Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ký ngày 30.12. 2024, về việc ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Những người "hóng" tin nhất như chúng tôi cũng phải sau 10 ngày mới được đọc. Đọc đến nửa chừng thì bất ngờ và lo lắng. Không chỉ tôi, nhiều người hỏi và bày tỏ nỗi lo lắng nên tôi xin chia sẻ đôi điều trước khi cùng mọi người "vượt ngàn chông gai".
Xét tuyển: Lịch sử "làm đẹp" học bạ, chạy đua giải thưởng lặp lại
Từ năm 2018 đến nay tồn tại hai phương thức tuyển sinh vào lớp 6: xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển và kiểm tra đánh giá năng lực (nếu số học sinh đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh). Quy chế này phù hợp với thực tế, khắc phục khó khăn của các trường đặc thù như trường tư thục, trường chất lượng cao không phân tuyến tuyển sinh và có quá nhiều học sinh đăng ký: 1 "chọi" 5, 1 "chọi" 10, thậm chí có nơi 1 "chọi" 20…
Trong dự thảo của Bộ gần nhất vẫn giữ hai phương thức tuyển sinh vào lớp 6 như những năm vừa qua. Khi quy chế chính thức được công bố, mọi người bất ngờ khi đọc văn bản chính thức điều 4, khoản 2: "Tuyển sinh THCS được thực hiện theo phương thức xét tuyển". Như vậy, không còn được kiểm tra đánh giá năng lực trực tiếp để lựa chọn học sinh vào lớp 6, cho dù số học sinh đăng ký gấp nhiều lần chỉ tiêu tuyển sinh.
Quy chế quy định tiêu chí xét tuyển do sở GD-ĐT hướng dẫn cụ thể. Thế nhưng căn cứ vào đâu để định ra tiêu chí xét tuyển, nếu không dựa vào học bạ và một số "thành tích" của các kỳ thi văn hóa, văn nghệ, thể thao…?
Gần đây, Bộ GD-ĐT đã hạn chế tuyển sinh đại học bằng phương thức xét học bạ THPT. Vì sao? Câu trả lời thuyết phục nhất không ai khác ngoài Bộ GD-ĐT. Học bạ tiểu học còn "mờ" hơn học bạ THPT, hơn 90% là xuất sắc.
Tôi hỏi một người tổ chức các kỳ thi toán quốc tế cho học sinh tiểu học thì được biết cách xếp giải thưởng: Huy chương vàng top 5%, huy chương bạc top 15%, huy chương đồng top 30%. Mỗi lần có đến hàng vạn thí sinh dự thi và hàng nghìn em có huy chương.
Năm học này phụ huynh sẽ thay vì "học thi" bằng việc "chạy đua" làm học bạ đẹp và huy chương các loại để có một suất vào trường "chất lượng cao", trường "hot"… Kỳ tuyển sinh vào lớp 6 trong tình huống đó liệu có đạt điều mong muốn: công bằng, khách quan, minh bạch?
Thực ra, trước đây (năm 2015 - 2017) Bộ đã từng "cấm thi" tuyển sinh vào lớp 6. Nhưng tình hình ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… diễn ra phức tạp. Do đó từ năm 2018, Bộ đã sửa đổi quy chế để có thêm phương thức "kiểm tra đánh giá năng lực" kết hợp xét tuyển.
Bình luận về quy chế mới ban hành, bạn đọc Báo Thanh Niên viết: "Bộ nên để sở tự quyết vì đặc thù của mỗi địa phương khác nhau. Hà Nội không giống Cao Bằng, TP.HCM không giống Cà Mau". Tôi đồng ý.
Môn thi thứ ba vào lớp 10: Cứ chọn ngoại ngữ 3 năm cái đã?
Tuyển sinh vào lớp 10, có nhiều ý kiến đóng góp, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh nhiều lần. Đáng chú ý nhất là kiến nghị của TP.HCM, thi ổn định 3 môn: toán, ngữ văn và ngoại ngữ.
Quy chế chính thức quy định thi 3 môn: toán, ngữ văn và môn thi, bài thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình Giáo dục phổ thông cấp THCS, bảo đảm không chọn cùng một môn thi, bài thi thứ ba quá 3 năm liên tiếp; môn thi, bài thi thứ ba được công bố sau khi kết thúc học kì 1 nhưng không muộn hơn ngày 31.3 hằng năm.
Như vậy, về môn thi thứ ba, quy chế chính thức so với dự thảo đã có tính ổn định hơn một chút (3 năm liên tiếp) và được phép công bố sớm hơn 2 tháng (tháng 1 thay vì tháng 3).
Sau khi quy chế chính thức ban hành, TP.HCM đã công bố môn thi thứ ba của năm 2025 là ngoại ngữ. Rất có thể hai năm tiếp theo (2026, 2027) cũng là ngoại ngữ. Ổn định môn thi thứ ba được 3 năm cái đã. Biết đâu sau đó Bộ sẽ sửa đổi quy chế để được ổn định lâu dài. Theo tôi, các địa phương khác nên làm theo TP.HCM.
Hôm nay, một tờ báo có uy tín thăm dò bạn đọc: Ý kiến của bạn về chọn môn thi thứ ba của Bộ GD-ĐT? Kết quả: đồng tình 25%, phản đối 7%, nên cố định thi tiếng Anh 68%.