LÀM 10 NĂM, LƯƠNG GẦN 8 TRIỆU ĐỒNG
Có bằng cử nhân sư phạm vật lý, sau 3 lần thi viên chức (2 lần thi vào vị trí giáo viên (GV) nhưng không đậu), chị H.N (37 tuổi) trúng tuyển làm nhân viên thiết bị trường học tại một trường THPT ở TX.Tân Châu (An Giang) và công tác tại đây đã được 10 năm. Chị H.N cho biết mình kiêm nhiệm thêm vai trò thủ quỹ, đầu năm học còn hỗ trợ thu tiền bảo hiểm y tế của học sinh (HS); hằng tháng chị được hưởng phụ cấp 25%. Tuy nhiên, chị H.N cho biết khoản phụ cấp này tùy thuộc vào tài chính nội bộ của từng trường. Nhiều người bạn của chị cũng là nhân viên thiết bị trường học ở trường khác không có phụ cấp; nếu phụ trách thiết bị trường học các môn vật lý - hóa học - sinh học thì được phụ cấp độc hại bằng 0,2 lương cơ bản.
"Ngày mới ra trường đi làm lương tôi hơn 2 triệu đồng/tháng", chị H.N cho biết. Khi đã là viên chức 10 năm, hệ số lương của chị là 3,34; từ ngày 1.7.2024 được tăng lương cơ sở nên lương cơ bản của chị được hơn 7,8 triệu đồng. Tính cả các phụ cấp, tổng thu nhập một tháng của chị vào khoảng 9,5 triệu đồng. Nhà cách xa trường 40 km, có cha mẹ già cần phụng dưỡng, chị H.N chưa lập gia đình nên số tiền này chỉ vừa đủ để chị nuôi sống bản thân và gửi về chăm sóc cha mẹ. Ngoài ra, chị cũng đang học văn bằng 2 ngành kế toán của một trường ĐH.
"Nhiều đồng nghiệp mà tôi biết không có khoản phụ cấp 25%, chỉ có lương cơ bản, tức là mới ra trường được 4.914.000 đồng/tháng, làm tới 10 năm được khoảng 7,8 triệu đồng/tháng (chưa trừ bảo hiểm xã hội). Những bạn có gia đình, chồng con, phải đi thuê nhà trọ thì cuộc sống rất khó khăn. Nhiều bạn ngoài giờ làm việc ở trường phải về nhà làm ruộng, bán hàng online kiếm thêm thu nhập. Nhiều người cũng chờ đợi khi có đợt tuyển viên chức GV thì thi tuyển để được làm GV có thu nhập cao hơn vì được tính phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên. Có bạn đã nghỉ việc, chuyển hẳn sang nghề khác vì lương thấp quá", chị H.N kể.
"Mỗi vị trí việc làm trong trường học đều quan trọng và đều cần sự nỗ lực. Chúng tôi rất mong Bộ GD-ĐT quan tâm, đề xuất và tăng phụ cấp công việc cho nhân viên trường học, để mọi người sống được với nghề", chị nói.
Cô K.C, nhân viên thư viện một trường THPT tại An Giang, cũng chia sẻ với PV Báo Thanh Niên: "Tôi vào nghề đã 15 năm, tính đến nay lương nhân viên thư viện như tôi là thấp nhất so với GV ra trường cùng lượt với mình, dù chúng tôi làm việc xuyên suốt từ thứ hai tới thứ sáu, luôn có mặt trong các hoạt động được phân công. GV có phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên nghề, còn nhân viên chỉ được hưởng lương chính thức, đối với nhân viên thư viện có thêm phụ cấp độc hại nhưng không đáng kể (từ 0,1 tới 0,2)".
Theo bảng lương của nhân viên thư viện hạng IV, mới ra trường có hệ số lương 1,86 tương đương với mức lương 4.352.400 đồng/tháng. Nhân viên thư viện hạng IV làm 15 năm, nếu ở bậc 6, sẽ có lương 6.692.400 đồng/tháng.
Cô K.C cho hay cô đã lập gia đình, có 2 con, với đồng lương này thì cuộc sống rất chật vật, chỗ làm còn cách xa nhà tới 17 km. "Lương chỉ đủ nuôi bản thân, nhín chút mua sữa cho con, còn lại phải nhờ ba mẹ, nhờ chồng. Tôi rất muốn học lên cao, lấy bằng đại học để được thăng hạng từ nhân viên thư viện hạng IV lên hạng III nhưng học phí đang gấp đôi lương…", cô nói.
TRÁCH NHIỆM NẶNG NỀ, MONG ĐÃI NGỘ TƯƠNG XỨNG
Bác sĩ Huỳnh Trung Tuần, nhân viên y tế trường học công tác tại Q.11 (TP.HCM), cho biết nhân viên y tế trường học nắm giữ trách nhiệm lớn trong chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ HS, GV, nhân viên trường học. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19, lực lượng nhân viên y tế trường học cũng tham gia tuyến đầu chống dịch. Trước khi HS đến trường đi học trở lại, nhân viên y tế trường học phụ trách các nhiệm vụ như khử khuẩn môi trường, test, cách ly học sinh nhiễm bệnh, phòng chống dịch bệnh…
Tuy nhiên, nhiều đơn vị còn có tâm lý xem nhẹ vai trò của nhân viên y tế trường học và cho rằng vị trí này kiêm nhiệm cũng được. Theo bác sĩ Tuần, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Vào các ngày thường, nếu trường học có bếp ăn bán trú, nhân viên y tế trường học phải có mặt từ 5 giờ 30, kiểm tra khâu tiếp phẩm xem thực phẩm đã đảm bảo an toàn vệ sinh hay chưa. Trong giờ làm việc, không chỉ là người trực y tế, xử lý các tai nạn xảy ra trong trường, nhân viên y tế còn đi kiểm tra an toàn trường học, phòng tránh nguy cơ mất an toàn từ thiết bị, đồ dùng, cây xanh… trong trường; nhắc nhở HS ngồi học đúng tư thế để phòng tránh cong vẹo cột sống, cận thị; tránh nô đùa nguy hiểm…
"Đặc biệt, khi có tai nạn xảy ra, như HS bị hóc, sặc thức ăn, đồ chơi, hoặc té ngã, chấn thương ở trường, nhân viên y tế trường học chuyên trách - người được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên môn, được tập huấn thường xuyên - sẽ có đủ sự bình tĩnh, sơ cứu nhanh chóng, chính xác trong lúc chờ xe cấp cứu đến, đảm bảo an toàn tính mạng cho HS, hạn chế tối đa những tai biến sau này. Ví dụ như HS bị hóc, sặc, nếu không đủ chuyên môn để sơ cứu, thông đường thở cho trẻ mà lại bế thốc đi bệnh viện thì trẻ bị lỡ mất thời gian vàng để cứu sống. Hoặc HS bị chấn thương cột sống do té ngã nhưng sơ cứu không đúng cách sẽ làm tổn thương nặng hơn, có thể khiến HS phải ngồi xe lăn suốt đời. Như người ta nói "nuôi quân 3 năm sử dụng 1 giờ" là như vậy", bác sĩ Tuần nói.
Hiện nay, theo quy định, nhân viên y tế trường học được phụ cấp ưu đãi nghề tối đa là 20% (thủ trưởng đơn vị căn cứ vào đặc thù công việc và nguồn thu để xem xét, quyết định). Nhân viên thiết bị trường học, thư viện nếu được phụ cấp độc hại sẽ là 0,1- 0,2. Nhân viên thủ quỹ được phụ cấp 0,1. Nhân viên kế toán, văn thư, công nghệ thông tin không có phụ cấp, chỉ hưởng lương theo ngạch bậc. TP.HCM có một số ưu đãi đặc thù như Nghị quyết 08 chi thu nhập tăng thêm cho công chức, viên chức, còn ở các tỉnh thành không có khoản tiền này nên đời sống nhân viên trường học rất chật vật.
Do đó, bác sĩ Tuần nhấn mạnh quan điểm cần tăng các khoản phụ cấp cho nhân viên y tế trường học nói riêng và nhân viên trường học nói chung. Điều này mang tính nhân văn và giúp thu hút nhân lực giỏi vào ngành giáo dục - đào tạo, giúp ích cho HS và thúc đẩy sự phát triển chung của ngành. (còn tiếp)
Làm thêm tạp vụ để đủ tiền nuôi con
Có bằng y sĩ, cô L.Đ đang là nhân viên y tế hợp đồng của một trường THCS tại Q.8, TP.HCM. Tính cả lương, tiền hỗ trợ công tác bán trú,
căn tin…, mỗi tháng thu nhập của cô L.Đ vào khoảng 7,9 triệu đồng dù khối lượng công việc rất nhiều. Để đủ tiền trang trải cho 2 con ăn học, các buổi tối cô đi làm dọn dẹp vệ sinh, kiếm thêm 4 triệu đồng/tháng.
Mong muốn của cô L.Đ là quận tổ chức tuyển viên chức vị trí nhân viên y tế trường học để cô có cơ hội xét tuyển, được hưởng phụ cấp và chế độ đặc thù cho viên chức TP.HCM.