Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 10.7 dự kiến ký kết tuyên bố chung, bao gồm nội dung cung phối hợp của lực lượng răn đe hạt nhân hai nước, theo AFP. Ông Macron đang có chuyến thăm cấp nhà nước đến Anh.

Thủ tướng Anh Keir Starmer (trái) bắt tay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại London ngày 9.7
ẢNH: REUTERS
Tuyên bố sẽ nêu rõ rằng các lực lượng răn đe của hai nước vẫn do mỗi quốc gia kiểm soát, "nhưng có thể được phối hợp, và không có mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với châu Âu mà không thúc đẩy phản ứng từ cả hai quốc gia".
Theo tờ The Telegraph, thỏa thuận sẽ mở đường cho hai cường quốc hạt nhân châu Âu phối hợp triển khai tàu ngầm và chiến đấu cơ có khả năng mang vũ khí hạt nhân trong một cuộc khủng hoảng.
Bộ Quốc phòng Anh khẳng định tuyên bố mới đồng nghĩa bất kỳ kẻ thù nào đe dọa lợi ích sống còn của Anh hoặc Pháp cũng có thể bị đối phó bằng sức mạnh của lực lượng hạt nhân của cả hai nước.
NATO tăng chi tiền ra sao để đáp ứng ông Trump?
Theo Viện chính sách Chatham House (Anh), Anh có khoảng 225 đầu đạn hạt nhân và Pháp có 290 đầu đạn hạt nhân. Pháp sở hữu năng lực triển khai vũ khí hạt nhân từ trên không bằng máy bay chiến đấu và trên biển bằng tàu ngầm trong khi Anh chỉ có các tàu ngầm mang tên lửa Trident. London gần đây công bố kế hoạch mua tiêm kích tàng hình F-35A của Mỹ để sử dụng cho nhiệm vụ tấn công hạt nhân.
Việc hai nước tăng cường phối hợp về hạt nhân diễn ra trong bối cảnh có những lo ngại Mỹ giảm bớt hiện diện quân sự tại châu Âu, trong khi Đức kêu gọi Pháp làm rõ hơn cam kết bảo vệ đồng minh châu Âu. Mỹ lâu nay đảm bảo sự an toàn của châu Âu với khoảng 100 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, trong đó nhiều phần được đặt tại căn cứ Mỹ tại Đức.
Dù đều là thành viên NATO nhưng Pháp duy trì chính sách hạt nhân độc lập trong khi năng lực răn đe của Anh đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phòng thủ của liên minh, theo The Telegraph.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm lần này của ông Macron, hai bên nhất trí sẽ mua thêm tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow/SCALP do hai nước cùng phát triển, thảo luận về việc duy trì hỗ trợ cho Ukraine và kiểm soát vấn đề nhập cư trái phép qua eo biển Manche.