Vì sao học sinh, sinh viên ngày càng thức khuya?

THỨC KHUYA HOÀN THÀNH "DEADLINE"

Theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, hoạt động học tập của học sinh (HS) không chỉ dừng lại ở học lý thuyết hay làm bài tập mà còn cả thí nghiệm, trò chơi, dự án nghiên cứu… Sau giờ học ở trường, ban đêm là thời điểm để HS hoàn thành các deadline (hạn cuối) của những hoạt động học tập trên.

Nguyễn Ngọc Bảo Hoàng, HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM), cho hay em gần như thức khuya mỗi ngày trong thời gian hoàn thành dự án liên môn lịch sử. "Trong dự án này, em và các bạn tìm hiểu về các nhân vật lịch sử, chọn lọc thông tin, sau đó thiết kế thành ấn phẩm và trình bày ý tưởng. Em và các bạn có một tháng để chuẩn bị. Vì tụi em học cả ngày nên những buổi họp thường diễn ra lúc khuya", Hoàng nói.

Vũ Đức Anh, HS Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho biết em thức đến 0 giờ để tự học các kỹ năng, bổ trợ cho môn học trên lớp. "Một số hoạt động như thuyết trình, sân khấu hóa, thiết kế tranh ảnh… yêu cầu kỹ năng thiết kế hay nhiếp ảnh. Để thành thạo, em dành nhiều thời gian tự học trên mạng và tự luyện tập. Tuy có mệt và thiếu ngủ nhưng em thấy xứng đáng vì bản thân phát triển thêm kỹ năng mới", Anh bày tỏ.

Vì sao học sinh, sinh viên ngày càng thức khuya?- Ảnh 1.

Vì thường thức khuya nên trong giờ ra chơi, có học sinh tranh thủ ngủ bù để lấy sức

ẢNH: TUẤN HỒ

Sau hai buổi học ở trường, Ngô Gia Huy, HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức, TP.HCM), tham gia thêm các hoạt động của câu lạc bộ và hoạt động ngoại khóa. "Em có nhiều việc phải làm trong buổi tối nên đến tận khuya mới có thời gian học bài. Thành ra em phải ngủ muộn thì mới kịp hoàn thành bài vở", Huy cho biết.

DỄ BỊ CUỐN VÀO MẠNG XÃ HỘI

Vũ Thị Mai Ngân, sinh viên (SV) khoa Chăn nuôi thú y, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nhận xét ban đêm là thời điểm làm việc hiệu quả nhất. "Mình có thói quen dành một khoảng thời gian đủ dài thực hiện công việc. Khi đó mình mới có đủ sự tập trung để hoàn thành. Vậy nên ban đêm là thời điểm lý tưởng để chạy deadline vì mình không bị những thứ khác chi phối như việc làm thêm, sinh hoạt...", Ngân nói.

Tuy vậy, thỉnh thoảng Ngân vẫn bị xao nhãng khi làm việc ban đêm. "Mình cảm thấy đêm còn dài nên làm chuyện khác như lướt mạng xã hội, xem video ngắn... Thành ra có những hôm mình không kịp hoàn thành nhiệm vụ. Mặc dù vậy, một khi xác định thức khuya thì mình sẽ ráng làm cho xong, trừ một số việc quá nhiều thì sẽ tranh thủ vào ban ngày của những ngày sau", Ngân cho hay.

Tương tự, Lê Hữu Bảo Thy, HS lớp 11A13 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), cũng xao nhãng vì bị cuốn vào nội dung trên mạng xã hội. "Trong 8 tiếng học ở trường, em không được sử dụng điện thoại. Đến khi ngồi vào bàn học ở nhà buổi tối, em tranh thủ dùng điện thoại để cập nhật tin tức hay giải trí. Nhưng vì mải lướt nội dung mà em quên đi bài vở", Thy thừa nhận.

Đặng Cẩm Tú, SV khoa Tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), tâm sự: "Những video ngắn trên TikTok hay Instagram thường rất thu hút. Mình có nỗi sợ bỏ lỡ thông tin (được gọi là FOMO - fear of missing out) trên mạng xã hội nên thường lướt quá giờ ngủ". Ngoài sử dụng mạng xã hội, Tú thức đến 2 - 3 giờ sáng để học bài với lý do "không an tâm đi ngủ nếu chưa xong việc". Với Tú, việc thức khuya rất khó bỏ. "Nhịp sinh học của mình bị lệch hẳn so với thông thường, rất khó điều chỉnh. Ngoài ra, mình cũng bị mất ngủ trong thời gian dài nên không thể thay đổi thói quen ngay được", Tú nói.

Vì sao học sinh, sinh viên ngày càng thức khuya?- Ảnh 2.

Nhiều học sinh thiếu ngủ

ảnh minh họa: ngọc dương


THỨC KHUYA ẢNH HƯỞNG TÂM LÝ

Thạc sĩ - bác sĩ Bùi Diễm Khuê, Phó chủ tịch Chi hội Bệnh lý mất ngủ VN, giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nhận định thức khuya ảnh hưởng nhịp sinh học của cơ thể. "Các hormone trong cơ thể đều có thời điểm để đạt hiệu quả tối ưu. Đơn cử, hormone tăng trưởng, cortisol và các hormone điều hòa ăn uống tiết ra đúng giờ thì mới giúp cơ thể phát triển tốt và có tinh thần ổn định. Bên cạnh đó, các cơ quan nội tạng như gan, thận, tim, phổi... cần thời gian nghỉ ngơi. Nếu mình thức khuya, các hormone hay các cơ quan nội tạng không ở đúng chu trình thông thường, làm cho cơ thể mình hồi phục kém đi", bác sĩ Khuê thông tin.

Giả sử bạn thường ngủ lúc 1 giờ thì trong tuần kế tiếp, hãy đặt mục tiêu ngủ lúc 0 giờ 30. Cứ mỗi hai ba ngày, các bạn ngủ sớm hơn 15 phút, để sau một tuần thì đạt được mục tiêu.

Thạc sĩ - bác sĩ Bùi Diễm Khuê

Bên cạnh ảnh hưởng đến nhịp sinh học, thức khuya có thể là tác nhân ảnh hưởng đến tâm lý của HS, SV. Bác sĩ Khuê cho biết: "Thức khuya có thể là nguyên nhân và cũng có thể là hệ quả của vấn đề tâm lý. Khi thức khuya, cấu trúc giấc ngủ sẽ rối loạn và không ổn định, trong khi giấc ngủ rất quan trọng để giúp não bộ xử lý cảm xúc. Do vậy, thức khuya làm cho chức năng hồi phục về tâm lý bất ổn".

Còn trong trường hợp thức khuya là hệ quả, bác sĩ Khuê nêu khi có vấn đề tâm lý, con người tìm đến những hoạt động khác để làm như lướt mạng xã hội, cố gắng hoàn thành bài tập... Điều này vô tình làm trễ nhịp sinh học do vấn đề tâm lý đó gây ra. Bên cạnh đó, những bạn có rối loạn về tâm thần thì có thời gian biểu bị ảnh hưởng theo. "Tùy vào vấn đề gốc là thức khuya hay vấn đề tâm lý thì sẽ có cách điều chỉnh cho phù hợp", bác sĩ Khuê chia sẻ.

ĐỂ THAY ĐỔI THÓI QUEN THỨC KHUYA

Theo bác sĩ Khuê, về mặt sinh học, lứa tuổi HS, SV có xu hướng ngủ trễ hơn so với những lứa tuổi khác, đơn cử như trung niên. "HS, SV thường ngủ trễ khoảng 30 phút - 1 tiếng so với các nhóm khác vì các bạn có nhịp sinh học trễ hơn. Dù đây là sự phát triển tự nhiên nhưng nếu bạn chiều theo nhu cầu thức khuya và ngày càng ngủ trễ thì nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Não bộ cần thời gian nghỉ ngơi, nên ngay cả khi bạn thấy làm việc ban đêm hiệu quả, bạn sẽ dần mất sự tỉnh táo và độ tập trung mà không hay biết. HS, SV cần đặt ra giới hạn khi làm việc vào ban đêm", bác sĩ Khuê nói.

Vì sao học sinh, sinh viên ngày càng thức khuya?- Ảnh 3.

Bác sĩ Bùi Diễm Khuê

ảnh: Thúy Hằng

Cũng theo bác sĩ Khuê, không dễ để bỏ thói quen thức khuya, tuy nhiên các bạn có thể điều chỉnh giờ ngủ sớm hơn 30 phút mỗi tuần. "Giả sử bạn thường ngủ lúc 1 giờ thì trong tuần kế tiếp, hãy đặt mục tiêu ngủ lúc 0 giờ 30. Cứ mỗi hai ba ngày, các bạn ngủ sớm hơn 15 phút, để sau một tuần thì đạt được mục tiêu", bác sĩ Khuê chia sẻ.

Để điều chỉnh nhịp sinh học nhanh hơn, bác sĩ Khuê lưu ý về yếu tố ánh sáng: "Phòng càng sáng thì càng tỉnh táo. Bạn hãy giảm ánh sáng đến mức tối thiểu, tắt các thiết bị ít nhất 30 phút trước khi ngủ để không bị kích thích cả về ánh sáng và trí não".

Bên cạnh đó, bác sĩ Khuê lưu ý nên tránh sử dụng những thức uống như trà, cà phê, nước tăng lực... vì có chứa caffeine, tác dụng gây tỉnh táo sẽ kéo dài 6 - 8 tiếng sau khi uống. Theo bác sĩ Khuê, việc cố định giờ thức dậy vào buổi sáng mỗi ngày, kể cả cuối tuần và hạn chế ngủ buổi chiều sẽ giúp HS, SV đi ngủ dễ dàng hơn vào buổi tối.

Có hiện tượng học sinh thường ngủ gật trong lớp

Một giáo viên chủ nhiệm ở Q.3 (TP.HCM) ghi nhận hiện nay có tình trạng HS mệt mỏi, thiếu năng lượng và ngủ gật trong lớp. "Đây là dấu hiệu cho thấy HS có thể đang gặp khó khăn trong việc quản lý thời gian, thói quen sinh hoạt, hoặc áp lực học tập. Nhà trường luôn cố gắng sắp xếp các hoạt động ngoại khóa vào những dịp thoải mái để đảm bảo HS không phải thức khuya chuẩn bị", giáo viên này nhận xét.

Nam giáo viên cũng chia sẻ thêm: "Thầy cũng thường sinh hoạt với HS về tầm quan trọng của giấc ngủ để duy trì sức khỏe và hiệu quả học tập. Với những em thường xuyên ngủ gật trong lớp, thầy sẽ trao đổi với phụ huynh để tìm hiểu về lịch sinh hoạt của HS và có sự hỗ trợ kịp thời".

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao