Là một nhu cầu do rất nhiều nguyên nhân
Phụ huynh cho con học thêm có thể là theo một kiểu gửi con để yên tâm khi cha mẹ quá bận rộn với công việc. Có thể là do yêu cầu của con em mình sau khi trên lớp trở về nhà năn nỉ "cho con đi học thêm". Có thể là do khi phụ huynh tra sách vở của con thấy còn yếu kém. Cũng có thể không loại trừ một số giáo viên "nhín" bài giảng trên lớp lại, dạy nửa vời để rồi ép các em học thêm…
Theo dõi trên báo chí, các bình luận dưới mỗi bài viết hay mạng xã hội, sẽ thấy rất rõ cái sự muôn hình vạn trạng học thêm và tâm tư của các bậc phụ huynh.

Phụ huynh chờ đón con ở các cơ sở dạy thêm, học thêm. Hình ảnh thường thấy vào mỗi buổi tối ở nhiều tỉnh, thành
ảnh: Ngọc Dương
Nhưng những câu chuyện này, dù rơi vào trạng huống này hay trạng huống khác, thì cũng "xưa như trái đất". Dù thời nào, ở chế độ nào, quốc gia nào thì chuyện học thêm là một nhu cầu. Không định dạng cụ thể, song nơi này nơi nọ, lúc này lúc khác bằng hình thức này hay hình thức khác, nó vẫn là một hiện tượng phổ biến của xã hội mang tính đề cao giáo dục, mà dù có ngăn cấm, thì vẫn diễn ra với mục đích mang tính giáo dục con người và việc dung nạp tri thức.
Điều này lý giải vì sao những ngày qua rất nhiều phụ huynh chạy đôn chạy đáo hỏi thầy cô về việc học thêm cho con, vì sao rất nhiều thầy cô đi đăng ký hộ kinh doanh để dạy thêm hoặc "gá" mình vào các trung tâm để dạy thêm... Đến nỗi, có nhiều tờ báo đã dùng cụm từ "thị trường dạy thêm" xáo trộn hoặc mô tả trạng thái "nhớn nhác" từ nhiều phía: giáo viên, phụ huynh và nhất là các em học sinh.
Không thể phủ nhận ý nghĩa và nỗ lực sắp xếp, quản lý từ các nhà quản lý giáo dục khi ban hành Thông tư 29, với mong muốn tạo ra một môi trường lành mạnh cho giáo dục, loại bỏ các yếu tố tồn tại lộn xộn đã quá lâu về vấn đề dạy thêm học thêm.
Sở GD-ĐT TP.HCM Không cấm dạy thêm học thêm nhưng phải đúng quy định
Nhưng, nếu nhìn ở khía cạnh phụ huynh, thì sự phản ứng của các bậc cha mẹ học sinh cũng là điều rất đáng suy ngẫm, rất nhiều chiều. Có phải do chương trình cải cách giáo dục quá nặng nề, chưa phù hợp với tiến trình tiến bộ xã hội? Hay do giáo viên chưa đáp ứng các yêu cầu như mong muốn về phương cách đào tạo sư phạm, về đời sống còn quá eo hẹp, về cách nhìn nhận việc dạy thêm như một nhu cầu thiết yếu và nhân bản chăng?...
Và những câu chuyện buồn dạy thêm, học thêm từ thực tế
Tôi có một người bạn, có 3 đứa con thì 2 đứa đầu có nhu cầu đi học thêm các môn tự nhiên để luyện thi, còn con gái út không đi học thêm. Cũng chính vì câu chuyện bé gái này, mà bạn nhiều lúc đau đầu.
Số là vào năm cháu học lớp 9, cứ mỗi tháng lại được cô giáo bộ môn mời lên một lần. Lần nào, hai vợ chồng người bạn cũng chỉnh tề khăn áo lên trình giấy ở phòng giám thị rồi ngồi chờ. Gặp mặt, cô giáo phán một câu… lạnh người: "Học sinh này có nguy cơ bị đuổi học", rồi sau đó là một tràng dài, tỉ như ngồi nói chuyện trong lớp, không học bài, hay phản kháng với giáo viên… Cũng bấy nhiêu lần, bạn tôi từ tốn trình bày với cô giáo, là do bận rộn, do cháu chưa chăm chỉ hoặc vẫn còn ham chơi… rồi hứa sẽ phối hợp giáo dục. Sau đó cháu bé ấy nỗ lực cũng qua được lớp 9 với những ám ảnh nặng nề mà sau này cháu mới kể lại.
Bạn tôi kể: "Lúc đang học THPT, con gái bất ngờ đưa ra một lô các bức ảnh hơn 3 năm trước, chụp cảnh hàng chục đứa bạn phải đi học thêm ở nhà cô giáo ấy lúc tan lớp buổi tối. Và cháu kể hồi ấy, cô tìm mọi cách ép con đi học thêm, nhưng con không chịu nên mới chèn ép vậy đó". Bạn kể thêm: "Cháu còn nhắc lại một câu cô nói mà tôi nghe quá bất ngờ, rằng cô giáo khẳng định: 'Nếu em mà thi đậu đại học tôi đi đầu xuống đất'!".
May mắn là cháu bé vào THPT học một cách an nhiên. Bằng nỗ lực của chính mình, dù cũng không học thêm, cháu đậu vào đại học với điểm xét học bạ khá cao. Thế nhưng nỗi ám ảnh về câu chuyện "ép học thêm" những năm lớp 9 vẫn còn đó.
Tất nhiên, khi nghe câu chuyện của người bạn ấy, tôi vẫn tin và muốn tin rằng đó chỉ là hiện tượng cá biệt, chỉ có một thiểu số thầy cô hành xử như vậy. Song nhìn ánh mắt hớn hở của bạn lúc ấy so với ánh nhìn xa xăm buồn bã khi kể câu chuyện học hành của con mấy năm trước, tôi nghĩ ra rất nhiều điều. Làm sao chấn chỉnh được tình trạng ép học thêm trong trường học?

Học sinh tan học tại một trung tâm dạy thêm tại TP.HCM ngày 19.2, khi Thông tư 29 về dạy thêm học thêm có hiệu lực
ảnh: nhật thịnh
Giải pháp chấn chỉnh dạy thêm, học thêm tiêu cực
Lương giáo viên đã từng bước được cải thiện, nhất là với hệ thống công lập, nên giải pháp quan trọng nhất là, đối với các trường công lập, giáo viên dạy thêm phải đăng ký (có liệt kê lý do dạy thêm), giao quyền quản lý và xử lý cho ban giám hiệu về các trường hợp giáo viên dạy thêm có biểu hiện biến tướng, tất nhiên là có biện pháp chế tài với các thành viên lãnh đạo trường nếu để xảy ra tình trạng tiêu cực trong dạy thêm.
Với trường tư hoặc hệ thống các trường tư cũng áp dụng tương tự, song có một biện pháp không kém phần hiệu quả, là nếu để xảy ra tình trạng như vậy đến 3 lần sẽ rút giấy phép hoạt động (vào năm học gần nhất kế tiếp).
Và thứ ba, với giáo viên tự do, có bằng cấp sư phạm, chuyên dạy thêm hoặc dạy luyện thi, chỉ cần đăng ký với phòng giáo dục (hoặc sở) và thông báo thu nhập kèm với chứng từ thu tiền của phụ huynh. Đưa ra quy định mức thu nhập hàng tháng như thế nào mới phải đóng thuế (có thể bằng mức thu nhập hạng trung của một giáo viên trường công).
Tất nhiên, để tăng cường hiệu quả quản lý, các ban thanh tra thuộc ngành giáo dục (ban thanh tra công lập, ban thanh tra tư thục và bộ phận giám sát dạy thêm, gồm cả người trong ngành giáo dục và thuế, đối với giáo viên tự do) phải hết sức sát sao, chặt chẽ và làm việc công tâm, với bổn phận và trách nhiệm cao của những người cầm cân nảy mực.
Những giải pháp này nhằm giúp giáo viên với thiên chức của mình, không phải mang tiếng "nhuốm vị kim tiền" khiến trong cách nhìn, cách nghĩ của phụ huynh và xã hội có đôi khi thiên kiến, lệch lạc. Ý nghĩa ấy, có lẽ mang yếu tố tích cực và công bằng, lớn lao hơn với một nghề luôn được trân quý và yêu mến.