Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Tắm nước lạnh ngay sau khi đi nắng, bác sĩ cảnh báo điều gì?; 4 dấu hiệu khi đi bộ cảnh báo cholesterol cao; Thừa cân làm tăng nguy cơ mắc 2 loại ung thư phổ biến...
Bác sĩ chỉ cách bảo quản nước dừa, lưu ý khi dùng
Nước dừa vốn được ưa chuộng vì tính thanh mát, nhưng nếu bất cẩn khi bảo quản và sử dụng, nó có thể trở thành nguồn gây ngộ độc nguy hiểm.
Theo đó, để tránh nguy cơ ngộ độc, bác sĩ Nguyễn Phối Hiền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, chỉ ra một số dấu hiệu cho thấy nước dừa hoặc trái dừa đã bị hỏng:
- Nước dừa chuyển màu vàng, đục hoặc nổi váng bất thường.
- Có mùi lạ như chua, hôi, mùi lên men hoặc mùi mốc.
- Vị chua, đắng, hắc thay vì vị ngọt thanh đặc trưng.
- Cơm dừa có biểu hiện mềm nhũn, nhớt hoặc đổi màu sậm.
- Trên vỏ dừa (đặc biệt với dừa đã gọt vỏ) xuất hiện đốm đen hoặc mốc.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Phối Hiền, quan trọng nhất vẫn là người dùng cần đặc biệt chú trọng đến nguồn gốc và điều kiện bảo quản của sản phẩm trước khi sử dụng.

Dừa gọt vỏ, nên bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 2-5 độ C
Ảnh: AI
Tùy theo tình trạng sơ chế, dừa cần được bảo quản theo những cách thức khác nhau:
Với dừa còn nguyên vỏ: Nên bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Có thể sử dụng trong vòng 7-15 ngày tùy điều kiện môi trường.
Với dừa đã gọt vỏ hoặc cắt nắp: Bắt buộc phải bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 2-5 độ C. Nên sử dụng trong vòng 24-48 giờ sau khi gọt. Nếu đã rót nước dừa ra khỏi quả, cần đựng trong chai sạch, có nắp đậy kín và nên uống trong ngày. Không nên để nước dừa ngoài nhiệt độ phòng quá 2 giờ vì nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 10.4.
Thừa cân làm tăng nguy cơ mắc 2 loại ung thư phổ biến
Một nghiên cứu mới đây đã đưa ra cảnh báo về mối liên hệ nguy hiểm giữa thừa cân và tăng nguy cơ mắc 2 loại ung thư phổ biến ở phụ nữ.
Nghiên cứu mới vừa được thực hiện bởi các nhà khoa học Serbia và đăng trên tạp chí Biomolecules and Biomedicine, phân tích dữ liệu của hơn 245.000 bệnh nhân nữ và phát hiện ra rằng các yếu tố liên quan đến béo phì và hội chứng chuyển hóa có thể làm tăng đáng kể khả năng phát triển ung thư nội mạc tử cung và ung thư vú ở phụ nữ sau mãn kinh.

Thừa cân làm tăng nguy cơ mắc ung thư
Ảnh minh họa: AI
Theo nghiên cứu, với mỗi 5 kg cân nặng tăng thêm, nguy cơ phát triển ung thư ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể cũng tăng trung bình 11%. Đáng chú ý, nghiên cứu chỉ ra rằng hơn 50% bệnh nhân mới được chẩn đoán mắc ung thư nội mạc tử cung bị béo phì. Những bệnh nhân này còn đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn đáng kể so với những người có cân nặng bình thường.
Nghiên cứu cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa chỉ số khối cơ thể (BMI) cao và nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ sau mãn kinh. Những phụ nữ béo phì có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn tới 82% so với những người có cân nặng bình thường.
Các nhà nghiên cứu giải thích rằng cơ chế đằng sau mối liên hệ này có thể là do tình trạng "độc tính lipid" trong mô mỡ. Sự tích tụ quá nhiều chất béo dễ gây tổn thương màng tế bào và làm trầm trọng thêm quá trình viêm. Về lâu dài, điều này có thể dẫn đến tổn thương ADN do oxy hóa và cuối cùng là sự phát triển của tế bào ung thư. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 10.4.
4 dấu hiệu khi đi bộ cảnh báo cholesterol cao
Nồng độ lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) trong máu tăng sẽ dẫn đến tích tụ và hình thành mảng bám trong động mạch, gây xơ vữa động mạch. Tình trạng này sẽ biểu hiện qua một số triệu chứng, đặc biệt là khi vận động.
Các mảng bám tích tụ trong thành động mạch sẽ khiến mạch máu bị thu hẹp và cứng lại. Khi vận động thể chất, chẳng hạn như đi bộ, những bất thường trong mạch máu sẽ dẫn đến một số vấn đề khi vận động.

Chân dễ bị chuột rút khi đi bộ có thể là dấu hiệu cảnh báo cholesterol trong máu cao
ẢNH: AI
Khi nồng độ cholesterol trong máu cao, người bệnh khi đi bộ hay tập luyện thể thao sẽ xuất hiện những dấu hiệu sau:
Khó thở. Cảm giác khó thở khi đi bộ có thể là dấu hiệu liên quan đến mức cholesterol "xấu" LDL cao. LDL cao làm hình thành mảng bám trong động mạch vành, khiến máu lưu thông đến cơ tim giảm. Tình trạng này gọi là bệnh động mạch vành.
Khi tim không được cung cấp đủ oxy, ngay cả hoạt động nhẹ như đi bộ, thì cũng có thể gây khó thở. Đây là dấu hiệu cho thấy tim đang phải làm việc quá sức để bơm máu đi khắp cơ thể. Nếu không được điều trị, bệnh động mạch vành có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Tay chân lạnh. Một trong những biểu hiện của bệnh động mạch ngoại biên (PAD) là bàn tay hoặc chân lạnh khi đi bộ, tập luyện thể thao. Bệnh xảy ra khi mỡ tích tụ trong các động mạch ngoại biên, đặc biệt là các động mạch dẫn máu đến chân tay, khiến máu không lưu thông đủ.
Khi đi bộ, cơ bắp cần nhiều máu hơn. Tuy nhiên, nếu máu không cung cấp đủ thì tay chân sẽ bị lạnh, tê hoặc da tái nhợt. Bệnh động mạch ngoại biên thường liên quan đến nồng độ cholesterol trong máu cao. Nếu không điều trị, người mắc sẽ đối diện nguy cơ cao bị đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!