Đột phá vào kỷ nguyên mới

Thay đổi cách thức quản lý, sản xuất

Không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin như trước đây mà chuyển đổi số đã thực sự thay đổi cách làm, cách vận hành tổ chức, từ bộ máy nhà nước đến doanh nghiệp (DN), người dân.

Đột phá vào kỷ nguyên mới- Ảnh 1.

Chuyển đổi số, số hóa thay đổi cách thức quản lý, sản xuất

ẢNH: Ngọc Thắng

Theo ông Đỗ Khoa Tân - Phó tổng thư ký Hiệp hội DN điện tử VN, tất cả người dân đều có thể thấy sự thay đổi đã diễn ra ở nhiều lĩnh vực sau quá trình thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Chẳng hạn, trong lĩnh vực y tế, với những máy móc thiết bị hiện đại xuất hiện nhiều hơn thì từ những công việc chuyên môn trước đây chưa từng có cho tới những khâu đoạn đơn giản là quản lý hồ sơ bệnh án điện tử, chẩn bệnh từ xa… cũng như nhiều dịch vụ được ứng dụng trí tuệ nhân tạo, sử dụng dữ liệu lớn đều thuận tiện hơn, chính xác hơn. Hoặc trong việc xây dựng đường cao tốc, sân bay Long Thành… thì chuyển đổi số gián tiếp cũng sẽ mang lại cách thức thực hiện mới, nhanh hơn, giảm chi phí về thời gian, con người nên hiệu quả sẽ cao hơn.

"Trong nhiều lĩnh vực, chuyển đổi số chỉ tác động gián tiếp sẽ khó đo đếm được hiệu quả kinh tế chính xác với con số cụ thể. Nhưng việc thay đổi từ các cơ quan nhà nước đến các DN đã tạo ra môi trường kinh doanh công bằng hơn, nhanh gọn hơn trước đây. Ví dụ, thủ tục hành chính thực hiện qua mạng cũng là một trong những điểm được đánh giá tích cực, từ đó góp phần gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài vào VN, góp phần đưa kinh tế VN đạt tăng trưởng cao từ sau đại dịch Covid-19…", ông Đỗ Khoa Tân nói và nhấn mạnh: "Gần đây Bộ chính trị, Chính phủ đã có nhiều chương trình hành động, phương pháp quản lý mới hơn. Ví dụ, Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cho từng địa phương; Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị có những đột phá về đổi mới tư duy, xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số… Những điều đó thể hiện sự quyết tâm rất rõ cộng với bối cảnh thế giới có nhiều biến động trong khi VN vẫn ổn định về chính trị kinh tế thì cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn giai đoạn trước là khả thi".

Thực tế, "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" ra đời vào năm 2020 đã thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số ở nước ta đã diễn ra mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả.

Đến nay, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị vừa ban hành được đánh giá sẽ tạo thêm những đột phá mới trong lĩnh vực này. Một số mục tiêu cụ thể đã được xác định như đến năm 2030, VN thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà VN có lợi thế. Tối thiểu có 5 DN công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Đến năm 2045, VN có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tỷ lệ DN công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu có 10 DN công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến…

Thúc đẩy tăng trưởng cao, bền vững

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đánh giá trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang vận động nhanh dưới tác động của công nghệ, VN không thể chỉ dựa vào các mô hình tăng trưởng truyền thống, mà cần tận dụng chuyển đổi số để nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Nghị quyết 57 tạo cơ sở chính trị vững chắc để đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng số, phát triển dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và các nền tảng công nghệ cốt lõi. Việc xây dựng chính sách ưu tiên cho công nghệ số sẽ thúc đẩy nhanh hơn tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế, giúp DN và các ngành sản xuất nâng cao hiệu suất, giảm chi phí và mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 57 nhấn mạnh đến việc hoàn thiện thể chế để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số. Song song, định hướng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ DN khởi nghiệp công nghệ, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống. Chỉ khi có một hệ sinh thái số phát triển mạnh mẽ, các động lực tăng trưởng từ công nghệ mới thực sự phát huy hiệu quả, giúp nền kinh tế VN đạt tốc độ tăng trưởng cao như mục tiêu đã đề ra.

Một tác động quan trọng khác, theo chuyên gia này, là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số. Trước đây, nền kinh tế VN chủ yếu dựa vào lao động giá rẻ và xuất khẩu thô. Tuy nhiên, Nghị quyết 57 nhấn mạnh đến việc đào tạo nhân lực có trình độ công nghệ cao, bảo đảm lực lượng lao động không chỉ thích ứng mà còn dẫn dắt quá trình chuyển đổi số. Nếu không có đội ngũ nhân sự số đủ mạnh, nền kinh tế số VN khó có thể đạt được những đột phá như kỳ vọng. Trong thực tiễn, điều này sẽ khuyến khích các DN đầu tư vào công nghệ, tự động hóa, số hóa sản xuất thay vì phụ thuộc vào lao động giá rẻ. Từ đó hiệu suất lao động tăng lên, chi phí giảm xuống, năng lực cạnh tranh cải thiện, giúp kinh tế tăng trưởng nhanh hơn và bền vững hơn. Đồng thời, việc khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ cũng sẽ giúp VN từng bước tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có giá trị cao hơn trên thị trường quốc tế.

Thứ hai là hoàn thiện thể chế để tạo môi trường thuận lợi cho chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Một trong những điểm nghẽn lớn nhất đối với đổi mới sáng tạo ở VN là hệ thống pháp lý chưa đồng bộ, còn nhiều rào cản đối với các mô hình kinh doanh số, tài chính số, thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… Hoàn thiện thể chế sẽ giúp VN tạo ra một môi trường kinh doanh cởi mở, nơi các DN khởi nghiệp công nghệ có thể phát triển mạnh mẽ, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế số. Điều này đặc biệt quan trọng khi VN muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay và kỳ vọng vào mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới.

Tiếp theo là đầu tư mạnh vào hạ tầng số và nguồn nhân lực số. Đây là yếu tố quyết định để VN không chỉ tiếp nhận công nghệ từ bên ngoài mà còn có thể sáng tạo, làm chủ công nghệ. Khi hạ tầng số phát triển, các lĩnh vực như thương mại điện tử, tài chính số, logistics thông minh, công nghiệp công nghệ cao sẽ bùng nổ, tạo động lực tăng trưởng mới.

"Tóm lại, Nghị quyết 57 không chỉ là một định hướng mà là một kế hoạch hành động mạnh mẽ, nhằm chuyển đổi nền kinh tế VN từ dựa vào lao động giá rẻ sang một nền kinh tế có giá trị gia tăng cao, dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nếu triển khai quyết liệt và hiệu quả, đây sẽ là một động lực lớn giúp VN không chỉ đạt mục tiêu tăng trưởng cao mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo đà để nền kinh tế vươn lên mạnh mẽ trong thập kỷ tới", TS Nguyễn Sĩ Dũng nhìn nhận.

Xây dựng chỉ tiêu cụ thể để tăng tốc hơn nữa

Nghị quyết 57 đã chỉ đường nhưng cần phải có chính sách, giải pháp thực hiện cụ thể. Chính phủ cần giao chỉ tiêu cụ thể trong hoạt động chuyển đổi số như việc đưa tăng trưởng GDP cho từng địa phương. Việc xây dựng các chỉ tiêu đều thực hiện được, ngay trong các hoạt động gián tiếp như thủ tục hành chính. Việc số hóa sẽ giúp thực hiện được khi có sự so sánh, tổng kết qua việc đo đếm, lượng hóa quy trình từ quản lý đến thực hiện. Từ đó nâng cao hiệu quả của một ngành hay một DN. Toàn bộ môi trường đầu tư sẽ được cải thiện, công bằng và minh bạch hơn, tạo ra động lực tăng trưởng đột phá cho kinh tế VN trong giai đoạn tiếp theo.

Ông Đỗ Khoa Tân (Phó tổng thư ký Hiệp hội DN điện tử VN)

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao