Lương thấp, nhân viên trường học mong được gỡ khó: Giải pháp nào?

Các cán bộ quản lý, chuyên gia giáo dục cũng cho rằng về gốc rễ, Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ cần rà soát, đề xuất để đội ngũ nhân viên trường học được hưởng phụ cấp nghề, phụ cấp thâm niên phù hợp vị trí, việc làm, tương xứng với những đóng góp của họ, giúp họ được cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.

GIỮ CHÂN NHÂN VIÊN TRƯỜNG HỌC

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.12, TP.HCM cho biết các nhân viên trường học như kế toán, thủ quỹ, văn thư, y tế, thư viện - thiết bị, công nghệ thông tin... có vai trò quan trọng giúp cho một trường học hoàn thành nhiệm vụ công tác giáo dục theo đúng mục tiêu, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy định của ngành.

Lương thấp, nhân viên trường học mong được gỡ khó: Giải pháp nào?- Ảnh 1.

Để có đủ nhân sự giải quyết công việc, lãnh đạo trường học phải ký hợp đồng với nhiều nhân viên như bảo mẫu, phục vụ…

ẢNH: THÚY HẰNG

Tuy nhiên, cô cũng cho biết hiện nay, nhiều nhân viên trường học không được hưởng phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi thấp hoặc không có, nên khó thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. "Một số nhân viên sau khi tuyển dụng lại xin nghỉ việc do thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống. Nếu có phụ cấp ưu đãi, phụ cấp nghề để có mức thu nhập cao hơn giúp ổn định cuộc sống sẽ giúp các trường thu hút được nhân lực chất lượng cao, họ cũng an tâm gắn bó với trường, ngành. Từ đó, chất lượng các công việc có liên quan ở trường cũng sẽ được nâng lên, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động trong nhà trường", cô hiệu trưởng cho hay.

"Tại trường tôi công tác, hầu hết nhân viên mới được tuyển dụng, thu nhập thấp. Trước mắt, để giải quyết khó khăn cho đội ngũ, trường xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để trích từ nguồn thu các hoạt động để lại chi hỗ trợ thêm một phần thu nhập chăm lo cho đội ngũ nhân viên trường học", cán bộ quản lý này cho biết thêm.

Hiệu trưởng một trường mầm non trên địa bàn Q.Tân Bình, TP.HCM cho biết trong thời gian qua, Công đoàn trường có nhiều đợt kêu gọi vận động các cán bộ quản lý, giáo viên (GV) trong trường đã được vào biên chế, cùng đóng góp, hỗ trợ để chia sẻ với đội ngũ nhân viên trường học.

Hiệu trưởng này chia sẻ, trường có một nhân viên kế toán, phải lo rất nhiều trọng trách tính toán liên quan đến con số, rất nhiều đầu việc, trách nhiệm cao, rủi ro lớn nhưng chỉ được phụ cấp công việc 0,1 tháng lương cơ bản; một nhân viên văn thư, kiêm nhiệm thủ quỹ và nhiều công việc khác, được phụ cấp 0,2 tháng lương cơ bản. Dù hai nhân viên trường học đã là viên chức, nhưng phụ cấp rất thấp, ảnh hưởng tới tiền lương, khiến nhân viên cũng buồn bã, tâm tư.

Đặc biệt, hiệu trưởng trường mầm non này cho biết trong các đợt kêu gọi vận động, đóng góp của công đoàn viên chia sẻ cho đội ngũ nhân viên trường học, nhà trường luôn ưu tiên, hỗ trợ nhiều hơn tới khối nhân sự là lao động hợp đồng, chưa được vào biên chế. Vì lực lượng này không được hưởng các chế độ ưu đãi đặc thù như Nghị quyết 08 của HĐND TP.HCM chi thu nhập tăng thêm cho công chức, viên chức của thành phố. Không chỉ ủng hộ theo đợt, tùy vào quy chế chi tiêu nội bộ, nhà trường cân đong đo đếm vào các dịp lễ, tết, có thể hỗ trợ thêm cho đội ngũ nhân viên này một ít để động viên.

"Với mức lương của nhân viên hợp đồng, mỗi tháng trừ đi bảo hiểm các khoản, chỉ còn khoảng 5 triệu đồng, mức thu nhập ấy làm sao sống nổi ở thành phố? Chăm lo cho nhân viên nhà trường cũng là giữ chân người lao động ở lại với mình lâu dài", cô hiệu trưởng này tâm tư.

Lương thấp, nhân viên trường học mong được gỡ khó: Giải pháp nào?- Ảnh 2.

Nhân viên y tế một trường học sơ cứu vết thương cho một học sinh

ẢNH: THÚY HẰNG

ĐỂ ĐỘI NGŨ NHÂN VIÊN TRƯỜNG HỌC BỚT THIỆT THÒI

Ông Nguyễn Đình Tuấn, công tác tại Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình, TP.HCM, cho biết thực tế hiện nay nhiều nhân viên trường học rất khó khăn. Nếu nhân viên kế toán hoặc được phân công làm kế toán thì có phụ cấp (nhưng chỉ 0,1 tháng lương), nhân viên y tế thì theo Nghị định số 56 của Chính phủ là phụ cấp tối đa 20% nên thủ trưởng đơn vị có thể cho mức tối đa phụ cấp này, có trường lại cho thấp hơn, hoặc có trường không cho phụ cấp…

"Giải pháp trước mắt của các đơn vị để đội ngũ nhân viên trường học bớt thiệt thòi là xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ. Lãnh đạo đeo bám, kịp thời đề xuất và thực hiện đúng quy trình quy định về ký hợp đồng cho nhân viên trường học theo Nghị định 111 của Chính phủ để họ được "danh chính ngôn thuận" hưởng một số chế độ như thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 08 của TP.HCM. Đồng thời, thủ trưởng đơn vị cần phải nghiên cứu, xem xét vận dụng đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật để chi chế độ phụ cấp cho một số đối tượng như nhân viên y tế trường học", ông Nguyễn Đình Tuấn cho biết.

Ông Tuấn nêu ví dụ một khó khăn phổ biến hiện nay là một đơn vị không tuyển được viên chức kế toán, nhưng không thể không có kế toán, nên từ năm ngoái đã ký hợp đồng lao động với bà A. Song đây là công việc thuộc nhóm chuyên môn, nghiệp vụ, theo quy định trong Nghị định 111 phải có ý kiến thống nhất của UBND quận thì hiệu trưởng mới được ký. Nếu năm lần bảy lượt trường gửi văn bản để UBND quận có văn bản thống nhất mà đợi mãi chưa có, nên trường đành ký hợp đồng lao động với bà A để giải quyết công việc đơn vị. Nhưng khi chi các chế độ như lương, phụ cấp…, hiệu trưởng vừa làm vừa sợ vì theo lý thì việc hiệu trưởng tự ký vị trí này (dù trường tự trả lương) là sai quy trình, quy định. Do đó, các trường nếu rơi vào tình huống này cũng chỉ dám trả lương cho nhân viên đó là chính, còn các khoản phụ cấp khác một cách danh chính ngôn thuận thì lại không thể chi trả.

Ông Tuấn cũng đề xuất Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng làm việc với Bộ Nội vụ, tăng thêm phụ cấp cho nhân viên trường học. Cần có cơ chế chung, có thể xem xét đưa nhân viên trường học vào đối tượng điều chỉnh, bởi luật Nhà giáo đang dự thảo là đối tượng viên chức, người lao động thuộc ngành GD-ĐT để có thể hưởng một số phụ cấp ưu đãi ngành.

Bộ GD-ĐT nghiên cứu, đề xuất cho đội ngũ nhân viên trường học được hưởng chế độ phụ cấp nghề phù hợp

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10.2024, báo chí nêu vấn đề: Thời gian qua nhân viên y tế, và kế toán trường học có thu nhập chưa tương xứng. Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nêu rõ: Các nhân viên y tế, kế toán tại các trường học là viên chức. Nhưng các nhân viên y tế, kế toán trường học này không phải là nhà giáo nên không được hưởng chính sách ưu đãi hiện nay của nhà giáo. Thời gian qua, Bộ

GD-ĐT đã rà soát và phối hợp với các bộ, ngành tham mưu đề xuất Chính phủ sửa đổi một số chính sách, đặc biệt là chế độ tiền lương đối với đội ngũ viên chức ngành giáo dục nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng.

Một là sẽ nghiên cứu, đề xuất cho đội ngũ nhân viên trường học được hưởng chế độ phụ cấp nghề phù hợp với vị trí, việc làm, tương xứng với tính chất, mức độ đào tạo.

Thứ hai là tiếp tục rà soát để đánh giá mức độ phức tạp của vị trí việc làm của nhân viên trường học nhằm làm cơ sở điều chỉnh theo quy định hiện hành, góp phần cải thiện thu nhập.

Thứ ba, để giải quyết khó khăn cho đội ngũ nhân viên y tế trường học, kế toán, Bộ đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư quan tâm chỉ đạo các cơ quan tham mưu tổ chức và tổ chức theo thẩm quyền việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho đội ngũ viên chức, nhân viên trường học theo quy định nhằm đảm bảo quyền lợi, góp phần cải thiện thu nhập cho đội ngũ này, đồng thời có chính sách đặc thù của từng địa phương hỗ trợ, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống để họ an tâm công tác.

(theo Chinhphu.vn)


Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao