Theo quyết định này, đoàn kiểm tra có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện Thông tư số 29 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 7.2.2025; quy định về công tác kiểm tra của Bộ GD-ĐT ban hành kèm theo Quyết định số 1489/QĐ-BGDĐT ngày 24.5.2023 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Thời hạn kiểm tra trong vòng 1 tháng, từ ngày 20.2 đến ngày 20.3.

Bộ GD-ĐT thành lập đoàn kiểm tra về dạy thêm, học thêm
ẢNH: NHẬT THỊNH
Trước đó, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nêu một số giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả quy định về dạy thêm, học thêm.
Thứ nhất là giải pháp về hành chính. Thứ hai, giải pháp chuyên môn: nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy của giáo viên, trách nhiệm của nhà giáo; phát huy năng lực tự học của học sinh; đổi mới kiểm tra, đánh giá, trong đó, kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đánh giá cuối kỳ, thi tuyển sinh phải phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; không đánh đố, không ra đề ngoài nội dung chương trình để đảm bảo học sinh học theo đúng chương trình, không cần học thêm vẫn sẽ vượt qua các kỳ kiểm tra, tuyển sinh.
Tăng cường liên thông giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học cụ thể như trong các bài kiểm tra năng lực đầu vào đại học sử dụng kiến thức phổ thông, không đánh đố...
Thứ ba, giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất, trường học: cần có đủ trường học để đảm bảo công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh. Tăng số trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày.
Thứ tư, giải pháp về tăng cường thanh tra, kiểm tra.
Thứ năm, giải pháp về tuyên truyền, vận động, qua đó nâng cao ý thức tự tôn, tự trọng của giáo viên để nói “không” với dạy thêm không đúng với quy định.
Thông tư 29/2024: Người đi đăng ký kinh doanh dạy thêm tăng đột biến
Ông Thưởng chia sẻ thêm, việc quản lý dạy thêm, học thêm không chỉ là vấn đề chính sách mà là sự thay đổi nhận thức của xã hội. Ngoài ra, những chính sách để đảm bảo đời sống cho nhà giáo cũng là giải pháp cho vấn đề này.
Theo Điều 7 Nghị định 138/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về dạy thêm như sau: phạt tiền 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định; phạt 2 - 4 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng đối tượng; phạt 4 - 6 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng nội dung đã được cấp phép; phạt 6 -12 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép.
Tùy mức độ, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là: tước quyền sử dụng giấy phép dạy thêm 6 - 12 tháng nếu tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng đối tượng hoặc không đúng nội dung đã được cấp phép; đình chỉ hoạt động dạy thêm 12 - 24 tháng nếu tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép.
Người vi phạm quy định dạy thêm cũng bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như bổ sung đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất; trả lại cho người học các khoản tiền đã thu và chịu mọi chi phí trả lại.
Với các giáo viên đang là viên chức, những người được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại các trường công lập, còn bị xử lý theo Điều 15, 16 Nghị định 112/2020 của Chính phủ về các hình thức xử lý kỷ luật với viên chức. Theo đó, viên chức không giữ chức vụ quản lý sẽ chịu các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo và buộc thôi việc. Viên chức đang đảm nhận chức vụ quản lý, ngoài các hình thức trên còn có thể bị cách chức.