Lưu ý khi chọn khối ngành thiết kế, mỹ thuật, kiến trúc

Vào lúc 14 giờ ngày 25.2, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Chọn ngành học tương lai: Độc đáo thiết kế-mỹ thuật-kiến trúc".

Chương trình diễn ra đồng thời ở các kênh: thanhnien.vn, Fanpage Facebook, kênh YouTube, Tik Tok Báo Thanh Niên.

Thiết kế-mỹ thuật-kiến trúc được xem là lĩnh vực khá đặc thù do đòi hỏi những năng khiếu nhất định ở người học. Nhưng trong các năm gần đây, các trường ĐH tuyển sinh khối ngành này có những yêu cầu khác nhau về điều kiện đầu vào. Cụ thể, có trường cho phép thí sinh chọn các tổ hợp không chứa môn năng khiếu. Vậy, yếu tố năng khiếu có vai trò như thế nào khi theo học các ngành này?

Bên cạnh đó, với xu hướng tích hợp công nghệ, các ngành học thuộc lĩnh vực này ngày càng thu hút người học và có sự cạnh tranh không kém so với một số ngành "nóng" khác. Xu hướng các ngành học mới tích hợp công nghệ đang được đào tạo tại các trường ĐH ra sao? Nhu cầu nhân lực các ngành học này trong giai đoạn hiện nay? Doanh nghiệp đánh giá cao những yếu tố nào khi tuyển dụng?

Lưu ý khi chọn khối ngành thiết kế, mỹ thuật, kiến trúc - Ảnh 1.

Thí sinh thi năng khiếu vẽ mỹ thuật để xét tuyển đại học

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Các câu hỏi sẽ được giải đáp trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến, từ đó giúp thí sinh có thông tin tham khảo quan trọng khi vực chọn ngành nghề.

Chương trình diễn ra lúc 14-15 giờ gồm các chuyên gia

Lưu ý khi chọn khối ngành thiết kế, mỹ thuật, kiến trúc - Ảnh 2.

Các chuyên gia tư vấn đợt 1 của chương trình

ảnh: lê Thanh Hải

  • Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó giám đốc thường trực ĐH Duy Tân;
  • Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương, Trưởng ngành kiến trúc Trường ĐH Việt Đức;
  • Thạc sĩ Phùng Bá Đông, Phó trưởng khoa Design Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn;
  • Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Sự tác động của công nghệ với khối ngành thiết kế

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó giám đốc thường trực ĐH Duy Tân, cho rằng đây là khối ngành có sự tác động rất lớn của công nghệ. Trước đây để học các ngành này phải có năng khiếu và sự sáng tạo. Tuy nhiên trong quá trình phát triển của công nghệ, đây là lĩnh vực có ảnh hưởng lớn bởi công nghệ.

Có nhiều ngành mới xuất hiện như thiết kế số, mỹ thuật số... ứng dụng khoa học máy tính, công nghệ thông tin vào thiết kế.

Hiện nay các trường xét tuyển vẫn thi vẽ nhưng quá trình đào tạo ứng dụng rất nhiều phần mềm để tăng hiệu quả.

Sự bùng nổ AI đã hỗ trợ các ngành học và công việc thiết kế, kiến trúc, mỹ thuật... tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên và người làm nghề.

Số lượng thí sinh học những ngành này thường thấp hơn so với các ngành khác như kinh tế, du lịch, ngôn ngữ, công nghệ thông tin... Mỗi lớp thường dưới 40 sinh viên, học đến năm 2, 3 là sinh viên đã có thể làm được nghề.

Hiện nay các trường ứng dụng số vào chương trình đào tạo. Riêng khối ngành này có thêm các ngành mới như thiết kế số, thiết kế kỹ thuật số, thiết kế đồ họa số...

Lưu ý khi chọn khối ngành thiết kế, mỹ thuật, kiến trúc - Ảnh 3.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó giám đốc thường trực ĐH Duy Tân


Những kỹ năng cần thiết khi học các ngành liên quan thiết kế

Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương, điều phối viên học thuật ngành kiến trúc Trường ĐH Việt Đức: Xét về độ đa dạng của ngành thì ở những thập niên trước ít hơn, chỉ có quy hoạch, kiến trúc, thiết kế nội thất... Còn ở thời điểm hiện tại mã ngành rất đa dạng như thiết kế cảnh quan, thiết kế đô thị. Vì thế thí sinh có nhiều cơ hội lựa hơn, có thể theo phân ngành hẹp hoặc rộng. Trong thời đại hiện nay, các kiến trúc sư, người làm trong khối mỹ thuật, thiết kế có thể đi làm việc ở nhiều nơi như châu Âu, Mỹ, Đông Nam Á; ngược lại chúng ta cũng phải cạnh tranh với nhân lực từ các nơi.

Thạc sĩ Phùng Bá Đông, Phó trưởng khoa Design Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, thông tin nhóm ngành thiết kế mỹ thuật kiến trúc có ưu thế mạnh do tính sáng tạo cao, thể hiện được cá tính, đặc trưng riêng. Tuy nhiên đòi hỏi người học đầu tư nhiều thời gian và công sức vì các môn học, đồ án, bài tập rất nhiều. Đây là ngành học mà từ năm 3, 4, sinh viên có thể nhận các dự án hoặc thực tập sớm tại các công ty chuyên nghiệp.

Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, thông tin nhu cầu nguồn nhân lực các ngành trong lĩnh vực kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật đang rất mạnh. Khi tuyển dụng, doanh nghiệp đòi hỏi kỹ năng chuyên môn đầu tiên, sau đó là kinh nghiệm thực tế và kỹ năng. Vì thế ngay khi đi học, sinh viên cần trải nghiệm, thực hành nhiều. Kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp rất quan trọng. Ngoài ra có tính chi tiết, cẩn thận. Sự đam mê, sáng tạo cũng là yếu tố rất quan trọng.

Lưu ý khi chọn khối ngành thiết kế, mỹ thuật, kiến trúc - Ảnh 4.

Thạc sĩ Phùng Bá Đông, Phó trưởng khoa Design Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn

Năng khiếu có cần thiết khi học khối ngành thiết kế-mỹ thuật-kiến trúc?

Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, nhóm ngành này đặc thù nên rất cần năng khiếu và sự sáng tạo để học và làm việc tốt. Do đó, tố chất đầu tiên là tư duy về thẩm mỹ. Trước đây khi công nghệ chưa phát triển thì vẽ trực tiếp cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên khi công nghệ phát triển chúng ta có thể ứng dụng phần mềm, công cụ này sẽ hỗ trợ và khắc phục hạn chế.

Các em có tư duy thẩm mỹ thì khi học sẽ được đào tạo và trang bị công cụ để học và làm việc. Hiện nay, nhiều trường tuyển ngành kiến trúc không cần điểm môn năng khiếu, do có công nghệ hỗ trợ.

Thạc sĩ Phùng Bá Đông cho hay cách đây 10 năm nói đến kiến trúc sư hay thiết kế thì ai cũng ngưỡng mộ khả năng vẽ, những đồ án vẽ tay rất đẹp. Ngày nay, công nghệ phát triển nên có nhiều phần mềm, ứng dụng hỗ trợ vì vậy khả năng vẽ tay cũng chỉ là một kỹ năng. Kỹ năng thì có thể tập luyện, ai có năng khiếu thì học nhanh hơn. Quá trình học các em vẫn được học kỹ năng vẽ tay cơ bản cho tới nâng cao, sau đó được học các phần mềm để giúp thực hiện ý tưởng tốt hơn. "Do đó, các em thực sự yêu thích khối ngành này thì đừng để nỗi lo sợ về năng khiếu cản trở ước mơ. Dù chưa có khả năng vẽ thì vẫn theo đuổi được ngành này", thạc sĩ Phùng Bá Đông nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi có trường nào tuyển ngành thiết kế nội thất mà không cần thi năng khiếu hay không? Không có năng khiếu vẽ thì có học được ngành này, thạc sĩ Phùng Bá Đông cho hay có trường xét điểm học bạ THPT, có trường tổ chức thi năng khiếu hoặc xét điểm năng khiếu từ trường khác. Ngoài sáng tạo, ngành thiết kế nội thất các em cần có tư duy về không gian: hình khối, ánh sáng, màu sắc. Ngành này có nhiều công cụ hỗ trợ mô phỏng không gian một cách chính xác.

Còn tiến sĩ Lê Thị Thu Hương thì chia sẻ: Mỹ thuật đòi hỏi khả năng vẽ cao hơn thiết kế và kiến trúc. Dù hiện nay có công cụ hỗ trợ thì vẫn cần có năng khiếu vẽ để phác thảo ý tưởng ban đầu. Còn ngành kiến trúc đòi hỏi tư duy, thiết kế về hình học, hình khối, cái đẹp không gian chứ không phải câu chuyện vẽ đẹp hay xấu. Quan trọng là các em phải yêu thích cái đẹp, có đam mê nghề nghiệp.

Từ đây, một học sinh đặt câu hỏi: ''Em thích vẽ và được khen vẽ đẹp. Em đang băn khoăn giữa ngành kiến trúc và mỹ thuật. Có phải mỹ thuật đòi hỏi sự sáng tạo nhiều hơn và vẽ phải đẹp hơn? Nếu em thi năng khiếu để xét tuyển cùng lúc vào 2 ngành ở 2 trường, trong đó có ngành kiến trúc của ĐH Duy Tân thì có được không?''.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải giải đáp: ''Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có môn mỹ thuật nên có trường đưa môn này vào xét tuyển. Nếu không, thí sinh phải thi môn năng khiếu. Tuy nhiên, có trường tổ chức thi, có trường sử dụng kết quả thi của trường khác. ĐH Duy Tân có tổ chức thi vẽ đợt 1 cuối tháng 4, đợt 2 tháng 7. Nếu ở xa, các em có thể thi ở bất kỳ trường nào, dùng kết quả đó nộp vào ĐH Duy Tân, hoặc các em dùng điểm môn mỹ thuật ở cấp THPT để xét tuyển. Nếu có khiếu vẽ và vẽ đẹp thì đây là điều thuận lợi ban đầu của em để có thể theo học mỹ thuật hay kiến trúc. Tuy nhiên quá trình học em vẫn phải rèn luyện. Phần mềm sẽ hỗ trợ thêm giúp người làm nghề làm việc nhanh hơn, vẽ chính xác hơn...

Lưu ý khi chọn khối ngành thiết kế, mỹ thuật, kiến trúc - Ảnh 5.

Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương, Trưởng ngành kiến trúc Trường ĐH Việt Đức

Theo dõi chương trình, một học sinh hỏi: "Ngành kiến trúc của Trường ĐH Việt Đức có phải thi năng khiếu hay không? Nếu em tham gia bài thi đầu vào thì có đủ điều kiện để xét ngành kiến trúc? Ngành này tại trường học bằng tiếng Anh hay tiếng Đức?''.

Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương giải đáp: 'Trường ĐH Việt Đức không tổ chức thi năng khiếu nhưng chấp nhận điểm thi môn năng khiếu ở các trường khác và điểm môn mỹ thuật ở THPT. Năm nhất các em được trang bị kiến thức nền, trong đó có bố cục tạo hình, nghệ thuật thị giác, vẽ kỹ thuật, toán, lý, tiếng Anh, tiếng Đức...'. Ngành kiến trúc học bằng tiếng Anh. Nếu em nào chưa đạt thì phải học để đạt trình độ tiếng Anh theo quy định của trường. Tiếng Đức là ngôn ngữ thứ 2, cũng được học từ năm đại cương đến lúc ra trường.

Tiếp theo câu chuyện về năng khiếu, theo thạc sĩ Trương Quang Trị, nếu không có năng khiếu, sau một thời gian được đào tạo, rèn luyện, mài dũa và có sự hỗ trợ công nghệ thì hoàn toàn có thể theo đuổi được. Do đó, năng khiếu vẽ đẹp không phải là yếu tố duy nhất sinh viên cần có mà cần ý tưởng, tư duy và sáng tạo.

Lưu ý khi chọn khối ngành thiết kế, mỹ thuật, kiến trúc - Ảnh 6.

Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Tham gia chương trình, học sinh đặt câu hỏi: ''Có phải ngành thiết kế đồ họa có tính ứng dụng cao nhất trong số nhóm ngành thiết kế? Việc làm sau khi tốt nghiệp có dễ dàng hơn và thu nhập có cao hơn hay không? Ngành này xét tuyển ra sao?''

Thạc sĩ Trương Quang Trị giải đáp:'' Đây là một trong những ngành có tính ứng dụng cao nhất và rộng rãi cho nhiều lĩnh vực: quảng cáo, truyền thông, phát triển sản phẩm... Điều này dẫn đến cơ hội việc làm cũng rộng hơn. Ngành này tạo ra sản phẩm ngay lập tức và mang lại giá trị thực tế ngay cho doanh nghiệp, khách hàng. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sử dụng 4 phương thức xét tuyển: điểm tốt nghiệp THPT, điểm học bạ, điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, V-SAT, điểm đánh giá chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và xét tuyển thẳng.Trường tổ chức thi năng khiếu hoặc thí sinh dùng kết quả thi năng khiếu của trường khác. Trường tổ chức ôn thi miễn phí cho thí sinh''.

Đợt 2 (15 giờ 15-16 giờ 15) gồm các chuyên gia:

  • PGS-TS Nguyễn Trọng Phước, Trưởng khoa Xây dựng Trường ĐH Mở TP.HCM; 
  • Thạc sĩ Nguyễn Xuân Phúc, cố vấn khoa Kiến trúc-Mỹ thuật Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Phó chủ tịch Hội thiết kế TP.HCM VDAS;
  • Ông Phan Vũ Linh, Giám đốc chương trình nghệ thuật số Trường ĐH Hoa Sen.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao