Hơn 59 triệu cử tri Đức ngày 23.2 bỏ phiếu bầu nghị viện mới, với nhiều dấu hiệu cho thấy lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) Friedrich Merz có khả năng giành lợi thế trước đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz.

Thủ tướng Olaf Scholz bỏ phiếu tại TP.Potsdam (Đức) hôm 23.2
Ảnh: AP
630 ghế
Trong số 29 chính đảng cạnh tranh cho những chiếc ghế này, chỉ có 6 đảng có khả năng dễ dàng vượt qua ngưỡng 5% số phiếu cần thiết để vào nghị viện, trong đó có phe bảo thủ CDU/CSU (Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo), SPD, đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD), đảng Xanh và đảng Cánh tả. Ngoài ra, đảng Dân chủ Tự do (FDP) và liên minh Sahra Wagenknecht (BSW) đang dao động quanh mức 5%.
Yếu tố nào quyết định kết quả bầu cử Đức?
Cuộc bầu cử lần này thu hút tổng cộng 4.506 ứng viên cạnh tranh 630 ghế tại nghị viện (Bundestag), trong số đó có 1.422 ứng viên nữ, chiếm 32%. Theo Hãng tin DW, trong số hơn 59 triệu cử tri có đến 42% người từ 60 tuổi trở lên, trong khi chỉ 13% dưới 30 tuổi. Xu hướng cử tri cao tuổi đi bỏ phiếu ngày càng tăng. Đáng chú ý, hơn 7 triệu cử tri có nguồn gốc nhập cư, trong đó có hơn 1 triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỗi cử tri có 2 phiếu bầu. Lá phiếu đầu tiên bầu ra mỗi ứng viên cho 299 khu vực bầu cử, phiếu còn lại bầu cho các đảng. Số ghế còn lại được chia cho các đảng theo tỷ lệ phiếu bầu thứ 2. Để có thể bước chân vào quốc hội Đức, mỗi đảng cần ít nhất 5% phiếu bầu hoặc có ít nhất 3 ứng viên chiến thắng tại 299 khu vực bầu cử. Năm nay cũng là lần thứ 4 Đức bầu cử sớm kể từ sau Thế chiến 2.

Ứng viên Friedrich Merz bỏ phiếu tại TP.Arnsberg (Đức) hôm 23.2
Ảnh: Reuters
Theo BBC, cần vài ngày để xác nhận kết quả chính thức của cuộc bầu cử. Kết quả dự phóng có thể dựa trên khảo sát ngoài phòng phiếu, nhưng xu hướng bỏ phiếu qua thư gia tăng và khả năng các đảng nhỏ giành ghế tại quốc hội có thể khiến dự báo này trở nên khó lường.
Thách thức trước mắt
Sau một loạt vụ tấn công chết người bị quy trách nhiệm cho những người tị nạn, ứng viên Merz đề xuất triệt phá tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Trái với quan điểm trung dung hơn của cựu Thủ tướng Angela Merkel, ông muốn mọi người nước ngoài không có giấy tờ bị từ chối ngay ở biên giới. Theo AFP, Thủ tướng Olaf Scholz (đảng SPD) đã cáo buộc ông Merz tìm cách "chôn châu Âu" với kế hoạch trên. Tương tự ông Merz, đảng AfD kêu gọi thành lập một "bức tường thành" chống lại tình trạng nhập cư bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, Đức đang tìm cách phục hồi nền kinh tế đang suy yếu, làm dấy lên thắc mắc về cách nước này có thể chi trả cho những khoản đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng xuống cấp, quốc phòng và quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Ngoài ra, các chính sách như cắt giảm khí đốt của Nga, đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân và giảm dần việc sử dụng than đang gây ra sự chia rẽ sâu sắc ở Đức.

Một cử tri bỏ phiếu tại thị trấn Kochel ở miền nam Đức hôm 23.2
Ảnh: AFP
Về đối ngoại, Đức là bên ủng hộ quân sự lớn thứ 2 cho Ukraine sau Mỹ. Ông Scholz và ông Merz có quan điểm khác nhau về vũ khí sẽ gửi đến Ukraine. Ông Merz muốn Đức cung cấp tên lửa Taurus có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, trong khi ông Scholz thận trọng hơn vì cho rằng điều này gây rủi ro khiến Nga phản ứng mạnh. Trong khi đó, AfD, đảng Cánh tả và BSW kêu gọi chấm dứt mọi hoạt động cung cấp vũ khí cho Ukraine. Về chi tiêu quốc phòng, các đảng SPD, CDU/CSU và đảng Xanh đều tỏ ra sẵn sàng tăng chi tiêu trên mức 2% GDP theo mục tiêu của NATO. Về hợp pháp hóa cần sa, phe bảo thủ và AfD cam kết đảo ngược một số luật cấp tiến do liên minh của ông Scholz đã thông qua.
Khi nào Đức có chính phủ mới ?
Cử tri Đức bỏ phiếu bầu nghị viện mới vào ngày 23.2, nhưng nước này có thể chưa sớm có chính phủ mới. Theo AFP, những cuộc đàm phán gay go trong thời gian tới nhằm thành lập liên minh có thể kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng, trước khi một thủ tướng mới nhậm chức. Ứng viên dẫn đầu trong các cuộc khảo sát gần đây là lãnh đạo liên minh CDU/CSU Friedrich Merz cho biết ông hy vọng sẽ đạt thỏa thuận trước thời hạn ngày 20.4, đồng thời kêu gọi các đồng minh tiềm năng cần đối thoại nhanh. Vào năm 2021, ông Scholz cần 10 tuần sau bầu cử để thành lập chính phủ liên minh với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP). Lần chờ đợi lâu nhất là vào năm 2017, khi đảng CDU cựu Thủ tướng Angela Merkel mất khoảng 6 tháng để lập "đại liên minh" với SPD.