Đằng sau chuyện chàng trai tốt nghiệp đại học loại giỏi nhưng chạy xe công nghệ

Từng mất định hướng

Phạm Văn Nghĩa (24 tuổi), vừa tốt nghiệp loại giỏi ngành công nghệ kỹ thuật máy tính tại  một trường ĐH ở Hà Nội, lựa chọn làm nghề chạy xe ôm công nghệ. Sinh ra và lớn lên tại Phú Thọ (trước đây thuộc Vĩnh Phúc) trong một gia đình không mấy khá giả, Nghĩa sớm ý thức được gánh nặng tài chính của gia đình.

Bố làm thợ xây, mẹ là công nhân, thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Ngay từ khi bước chân vào giảng đường đại học, Nghĩa đã nỗ lực làm thêm để tự lo cho bản thân, quyết không để cha mẹ phải bận tâm.

Đằng sau chuyện chàng trai tốt nghiệp đại học loại giỏi nhưng chạy xe công nghệ- Ảnh 1.

1 năm qua, Nghĩa chọn chạy xe công nghệ để kiếm tiền trang trải cuộc sống và có thêm nhiều trải nghiệm

ẢNH: NVCC

Năm thứ ba đại học, Nghĩa bắt đầu tìm kiếm cơ hội thực tập tại các công ty công nghệ. Tuy nhiên, rào cản về kinh nghiệm làm việc hoặc yêu cầu ngoại ngữ khiến chàng trai chật vật. Mất định hướng, Nghĩa quyết định bảo lưu việc học và đăng ký chương trình xuất khẩu lao động tại Osaka, Nhật Bản.

Trong hai năm ở Nhật Bản, Nghĩa làm việc trong ngành sản xuất phụ kiện ô tô, công việc đòi hỏi đứng hơn 8 tiếng mỗi ngày. Giai đoạn khó khăn nhất là khi anh nhiễm Covid-19, không thể đi làm, thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dù vậy, với ý chí kiên cường, Nghĩa kiếm được khoảng 17 triệu đồng mỗi tháng (quy đổi tiền Việt), chàng trai tiết kiệm với mong muốn quay về Việt Nam hoàn thành chương trình học.

“Đi làm công việc tay, chân rồi mới hiểu việc học rất quan trọng”, Nghĩa nói.

Chọn chạy xe công nghệ để nuôi dưỡng ước mơ

Trở về Việt Nam vào năm 2024, Nghĩa tiếp tục việc học và nhanh chóng hoàn thành chương trình đại học với điểm tích lũy toàn khóa 3,28/4.0, đạt loại giỏi. Từ tháng 5.2024, Nghĩa bắt đầu chạy xe ôm công nghệ để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

“Chạy xe ôm không chỉ là công việc kiếm tiền mà còn là cơ hội để mình ra ngoài, ngắm nhìn thế giới và học hỏi từ những người xung quanh. Có những chuyến xe, mình trò chuyện với khách và nhận được những bài học quý giá”, Nghĩa chia sẻ.

Đằng sau chuyện chàng trai tốt nghiệp đại học loại giỏi nhưng chạy xe công nghệ- Ảnh 2.

Trở lại sau 2 năm bảo lưu, Nghĩa hoàn thành chương trình đại học với điểm tích lũy toàn khóa 3,28/4.0, đạt loại giỏi

ẢNH: NVCC

Từ một chàng trai từng hoài nghi bản thân và mất phương hướng, Nghĩa tìm thấy ý nghĩa trong công việc tưởng chừng đơn giản này. Những câu chuyện từ hành khách, trải nghiệm trên đường phố giúp anh mở rộng tầm nhìn và rèn luyện sự kiên nhẫn.

Trong thời gian chờ lễ tốt nghiệp, để trang trải chi phí sinh hoạt và học tập ngoại ngữ, Nghĩa chọn chạy xe ôm công nghệ. Mỗi ngày, Nghĩa dành 7-8 tiếng đồng hồ để lái xe, mang về thu nhập khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền này không chỉ giúp chàng trai tự lập mà còn là nguồn động lực để tiếp tục theo đuổi ước mơ.

“Hiện tại, mình đang tập trung học tiếng Nhật để thi chứng chỉ JLPT N3 vào tháng 12 tới. Mục tiêu của mình là làm việc tại một công ty công nghệ có vốn đầu tư từ Nhật Bản, nơi mình có thể áp dụng những gì đã học ở trường. Tấm bằng loại giỏi là một bước đệm, nhưng mình biết cần phải nỗ lực hơn nữa, đặc biệt là về ngoại ngữ, để có cơ hội tốt hơn”, Nghĩa tâm sự.

Nghĩa chia sẻ thêm rằng công việc chạy xe ôm công nghệ giúp anh linh hoạt về thời gian, vừa có thể học tiếng Nhật, vừa tự trang trải cuộc sống mà không phải phụ thuộc vào gia đình.

“Mình tin rằng mọi con đường đều có ý nghĩa, kể cả khi nó không đúng với mong đợi ban đầu. Chạy xe ôm giúp mình trưởng thành hơn, học cách kiên nhẫn và trân trọng từng cơ hội. Mình đang từng bước tiến tới mục tiêu, và mình tin rằng chỉ cần không bỏ cuộc, mọi thứ rồi sẽ ổn thôi”, Nghĩa nói.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao