Vào lúc 10 giờ 30 ngày 7.1, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Chọn ngành học tương lai: Công nghệ thông tin và các ngành công nghệ". Chương trình diễn ra đồng thời ở các kênh: thanhnien.vn, Fanpage facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
Chọn ngành học phù hợp là mong muốn của tất cả học sinh sau khi hoàn tất chương trình giáo dục phổ thông. Do đó, để giúp học sinh có thêm thông tin trong lựa chọn ngành học tương lai, từ hôm nay chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến của Báo Thanh Niên sẽ đi sâu tìm hiểu từng lĩnh vực ngành nghề cụ thể. Trong chuỗi 7 lĩnh vực đào tạo chủ đạo bậc ĐH, công nghệ thông tin và các ngành công nghệ hiện có nhiều ngành đào tạo ở các trường hiện nay.
Tại Việt Nam công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghệ số cốt lõi như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn... đang được Chính phủ đẩy mạnh phát triển. Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới có kế hoạch phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam, trong đó có tập đoàn công nghệ số 1 thế giới NVIDIA. Trong bối cảnh đó, cơ hội với người theo học lĩnh vực công nghệ thông tin và các ngành công nghệ sẽ ra sao?
Trong chương trình tư vấn, các chuyên gia sẽ đưa ra những thông tin dự báo về nhu cầu nhân lực, xu hướng phát triển của lĩnh vực ngành nghề này, đặc biệt những ngành "hot" hiện nay. Cùng với thông tin về thực tế quá trình đào tạo, chương trình cung cấp thông tin định hướng giúp trả lời câu hỏi người học nào phù hợp với lĩnh vực ngành nghề này.
Không những thế, trong bối cảnh thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2025, những lưu ý với thí sinh xét tuyển vào các ngành học này cũng được chia sẻ trong chương trình.
Đợt 1 của chương trình từ 10 giờ 15-11 giờ 15 gồm các chuyên gia:
- PGS-TS Phạm Thành Dương, Trưởng khoa Kỹ thuật Trường ĐH Việt Đức;
- Tiến sĩ Trương Hải Bằng, Trưởng ngành Khoa học máy tính Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn;
- Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Anh, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Văn Hiến.
Nhu cầu nhân lực khối ngành công nghệ
PGS-TS Phạm Thành Dương, Trưởng khoa Kỹ thuật Trường ĐH Việt Đức, cho hay VN đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các xu hướng công nghệ mới như AI, học máy, điện toán đám mây, internet vạn vật... VN nằm ở trung tâm của Đông Nam Á, gần tuyến đường hàng hải cửa ngõ đến những nền kinh tế hàng đầu như Trung Quốc, Úc... Chính phủ luôn tích cực xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. VN cũng có lực lượng lao động dồi dào, học sinh thì giỏi các môn khoa học tự nhiên...
Bối cảnh quốc tế cũng là nhân tố quan trọng, sự cạnh tranh quan trong giữa các nước công nghệ hàng đầu... và nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Intel và gần đây nhất là NVIDIA đến VN cũng là cơ hội cho VN phát triển các ngành công nghệ.
Tiến sĩ Trương Hải Bằng, Trưởng ngành Khoa học máy tính Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, thông tin: "Nhu cầu nhân lực các ngành công nghệ tại VN đang tăng trưởng rất cao. Theo dự báo của trang tuyển dụng Topdev, năm 2025 VN cần 700.000 nhân lực công nghệ thông tin trong khi hiện tại chỉ có 530.000, thiếu hụt hơn 100.000 mỗi năm".
Về chất lượng đào tạo, mỗi năm có khoảng 57.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp nhưng chỉ 30% đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, còn lại phải đào tạo thêm từ 3-6 tháng.
Số lượng chuyên gia AI tại VN hiện nay đang còn hạn chế. Lĩnh vực an toàn thông tin dự báo nhu cầu lên đến 700.000 người nhưng hiện nay chỉ đáp ứng 10%, nhân lực phát triển phần mềm đang được doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng. Về lương, một lập trình viên đạt mức lương 1.100-3.000 USD/tháng, ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu cao hơn rất nhiều.
VN đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn công nghệ, tuy nhiên để đáp ứng được yêu cầu, người lao động VN cần có các kỹ năng như tư duy phát triển, giao tiếp, quản lý thời gian... Hiện VN đang thiếu nhân lực cả về số lượng và chất lượng...
Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Anh, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Văn Hiến, cho biết: "Với vai trò đào tạo đội ngũ nhân lực phục vụ xu thế công nghệ của đất nước, trường ĐH phải thay đổi, hướng đến đào tạo đội ngũ chất lượng cao, tập trung vào AI, big data, internet vạn vật... Trường phải đổi mới chương trình đào tạo, cập nhật thường xuyên kiến thức kỹ năng về công nghệ mới, có chuẩn đầu ra, được kiểm định... Phải tăng cường hợp tác doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp công nghệ.
Trường cũng cần hướng đến đào tạo công dân toàn cầu, phải đào tạo kỹ năng mềm và ngoại ngữ vì phải tương tác với chuyên gia nước ngoài, doanh nghiệp đa quốc gia...
Các trường cũng phải đầu tư vào chương trình đổi mới sáng tạo giải quyết các bài toán thực tế, dự án khởi nghiệp... Đồng thời hợp tác quốc tế, đầu tư cơ sở vật chất và công nghệ mới như nền tảng liên quan trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn...
Trong chương trình, một thí sinh đặt câu hỏi: ''AI đang là ngành học xu hướng vậy nếu em học ngành công nghệ thông tin hay khoa học máy tính thì có nhiều cơ hội việc làm và cơ hội phát triển hay không?''.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Anh cho rằng tất cả doanh nghiệp đều cần có đội ngũ, phòng ban làm việc về công nghệ thông tin, máy tính... Vì thế nhu cầu nhân lực của ngành công nghệ thông tin và khoa học máy tính rất cao. Tuy nhiên thách thức là công nghệ thay đổi thường xuyên nên bản thân sinh viên phải thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng, chẳng hạn kỹ năng học tập suốt đời.
Xu hướng đào tạo liên quan AI ở các trường
PGS-TS Phạm Thành Dương thông tin Trường ĐH Việt Đức lồng ghép ghép AI vào tất cả các ngành học. Ví dụ ngành khoa học máy tính sử dụng chương trình học của Đức, tích hợp thêm chuyên ngành thiết kế chip. Ngoài ra, chuyên ngành hệ thống vi mạch điện tử tích hợp vào ngành kỹ thuật điện-điện tử và máy tính...
Trường đang tiếp tục xây dựng các chương trình về bán dẫn, xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo chuyên sâu. Trường đưa ra những hỗ trợ để thu hút sinh viên giỏi về STEM để tham gia vào các hoạt động học tập nghiên cứu về AI và chip bán dẫn.
Theo PGS-TS Phạm Thành Dương, Trường ĐH Việt Đức còn có ngành kỹ thuật giao thông thông minh, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật quy trình sản xuất bền vững, kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật kiến trúc và sắp tới sẽ mở ngành cơ điện tử. CHLB Đức sẽ hỗ trợ xây dựng chương trình, hệ thống phòng thí nghiệm... Với ngành kỹ thuật giao thông thông minh, các em được học về xây dựng, các dịch vụ giao thông thông minh, cơ khí, ô tô, công nghệ thông tin... Tốt nghiệp, các em có thể làm trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô, các công ty vận chuyển, các cơ quan nhà nước về xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc hoặc hệ thống metro...
Tiến sĩ Trương Hải Bằng cho hay Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn có chuyên ngành AI, các hệ thống dữ liệu lớn, thiết kế vi mạch, công nghệ thông tin trong y tế. Sinh viên học những chuyên ngành này được sử dụng nền tảng về AI, các phần mềm tiên tiến của phòng thí nghiệm AI. Trường đang xây dựng nâng cấp thành phòng thiết kế vi mạch. Sinh viên từ năm 2 có thể tham gia làm việc tại phòng thí nghiệm này với sự hướng dẫn của giảng viên, chuyên gia từ doanh nghiệp thông qua các dự án liên quan đến AI, thương mại điện tử... Trường tuyển sinh tổ hợp A0, A1, D7, C4. Các phương thức xét tuyển được áp dụng năm 2024 dự kiến sẽ tiếp tục trong năm nay: xét tuyển thẳng, xét điểm học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH quốc gia TP.HCM và xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh đặt câu hỏi thiết kế vi mạch với trí tuệ nhân tạo có mối liên quan gì đến nhau trong công việc hay không? Nên chọn ngành nào để sau này có mức thu nhập cao hơn? Tiến sĩ Trương Hải Bằng cho rằng AI được ứng dụng trong tất cả mọi lĩnh vực. Riêng trong thiết kế vi mạch thì AI được sử dụng để tự động hóa và tối ưu trong quá trình thiết kế, giúp tăng tốc độ, giảm chi phí cải thiện hiệu suất. Về thu nhập, đã có sinh viên tốt nghiệp ngành AI với mức lương trên 2.000 USD/tháng nếu đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Còn thiết kế vi mạch thì cơ hội việc làm và thu nhập cũng rất lớn.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Anh cho hay công nghệ thông tin là một trong những lĩnh việc mũi nhọn được Trường ĐH Văn Hiến đầu tư. Các chuyên ngành/ngành của trường liên quan AI có khoa học dữ liệu, khoa học máy tính, công nghệ phần mềm, an toàn và bảo mật thông tin, mạng máy tính và truyền thông... Trường tập trung đầu tư cơ sở vật chất, các mô hình huấn luyện dữ liệu, các công nghệ mới liên quan AI.
Một bạn đọc đặt câu hỏi: ''Nếu ai cũng đổ xô học những ngành công nghệ hot thì điểm chuẩn có cao không? Chương trình học ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Văn Hiến có khác so với các trường khác? Em có thể sử dụng điểm môn công nghệ để xét học bạ vào ngành này không?''
Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Anh giải đáp: ''Nếu em yêu thích công nghệ thì cần xem mình có thể đi theo hướng nào, lập trình hay an toàn thông tin hay khoa học dữ liệu, phân tích dữ liệu tài chính... Các em có rất nhiều lựa chọn để xét tuyển, tùy vào năng lực của bản thân. Điểm chuẩn có nhiều mức khác nhau và các em có thể cùng lúc đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường để có có hội trúng tuyển. Trường ĐH Văn Hiến đào tạo theo hướng ứng dụng nên chú trọng tương tác doanh nghiệp. Ngay từ năm 1 các em đã được trải nghiệm nghề nghiệp ở các doanh nghiệp. Từ năm 2 cũng có các chuyên đề ngay tại doanh nghiệp. Năm 3, năm 4 sinh viên sẽ được làm các dự án riêng.Trường xét tuyển 4 tổ hợp A0, A1, D1 và K1 vào các ngành công nghệ''.
Ngành AI sẽ học những gì, cơ hội làm việc ra sao?
Bạn đọc hỏi: ''Em nghe nghe nhiều đến sự đe dọa của AI đối với một số ngành nghề. Nghĩa là AI có thể thay thế được con người ở một số công việc. Vậy nếu học ngành AI thì em sẽ học những gì và làm việc ra sao, có phải chính những kỹ sư AI khiến cho nhiều người khác có nguy cơ không có việc làm?''.
PGS-TS Phạm Thành Dương giải đáp: ''Em sẽ học về sự phát triển của AI, học máy, học sâu, ngôn ngữ tự nhiên, dữ liệu, xử lý dữ liệu, lập trình. Các em phải có nền tảng về toán học, xác suất thống kê... AI sẽ thay thế nhiều công việc, chẳng hạn công việc đòi hỏi lặp đi lặp lại mang tính quy trình. Tuy nhiên những công việc đòi hỏi tính sáng tạo thì chưa. Sự phát triển của AI cũng tạo ra rất nhiều công việc mới như phát triển và quản lý hệ thống AI, bảo trì và cải tiến công nghệ, dữ liệu lớn, khoa học dữ liệu, các công việc sáng tạo mà con người hợp tác với AI để giải quyết... Với sự phát triển của AI trong mọi lĩnh vực, đòi hỏi con người phải có kỹ năng cao hơn, tập trung nhiều vào công việc mang tính sáng tạo, phát triển chiến lược, kiểm tra giám sát, năng lực làm việc liên ngành...''.
Học ngành thiết kế vi mạch có được hỗ trợ học bổng?
Thí sinh thắc mắc: ''Bán dẫn nằm trong chiến lược phát triển của đất nước vậy nếu em đăng ký học ngành này thì có được hỗ trợ học phí, cấp học bổng hay không?''.
Tiến sĩ Trương Hải Bằng cho hay: ''Ngành thiết kế vi mạch đang được tuyển sinh tại Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, trường cũng đang đầu tư phát triển chương trình đào tạo và phòng thí nghiệm ngành học này. Sinh viên được hưởng nhiều chính sách học bổng. SIU có 20 suất học bổng của Chủ tịch SIU trên 300 triệu đồng/suất.
Trường dành 100 suất học bổng tiếp bước hành trình 100% học phí toàn khóa cho sinh viên khó khăn. Trường cũng tài trợ 20% học phí toàn khóa cho một số ngành trong đó có ngành thiết kế vi mạch. Trường cũng có học bổng tài năng cho ngành khoa học máy tính và công nghệ thông tin trong đó có chuyên ngành thiết kế vi mạch.
Năm học vừa qua trên 50% sinh viên các ngành khoa học máy tính và công nghệ thông tin được hưởng những học bổng này.
Đợt 2 (từ 14 giờ-15 giờ) gồm các chuyên gia:
- Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó giám đốc thường trực ĐH Duy Tân;
- Tiến sĩ Nguyễn Hà Giang, Trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM ;
- Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Đợt 3 (từ 15 giờ 15-16 giờ 15) gồm các chuyên gia:
- Tiến sĩ Lê Viết Tuấn, Trưởng bộ môn trí tuệ nhân tạo, khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Mở TP.HCM;
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM;
- Thạc sĩ Dương Thành Phết, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.