Việt Nam bước vào thị trường tỉ USD - tín chỉ carbon xe điện

Làm "móng" cho những đô thị xe điện đầu tiên

Những ngày qua, người dân tại 2 TP lớn nhất cả nước không khỏi bất ngờ trước những đề án nhanh, mạnh, quyết liệt chuyển đổi phương tiện giao thông từ xe xăng sang xe điện, tạo bước nhảy vọt kiểm soát ô nhiễm môi trường từ khí thải xe cộ. Hà Nội lập vành đai cấm xe xăng, còn TP.HCM thì đã sẵn sàng từ chối các phương tiện mới đăng ký chạy xe 2 bánh công nghệ mà sử dụng xe xăng, đồng thời chuyển đổi 400.000 phương tiện hiện hữu của các tài xế sang xe điện. Để hiện thực hóa mục tiêu đạt tỷ lệ 100% giao thông điện trong khoảng 2 thập kỷ tới, cả 2 TP đều đang xây dựng một kế hoạch bài bản với những chính sách mang tính đột phá như: hỗ trợ về tài chính cho người dân chuyển đổi phương tiện; khuyến khích các doanh nghiệp (DN) đầu tư cho phương tiện và hạ tầng xanh; phân vùng phát thải thấp; tăng tốc hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị

Việt Nam bước vào thị trường tỉ USD - tín chỉ carbon xe điện- Ảnh 1.

Mục tiêu cuối cùng của việc phát triển thị trường tín chỉ carbon là giảm phát thải, xây dựng môi trường xanh

ẢNH: N.A

Với riêng TP.HCM, từ năm 2021, dự án "Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á - NDC TIA" do chính phủ Đức tài trợ VN sau khi khảo sát 8 TP lớn trên cả nước, đã được chọn mặt gửi vàng là địa phương khởi nguồn để triển khai nghiên cứu xây dựng kế hoạch phát triển phương tiện giao thông điện. Với mục tiêu trở thành đô thị xe điện đầu tiên của cả nước, trong đề án giao thông xanh của TP.HCM còn đang nghiên cứu những giải pháp mang tính bước ngoặt để không chỉ chuyển đổi phương tiện theo từng bước mà còn song song hình thành một hệ sinh thái xe điện hoàn chỉnh. Trong đó, có giải pháp tạo tín chỉ carbon từ việc giảm phát thải trong giao thông, nhờ chuyển đổi sang xe điện và phương tiện công cộng.

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM (HIDS - đơn vị nghiên cứu xây dựng đề án chuyển đổi xanh cho TP) cho biết: Theo Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM, TP được thí điểm trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Địa phương hưởng 100% nguồn thu từ giao dịch tín chỉ này, dùng chi cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, số và tuần hoàn. Ba ưu tiên trong kế hoạch tạo tín chỉ carbon giao thông là chuyển đổi xe buýt, xe của lực lượng giao hàng (shipper) sang điện; giảm phát thải nhờ hệ thống đường sắt đô thị (metro) thông qua giảm sử dụng phương tiện cá nhân kết hợp với lắp điện mặt trời trên mái các ga tàu điện. 

Hiện nay, TP.HCM đang thực hiện chuyển đổi mạng lưới xe buýt đúng theo kế hoạch, chuẩn bị triển khai áp dụng với lực lượng tài xế công nghệ và tăng tốc xây dựng các tuyến metro tiếp theo. Cùng với đó, Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia VN về phương tiện giao thông đường bộ. Một trong những hướng sửa đổi đáng chú ý là quy định giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu cho ô tô, xe máy, nhằm thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu. Phương tiện nào tiêu thụ vượt ngưỡng nhiên liệu cho phép sẽ bị phạt hoặc phải mua tín chỉ bù trừ.

Việt Nam bước vào thị trường tỉ USD - tín chỉ carbon xe điện- Ảnh 2.

ẢNH: VF

"Tất cả những yếu tố trên vừa mang ý nghĩa tạo sức ép, vừa là lực đẩy tạo thuận lợi để TP.HCM xây dựng chương trình riêng để tạo tín chỉ carbon đối với lĩnh vực giao thông. Ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng và với vị thế mới cùng tầm nhìn phát triển của TP.HCM sau sáp nhập, chuyển đổi giao thông xanh cần được đẩy nhanh tăng tốc hơn nữa bằng một chiến lược tổng hòa nhiều giải pháp. Việc sử dụng tín chỉ carbon như một nền móng giúp khuyến khích các DN và cá nhân giảm lượng khí thải, chuyển đổi sang các phương tiện và phương thức di chuyển xanh hơn, đồng thời tạo động lực kinh tế để phát triển các giải pháp giao thông bền vững", đại diện HIDS chia sẻ.

Không chỉ TP.HCM, tại hội thảo "Chuyển đổi xanh trong khu công nghiệp để phát triển bền vững Hải Phòng" diễn ra hồi đầu năm, ông Dương Đình Ổn, Giám đốc Sở NN-MT TP.Hải Phòng, cho biết địa phương này muốn thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2026. Lãnh đạo TP xác định sàn giao dịch này là bước chuyển tiếp giúp chính quyền và DN tham gia vào thị trường carbon nội địa của VN trong thời gian tới, đồng thời đẩy nhanh tốc độ giảm phát thải khí nhà kính của Hải Phòng trong lộ trình tiến tới phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Việt Nam bước vào thị trường tỉ USD - tín chỉ carbon xe điện- Ảnh 3.

Thị trường tín chỉ carbon đang hình thành và giá tín chỉ dự báo sẽ tăng nhanh

NGUỒN: BỘ NN-MT

"Mỏ vàng" trị giá hàng tỉ USD

Trên thế giới, Tesla - công ty sản xuất xe điện và năng lượng sạch của Mỹ - đang dẫn đầu cuộc đua bán tín chỉ carbon xe điện. Báo cáo thu nhập mới nhất của Tesla cho thấy doanh thu tín dụng carbon tăng vọt lên mức kỷ lục. Chỉ trong một quý, Tesla đã tạo ra 692 triệu USD từ việc bán các khoản tín dụng theo quy định, chiếm gần 30% thu nhập ròng của công ty. Năm 2024, con số là 2,76 tỉ USD, tăng kỷ lục 54% so với năm 2023. Doanh thu từ bán tín chỉ carbon đã "cứu" Tesla trong trong năm 2024 bởi thu nhập ròng của hãng xe điện này năm trước giảm tới 23%. Lượng xe giao cũng giảm nhẹ, củng cố mối lo ngại về nhu cầu thị trường thay đổi và cạnh tranh gia tăng.

Thành công của Tesla trên thị trường tín dụng carbon bắt nguồn từ khả năng tạo ra tín chỉ phát thải bằng cách bán xe không phát thải. Các nhà sản xuất ô tô không đạt được mục tiêu theo quy định, đặc biệt là ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, phải mua tín chỉ để tránh bị phạt.

Việt Nam bước vào thị trường tỉ USD - tín chỉ carbon xe điện- Ảnh 4.

VN đang nắm giữ thời cơ để khai phá thị trường tín chỉ carbon

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Tại VN, VinFast đang là DN đầu tiên nhắm tới thị trường màu mỡ này. Sàn giao dịch carbon tại Hải Phòng được coi là điều kiện quan trọng giúp VinFast có thể thực hiện mục tiêu đạt 200.000 tỉ đồng doanh thu và đạt 4.500 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế mà Chủ tịch HĐQT Vingroup đã đề ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của DN này. Ông Phạm Nhật Vượng tiết lộ mục tiêu hoàn toàn khả thi bởi VinFast có thể bán chứng chỉ carbon không chỉ ở VN mà còn ở các nước khác.

Chuyên gia kinh tế Trần Anh Tùng (Trưởng ngành quản trị kinh doanh, Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM) nhìn nhận: Ngành xe điện VN đang chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng. VinFast, hãng xe điện hàng đầu VN hoàn toàn nên xem xét tham gia thị trường tín chỉ carbon quốc tế, mở ra cơ hội tăng trưởng doanh thu và thúc đẩy phát triển bền vững.

"VN đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đang xây dựng thị trường tín chỉ carbon, dự kiến thí điểm từ năm 2025 và vận hành sàn giao dịch vào năm 2028. Việc tham gia thị trường này không chỉ tạo nguồn thu mới cho DN mà còn khuyến khích đầu tư vào công nghệ sạch, nâng cao năng lực cạnh tranh và góp phần thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu. Đây mới là nguồn lợi thực sự lớn", ông Trần Anh Tùng chỉ rõ.

Mọi "mắt xích" đều được hưởng lợi

Theo đại diện HIDS, việc xây dựng hành lang pháp lý cho tín chỉ carbon cần đảm bảo toàn bộ quy trình từ xác định phương pháp luận đến phát hành, giao dịch và quản lý đều minh bạch, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế cũng như khung thỏa thuận song phương VN - Singapore. Mỗi mắt xích trong chuỗi giá trị (phương tiện, trạm sạc, trạm đổi pin, năng lượng tái tạo) đều được gắn với phương pháp luận cụ thể và cơ chế phân bổ rõ ràng để tối ưu hóa lợi ích cho TP, DN và tài xế. Trong đó, xác định chủ sở hữu và cơ chế phân bổ theo nguyên tắc "bên nào đầu tư thì bên đó sở hữu".

Đơn cử, với đề án chuyển đổi 400.000 phương tiện cho tài xế 2 bánh tại TP.HCM, TP đầu tư thiết kế dự án, chịu chi phí đăng ký tín chỉ các bon, đầu tư chi phí bù lãi vay, hỗ trợ chính sách thông qua gánh chịu một phần rủi ro tín dụng và xử lý rủi ro tín dụng. Như vậy, TP.HCM sẽ giữ tín chỉ và có nghĩa vụ phân bổ đến các bên có liên quan. Chính quyền trung ương đóng góp ngân sách lớn nhất nếu miễn 100% thuế giá trị gia tăng, phí trước bạ và phí đăng ký biển số cho xe điện 2 bánh do tài xế công nghệ khi mua mới trong suốt giai đoạn triển khai đề án (từ tháng 1.2026 - 12.2029). Khi đó, chính quyền trung ương được chia sẻ phần lớn lợi ích thu được từ tín chỉ carbon, sau đó có thể bán thu tiền về ngân sách hoặc có thể dùng để đóng góp vào NDC quốc gia. Còn tài xế tự mua xe điện với hỗ trợ tài chính từ trung ương và địa phương sẽ được hưởng lợi trong quá trình vận hành phương tiện thông qua việc chuyển giao toàn bộ quyền lợi từ tín chỉ carbon sang chính quyền TP để có nguồn lực tài chính thực thi các giải pháp.

Đồng thời, rất nhiều bên liên quan cũng sẽ được hưởng lợi, bao gồm: cơ quan cung cấp năng lượng là Tổng công ty Điện lực có nhiệm vụ nâng cấp nguồn cung, nâng cấp hạ tầng lưới điện, khuyến khích mua điện sạch sẽ được chia sẻ lợi ích từ dự án tín chỉ carbon để bù đắp một phần đầu tư; Các DN cung cấp hạ tầng trạm sạc, tủ đổi pin cung cấp dịch vụ nạp năng lượng cho giao thông điện trong giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn do phải đầu tư nguồn cung đón đầu cầu nạp năng lượng từ xe điện. Đơn vị sẽ được chia sẻ lợi ích từ dự án tín chỉ carbon trong 5 năm đầu kể từ 2026 để bù đắp một phần đầu tư trong giai đoạn đầu; DN vận hành nền tảng hỗ trợ tích cực quá trình triển khai đề án... cũng có lợi ích vô hình nếu quá trình chuyển đổi thành công. 

Ngoài ra, TP sẽ chia sẻ phần nhỏ lợi ích từ dự án tín chỉ carbon để khích lệ các hoạt động cộng đồng vì lợi ích chung của DN đồng hành. Đặc biệt, các DN sản xuất hỗ trợ giảm lãi vay cho tài xế sẽ được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, tăng doanh thu nếu đề án được thúc đẩy, được tôn vinh đi tiên phong và có thể tự đăng ký tín chỉ carbon cho các dự án riêng của DN; Còn các đơn vị cho vay thì được vinh danh vì tham gia tích cực vào hoạt động cộng đồng vì lợi ích chung, được ghi nhận doanh số tín dụng xanh.

Có thể thấy, việc triển khai tín chỉ carbon không chỉ góp phần giảm ô nhiễm môi trường mà còn đem lại lợi ích kinh tế thiết thực cho từng cấu phần tham gia vào các chương trình chuyển đổi xanh. Từ những phân tích trên, HIDS kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định MRV hướng dẫn kỹ thuật đo lường - báo cáo - xác minh, dựa trên nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, nhanh chóng thiết lập sàn giao dịch tín chỉ carbon minh bạch, liên kết thị trường quốc tế (Singapore) theo thỏa thuận VN - Singapore, hỗ trợ các DN tham gia mua bán tín chỉ. Cùng với đó, áp dụng ưu đãi thuế, phí và hỗ trợ kỹ thuật để khuyến khích đầu tư, bảo vệ quyền lợi tài xế, DN vận tải và nhà đầu tư hạ tầng.

Chuyên gia kinh tế Trần Anh Tùng cũng đề xuất thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2025 và vận hành chính thức vào năm 2028 để các DN xe điện VN sớm hưởng lợi từ tín chỉ carbon. Ngoài ra, cần ban hành các quy định yêu cầu các nhà sản xuất và nhập khẩu ô tô đạt tỷ lệ nhất định về xe không phát thải, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ xe điện. Việc áp dụng các tiêu chuẩn phát thải CO₂ bắt buộc đối với DN, yêu cầu mua tín chỉ để bù đắp lượng phát thải vượt mức cho phép, cũng là cần thiết. Hơn nữa, khuyến khích hợp tác quốc tế theo điều 6 của Thỏa thuận Paris sẽ thu hút đầu tư cho xe điện, giúp triển khai các dự án xe điện hiệu quả và bền vững. Đồng thời, cần cải thiện hạ tầng trạm sạc xe điện, giảm giá thành xe điện và nâng cao nhận thức người tiêu dùng thông qua các chiến dịch tuyên truyền và hỗ trợ tài chính.

Theo báo cáo mới nhất từ Phòng Nghiên cứu thị trường của oto.com.vn, năm 2024, doanh số ô tô điện (EV) và hybrid (HEV) tại VN đạt 97.000 xe, chiếm 22% tổng thị phần xe du lịch. Trong đó, ô tô điện chiếm khoảng 90.000 xe và ô tô hybrid chiếm khoảng 7.000 xe. Tính đến cuối 2024, tỷ lệ xe xanh đạt 15 - 20% và dự báo con số này tiếp tục tăng lên 25 - 30% vào năm 2025.

Công cụ, phần mềm quản lý MRV theo đề xuất của HIDS:

- Triển khai hệ thống tự động ghi nhận quãng đường, điện tiêu thụ và CO₂ tránh được.

- Kết nối API giữa nền tảng vận hành, tổ chức thẩm định và sàn giao dịch để đảm bảo tính liên tục và minh bạch.

- Đơn giản hóa thủ tục đăng ký tín chỉ, cho phép bất kỳ bên đầu tư nào cũng có thể nộp hồ sơ và theo dõi trạng thái.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao