Chương trình tư vấn trực tuyến "Chọn ngành học tương lai" với chủ đề "Công nghệ thông tin và các ngành công nghệ" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 7.1, được trực tuyến tại thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube Báo Thanh Niên, đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích về nhu cầu nhân lực, xu hướng phát triển, chương trình đào tạo, học phí, học bổng... của những ngành học công nghệ tại các trường ĐH.
Muốn làm việc ở metro, học ngành kỹ thuật giao thông thông minh được không?
THIẾU HỤT HÀNG TRĂM NGÀN NHÂN LỰC
PGS-TS Phạm Thành Dương, Trưởng khoa Kỹ thuật Trường ĐH Việt Đức, cho hay VN đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy, điện toán đám mây, internet vạn vật... Đặc biệt, VN nằm ở trung tâm của Đông Nam Á, gần tuyến đường hàng hải cửa ngõ đến những nền kinh tế hàng đầu như Trung Quốc, Úc... Chính phủ luôn tích cực xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. VN cũng có lực lượng lao động dồi dào, học sinh giỏi các môn khoa học tự nhiên...
"Đây chính là những điểm mạnh thu hút nhiều tập đoàn công nghệ lớn, trong đó có tập đoàn công nghệ số 1 thế giới NVIDIA, đến VN phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất, tạo ra cơ hội lớn về lao động, việc làm", PGS-TS Thành Dương nhận định.
Tiến sĩ Trương Hải Bằng, Trưởng ngành Khoa học máy tính Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, thông tin: "Nhu cầu nhân lực các ngành công nghệ tại VN đang tăng trưởng rất cao. Theo dự báo của trang tuyển dụng TopDev, năm 2025 VN cần 700.000 nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) trong khi hiện tại chỉ có 530.000, như vậy chúng ta đang thiếu hụt từ 170.000 - 200.000 nhân lực. Số lượng chuyên gia AI tại VN hiện còn hạn chế. Người làm việc trong lĩnh vực an toàn thông tin hiện nay cũng chỉ đáp ứng 10% nhu cầu nhân lực".
TRƯỜNG ĐH ĐÀO TẠO NHIỀU NGÀNH CÔNG NGHỆ XU HƯỚNG
Về tầm quan trọng của CNTT và những ngành học công nghệ, đặc biệt là AI, bán dẫn, dữ liệu lớn…, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó giám đốc thường trực ĐH Duy Tân, cho rằng trong bối cảnh thế giới bùng nổ công nghệ như hiện nay, nhất là sau đại dịch Covid-19, CNTT nói chung đóng vai trò cốt yếu trong thúc đẩy mọi hoạt động của đời sống; vai trò của AI càng trở nên quan trọng và nổi bật hơn.
"Từ năm 2020 đến nay, Chính phủ đã có các quyết định, đề án, công điện nhằm thúc đẩy nhân lực công nghệ cao lĩnh vực bán dẫn và AI. Trong đó, đến năm 2030 hướng đến đào tạo ít nhất 50.000 kỹ sư phục vụ trong ngành công nghiệp bán dẫn… Điều này tác động đến định hướng ngành đào tạo các trường ĐH và tạo cơ hội để người học tiếp cận, phát triển trong lĩnh vực này", tiến sĩ Hải cho hay.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Anh, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Văn Hiến, nhận định: Với vai trò đào tạo đội ngũ nhân lực phục vụ xu thế công nghệ của đất nước, các trường ĐH đang phải thay đổi, hướng đến đào tạo đội ngũ chất lượng cao, tập trung vào AI, big data, internet vạn vật. Chương trình đào tạo được cập nhật thường xuyên kiến thức kỹ năng về công nghệ mới, được kiểm định và việc hợp tác doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp công nghệ cần được đẩy mạnh.
Hiện nay, nhiều ngành công nghệ xu hướng đã được mở ra tại các trường ĐH. Tiến sĩ Nguyễn Hà Giang, Trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết một số ngành các trường ĐH tập trung phát triển trong 2 năm qua liên quan đến lĩnh vực máy tính và CNTT như khoa học dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, AI, ngoài ra là một số ngành công nghệ mang tính liên ngành. Thậm chí, ngay trong các ngành học cũ thì chương trình đào tạo cũng có những điều chỉnh để phù hợp hơn với xu thế.
Tiến sĩ Cao Văn Kiên, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ AI là ngành mới của trường năm 2025. Còn tại Trường ĐH Việt Đức, AI được lồng ghép vào tất cả các ngành học về công nghệ. Trường cũng đang tiếp tục xây dựng các chương trình về bán dẫn, xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo chuyên sâu.
Tiến sĩ Trương Hải Bằng cho hay Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn có chuyên ngành AI, các hệ thống dữ liệu lớn, thiết kế vi mạch, CNTT trong y tế. Sinh viên học những chuyên ngành này được sử dụng nền tảng về AI, các phần mềm tiên tiến của phòng thí nghiệm AI...
Trong khi đó, thạc sĩ Dương Thành Phết, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho hay trường đang đào tạo các ngành CNTT, an toàn thông tin, khoa học dữ liệu, khoa học máy tính, AI, robot và AI, năm 2025 sẽ mở ngành công nghệ bán dẫn…
CÁC TỐ CHẤT CẦN CÓ ĐỂ HỌC TỐT NGÀNH CÔNG NGHỆ
Tại chương trình tư vấn, nhiều thí sinh đặt vấn đề có nên đổ xô đăng ký học ngành AI, bán dẫn... hay chỉ thực sự đam mê và có tố chất nào đó thì mới nên theo đuổi?
Các chuyên gia đưa ra nhiều thông tin cần thiết cho thí sinh khi chọn ngành học liên quan đến công nghệ trong chương trình tư vấn hôm qua tại Báo Thanh Niên
ảnh: đào ngọc thạch
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, để học tốt các ngành công nghệ, học sinh phải giỏi các môn khoa học tự nhiên, có tư duy logic. Ngoài 2 môn chính là toán, lý hoặc toán, hóa, một số trường xét tuyển thêm môn thứ 3 là tiếng Anh hoặc văn để đào tạo toàn diện, gắn với kỹ năng nghề nghiệp sau này.
Tiến sĩ Lê Viết Tuấn, Trưởng bộ môn trí tuệ nhân tạo, khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết: "CNTT có nhiều vị trí việc làm cho cả người hướng nội và người hướng ngoại. Dù thuộc loại nào cũng cần có khả năng làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình trước người khác… Tố chất đầu tiên là đam mê công nghệ - năng lượng vô hạn vượt qua thách thức trong nghề. Bên cạnh đó, tinh thần học hỏi, khát khao tìm hiểu, tò mò cái mới sẽ giúp chúng ta không ngừng học hỏi kiến thức trong học tập và làm việc. Ngoài ra, việc có khả năng tư duy logic, phán đoán tốt sẽ giúp thành công hơn trong sự nghiệp".
Bên cạnh đó, tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho rằng khi học nhóm ngành công nghệ và CNTT thì sinh viên vẫn phải tiếp cận với các lĩnh vực kiến thức khác. "Trong thời đại công nghệ đang phát triển, việc học công nghệ và làm việc trong lĩnh vực này đã có nhiều thay đổi. Do đó, những ngành học này không còn sự phân biệt về giới tính", tiến sĩ Khả nhận định.
Tiến sĩ Cao Văn Kiên lưu ý thêm, sinh viên cần trang bị kiến thức chuyên môn vững chắc; kỹ năng thực hành và kinh nghiệm thực tế để đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp; kỹ năng mềm và khả năng ngoại ngữ; tư duy đổi mới và tinh thần học hỏi liên tục để đáp ứng sự thay đổi không ngừng của công nghệ mới.
Bạn đọc có thể xem lại PHẦN 1, PHẦN 2, PHẦN 3 của chương trình để có được thông tin chi tiết.
Người lao động phải có kỹ năng cao hơn máy móc
AI chưa thể thay thế những công việc đòi hỏi tính sáng tạo. Nhưng với sự phát triển của AI, người lao động cần phải có kỹ năng cao hơn, tập trung nhiều vào công việc mang tính sáng tạo, phát triển chiến lược, kiểm tra giám sát, năng lực làm việc liên ngành.
Để đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn công nghệ
VN đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn công nghệ nổi tiếng thế giới, tuy nhiên để đáp ứng được yêu cầu, ngoài chuyên môn vững chắc, người lao động VN cần có các kỹ năng như tư duy phát triển, giao tiếp, quản lý thời gian...
Chú trọng kỹ năng mềm và ngoại ngữ
Các trường ĐH cũng cần hướng đến đào tạo công dân toàn cầu, trong đó chú trọng kỹ năng mềm và ngoại ngữ, vì sau này khi làm việc, sinh viên phải tương tác với chuyên gia nước ngoài hoặc làm cho các doanh nghiệp đa quốc gia...