Ngân hàng Nhà nước đã gửi Bộ Tư pháp hồ sơ đề nghị xây dựng luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Các tổ chức tín dụng.
Dự luật được xây dựng nhằm luật hóa một số nội dung của Nghị quyết số 42/2014/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sau khi nghị quyết này hết hiệu lực.

Còn nhiều khó khăn liên quan thực hiện quy định quyền thu giữ tài sản bảo đảm
ẢNH: NGỌC THẮNG
Tại dự luật, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bổ sung điều 198a vào sau điều 198 luật Các tổ chức tín dụng, quy định rõ tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ được quyền thu giữ tài sản bảo đảm.
Bộ Công an cơ bản nhất trí với dự thảo tờ trình về xử lý kiến nghị của các ngân hàng thương mại cổ phần trong việc thu giữ tài sản bảo đảm sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 hết hiệu lực.
Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 có nhiều tích cực trong xử lý nợ xấu, nhưng còn nhiều khó khăn, vướng mắc, hạn chế liên quan đến thực hiện các quy định quyền thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản bảo đảm của bên thi hành án và hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong các vụ án hình sự không được luật hóa tại luật Các tổ chức tín dụng.
Theo Bộ Công an, đề xuất luật hóa các quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán nợ, Ngân hàng Nhà nước cần rà soát, đối chiếu kỹ với các luật hiện hành để đảm bảo tính đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh mâu thuẫn, xung đột pháp luật...
Bộ Công an cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất luật hóa quy định về trình tự, thủ tục đặc biệt yêu cầu tòa án giải quyết trong trường hợp người đang giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản cho bên nhận bảo đảm là tổ chức tín dụng để rút ngắn thời gian và áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án do cơ quan có thẩm quyền thực hiện để thu giữ tài sản bảo đảm, thu hồi nợ.
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Hoàng Tùng (Văn phòng luật sư Trung Hòa, thuộc Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), đánh giá việc luật hóa Nghị quyết số 42/2014/QH14 là cần thiết để tạo ra khung pháp lý vững chắc cho xử lý nợ xấu, song cần có sự điều chỉnh hợp lý để đảm bảo công bằng giữa các bên.
Chính phủ cần xây dựng một cơ chế thu giữ tài sản bảo đảm có điều kiện; cơ chế xử lý nợ phải minh bạch, công khai.
Việc thu giữ tài sản bảo đảm cần được quy định chặt chẽ, có sự giám sát của cơ quan chức năng để tránh lạm dụng quyền lực từ phía ngân hàng. Cũng cần có thêm quy định thu hồi và xử lý tài sản bảo đảm trong bao lâu, không phải ngân hàng thương mại thu hồi rồi "ngâm" đấy đợi giá lên mới xử lý.