất các sản phẩm đó đã phản đối yếu tố ràng buộc này.
Bản dự thảo mới nhất dường như linh hoạt hơn, kêu gọi các công ty tham gia cung cấp cho WHO quyền tiếp cận nhanh chóng vào 20% sản lượng các sản phẩm y tế liên quan đại dịch của họ, bao gồm ít nhất 10% dưới hình thức quyên góp.
Một điểm tranh cãi khác là các phương thức xung quanh việc chuyển giao công nghệ và bí quyết cần thiết để sản xuất các sản phẩm y tế liên quan đại dịch, đặc biệt là cho các nước đang phát triển.
Một số quốc gia, đặc biệt là những quốc gia sản xuất các sản phẩm đó, đã bác bỏ ý tưởng rằng việc chuyển giao là bắt buộc. Thay vào đó, bản dự thảo mới kêu gọi sử dụng các biện pháp như thỏa thuận cấp phép và tạo điều kiện thuận lợi liên quan các vấn đề tài chính và quy định để thúc đẩy chuyển giao công nghệ.
Các quốc gia sẽ thực hiện những bước để tăng cường dần dần năng lực phòng ngừa và giám sát đại dịch của mình. Tùy thuộc vào nguồn lực, các quốc gia sẽ xây dựng, củng cố và thực hiện các kế hoạch phòng ngừa đại dịch toàn diện.
Điều này sẽ bao gồm những việc như tiêm chủng thường xuyên, quản lý rủi ro sinh học trong phòng thí nghiệm, ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc kháng sinh và ngăn chặn sự lây truyền bệnh từ động vật sang người.