CHÚ TRỌNG ĐIỂM HỌC BẠ, TIẾNG ANH
Thị trường du học năm qua chứng kiến biến động tại một số điểm đến truyền thống. Cụ thể, Úc và Canada liên tiếp thắt chặt quy định với nhiều biện pháp như áp trần tuyển sinh; tăng yêu cầu về lệ phí, chứng minh tài chính và tiếng Anh với visa du học; nâng chuẩn visa làm việc sau tốt nghiệp... Từ ngày 2.1.2025, Anh cũng chính thức tăng yêu cầu chứng minh tài chính để xin visa du học, lên mức 1.136 - 1.483 bảng/tháng (khoảng 36-47 triệu đồng).
Quy định của chính phủ ngày càng gắt gao nhưng các trường ĐH tại những nước này lại có xu hướng đơn giản hóa phương thức tuyển sinh với người Việt khi không còn yêu cầu bài luận, hoạt động ngoại khóa, thư giới thiệu..., mà chỉ xét điểm học bạ (GPA) cùng chứng chỉ tiếng Anh, ngay cả ở những trường thuộc tốp 100 thế giới. Mức GPA yêu cầu cũng đa dạng, dao động từ 6,5 - 9,9 tùy ngành học.
Không chỉ giảm yêu cầu, nhiều ĐH còn tăng phương thức tuyển sinh với sinh viên quốc tế. Chẳng hạn, ĐH Quốc gia Úc sắp mở rộng xét tuyển học sinh (HS) VN từ tháng 2.2025, lần đầu chấp nhận tuyển thẳng HS từ tất cả trường THPT nằm ngoài danh sách 92 trường chuyên, trường điểm dựa trên điểm SAT hoặc ACT (hai bài thi chuẩn hóa thường dùng để tuyển sinh vào ĐH Mỹ).
Với du học Anh, ông Huỳnh Anh Khoa, Giám đốc Công ty du học Vietnamese Connect (VNC) tại TP.HCM, cho biết trong năm qua, chính phủ Anh thắt chặt xét duyệt hồ sơ khiến các ĐH cẩn thận hơn trong việc cấp CAS (thư chấp nhận nhập học), thậm chí phải phỏng vấn trước chứ không chỉ đóng học phí là được nhận thư CAS. "Về bản chất, các trường vẫn giữ nguyên điều kiện đầu vào. Cái siết ở đây là "đầu" visa vì họ kiểm soát rất kỹ hồ sơ tài chính, mục đích học, kế hoạch sau tốt nghiệp... của ứng viên", ông Khoa nói. Ông cũng lưu ý một điểm nhấn trong thời gian qua là giản lược quy trình xét tuyển, nổi bật là chương trình "International Year One" (tạm dịch: năm nhất quốc tế) của một số trường hàng đầu, cho phép không cần học thêm một năm dự bị ĐH (foundation). Đăng ký chương trình này, du HS không cần viết bài luận hay xin thư giới thiệu, chỉ cần GPA trung bình khoảng 7,0 - 7,5. "Riêng tiếng Anh, các bạn phải có kết quả thi IELTS Academic UKVI với chương trình CAS rời (single CAS) hoặc IELTS Academic non-UKVI với chương trình CAS gộp (combined CAS)", ông Khoa nhấn mạnh.
Trong khi đó, với tất cả những trường tại Anh, người Việt chỉ cần học khóa dự bị ĐH sau khi học xong lớp 11. Ngoài ra, sự giản lược cũng thể hiện qua việc các tổ chức giáo dục đào tạo lộ trình "pathway" chuyển tiếp ĐH không còn đặt tỷ trọng quá lớn vào bài luận cá nhân và thư giới thiệu của ứng viên, ông Khoa chia sẻ.
XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU TỪ SỚM
Trái ngược với Úc, Canada và Anh, hai quốc gia nói tiếng Anh khác là Mỹ và New Zealand giữ ổn định chính sách visa du học với VN, theo phản hồi với Thanh Niên của ông Justin Walls, Trưởng phòng Văn hóa-thông tin (Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM) và ông Ben Burrowes, quyền Giám đốc điều hành khối quốc tế (Cơ quan giáo dục New Zealand).
Theo sau tin tích cực từ hệ thống visa là sự chào đón của các trường ĐH khi nhiều đơn vị nới lỏng quy định tuyển sinh người Việt từ năm nay, bỏ bớt yêu cầu về hoạt động ngoại khóa, điểm thi chuẩn hóa (như SAT) mà tập trung vào điểm học bạ, chứng chỉ tiếng Anh. Từ năm nay, một số ĐH New Zealand như Canterbury, Massey, Otago cũng chấp nhận tuyển thẳng dựa trên điểm học bạ lớp 12, thay vì xét 3 năm THPT.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Care Education (TP.HCM), cho biết không chỉ bậc ĐH mà các trường phổ thông tại New Zealand cũng đang rất chào đón HS người Việt. Riêng ở bậc ĐH, bà Thủy nhìn nhận GPA của ứng viên khá quan trọng, chiếm khoảng 30% tỷ trọng trong hồ sơ. Ngoài ra, chính phủ nước này cũng cho phép ứng viên giải trình lý do xin visa tối đa 9 trang, thay vì chỉ 1-2 trang như một số quốc gia khác.
Bà Thủy cũng lưu ý một số ngành như điều dưỡng, bác sĩ, giáo viên... đòi hỏi yêu cầu cao hơn rất nhiều, và khuyên: "Thế nên, điều quan trọng là phải định hướng và lên kế hoạch ôn tập từ sớm".
Một quốc gia khác đang thu hút nhiều sự chú ý trong thời gian qua là Đức. Dữ liệu từ chính phủ nước này cho thấy số lượng sinh viên quốc tế đạt mức kỷ lục, gần 380.000 người trong học kỳ mùa đông 2023-2024 và nối tiếp xu hướng tăng trong 15 năm qua. "Nhiều HS VN quan tâm đến các ngành kỹ thuật và kinh doanh khi đến Đức", ông Henning Hilbert, Hiệu trưởng Trung tâm tiếng Đức Café Deutsch (TP.HCM), chia sẻ.
Ông Hilbert nói thêm tại trung tâm, một nửa số HS muốn ứng tuyển vào các trường ĐH trong khi nửa còn lại đăng ký vào trường dạy nghề. Ở cả hai trường hợp, nếu học bằng tiếng Đức, HS đều không cần đóng học phí nhưng phải chứng minh có 11.904 euro (316 triệu đồng) trong tài khoản bảo đảm để nộp đơn xin visa du học. "Đây là số tiền khá lớn, nhưng các bạn sẽ được phép đi làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt", ông Hilbert nói.
Vị hiệu trưởng cũng nhấn mạnh "điểm nghẽn" ngăn người Việt du học tại Đức chính là ngôn ngữ, khi các bạn cần ít nhất trình độ B1 để sinh hoạt tại quốc gia này.
"KHÔNG BỎ TẤT CẢ TRỨNG VÀO MỘT GIỎ"
Trong bối cảnh một số nước nói tiếng Anh liên tục điều chỉnh chính sách trong thời gian qua, tiến sĩ Lê Bảo Thắng, Giám đốc Công ty tư vấn giáo dục quốc tế OSI Vietnam, khuyến nghị HS luôn phải chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra và "không bỏ tất cả trứng vào một giỏ". "Các nước Mỹ, Úc và Canada nhìn chung vẫn thúc đẩy chính sách xuất khẩu giáo dục, nhưng với sự sàng lọc kỹ hơn", ông Thắng lưu ý.
Song, điều này không đồng nghĩa con đường du học sẽ hẹp lại, mà đòi hỏi HS cần tìm hiểu rõ hơn các chính sách, quy định để có sự chuẩn bị phù hợp, nhất là về khía cạnh tài chính và năng lực tiếng Anh, tiến sĩ Thắng nhấn mạnh. Năm 2025 cũng là thời điểm có nhiều học bổng cho VN nên các bạn cần tận dụng những cơ hội này để đỡ chi phí cho gia đình.
Nếu ứng tuyển vào trường ĐH tại châu Á, nhất là Hàn Quốc, ông Trần Thiên Văn, Giám đốc điều hành Zila Education (TP.HCM), khuyên HS nỗ lực đạt điểm học bạ từ 7 trở lên sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển. Còn nếu đạt điểm từ 8 trở lên, các bạn có thể cạnh tranh vào những cơ sở hàng đầu như ĐH Yonsei, ĐH Seoul... để học khóa tiếng Hàn, và cao hơn nếu muốn học chuyên ngành.
"Ngoài học bạ, khả năng ngoại ngữ và tài chính là hai yếu tố quan trọng hàng đầu. Nếu học chuyên ngành, các bạn không cần thi đầu vào như sinh viên bản địa, trừ một số ngành năng khiếu, song cần trình bày rõ hơn thế mạnh của bản thân thông qua kế hoạch học tập và bài giới thiệu. Nhìn chung, năng lực ngoại ngữ của các bạn càng tốt thì tỷ lệ trúng tuyển và nhận được học bổng càng cao", ông Văn lưu ý.
Nhiều cơ hội du học miễn phí trong năm 2025
Năm học 2025-2026, nhiều ĐH Mỹ tăng mức hỗ trợ tài chính cho sinh viên (SV) lên đến toàn phần. Đơn cử, MIT miễn học phí cho SV đến từ gia đình có thu nhập dưới 200.000 USD/năm (5 tỉ đồng). Nếu gia đình thu nhập dưới 100.000 USD/năm, các bạn còn được hỗ trợ những chi phí khác. Hệ thống ĐH Texas và ĐH Harvard cũng có quy định tương tự, còn John Hopkins và Trường Y khoa Albert Einstein miễn học phí cho tất cả SV.
2025 còn là năm đầu tiên chính phủ New Zealand triển khai chương trình học bổng cho bậc cử nhân (NZUA) với tổng giá trị hơn 3,1 tỉ đồng, trở thành nước nói tiếng Anh đầu tiên có đủ học bổng chính phủ từ trung học tới sau ĐH ở VN. Chung động thái, chương trình học bổng GREAT do chính phủ Anh phối hợp thực hiện với Hội đồng Anh mới đây đã mở đơn đăng ký trở lại, tăng thêm 3 suất cho người Việt.