Để làm tốt bài thi dài 16-17 trang trong thời gian 150 phút, thí sinh (TS) cần chuẩn bị những năng lực cần thiết.
Thông tin được chia sẻ trong chương trình Tư vấn mùa thi năm 2025 do Báo Thanh Niên tổ chức tại Trường THPT Marie Curie (TP.HCM) ngày 24.2. Chương trình được tường thuật trực tuyến trên nhiều kênh của Báo Thanh Niên như: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
Những điểm mới của kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025
ĐỀ THI HỎI RẤT RỘNG, TRÁNH TÌNH TRẠNG HỌC TỦ
Chia sẻ trong chương trình, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết theo số liệu thống kê mới nhất, đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực năm nay có khoảng 128.000 TS dự thi (trong đó có gần 700 học sinh (HS) đến từ Trường THPT Marie Curie). Đợt 1 kỳ thi này sẽ diễn ra vào ngày 30.3 tại nhiều địa phương.

Học sinh Trường THPT Marie Curie đặt câu hỏi với các chuyên gia trong chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra tại trường này ngày 24.2
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho biết bài thi năm nay vẫn đánh giá các năng lực sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic và giải quyết vấn đề. Đề thi vẫn gồm 120 câu nhưng chia thành 4 phần: 30 câu hỏi về tiếng Việt, 30 câu hỏi về tiếng Anh, 30 câu hỏi về toán học; riêng phần 4 có điều chỉnh so với trước đây.
"Trước đây, phần giải quyết vấn đề hỏi sâu về các kiến thức lý, hóa, sinh, sử, địa. Nay các câu hỏi về tư duy khoa học sẽ giúp TS dù lựa chọn tổ hợp môn nào cũng có thể làm được. Phần thi này cung cấp cả định nghĩa, công thức để TS có thể vận dụng thông tin đó để làm bài. Đó có thể là câu hỏi thực tiễn liên quan đến lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kinh tế, pháp luật… mà bất cứ HS lớp 12 có kiến thức nền tảng và khả năng tư duy tốt đều có thể làm bài được. Vì vậy, đề thi phù hợp với HS lớp 12 của chương trình Giáo dục phổ thông 2018", tiến sĩ Chính nói thêm.
Để làm tốt bài thi, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho rằng việc hệ thống hóa kiến thức là quan trọng. "Đã thi cần phải ôn tập, nhưng việc ôn tập này có thể chỉ cần thực hiện ở nhà với nỗ lực của bản thân cùng sự hỗ trợ của thầy cô và bạn bè, không nhất thiết phải đến các trung tâm luyện thi trực tiếp hoặc luyện thi trên mạng. Bởi cách tiếp cận rất rộng của đề thi đánh giá năng lực thì không trung tâm luyện thi nào có khả năng đoán đề", tiến sĩ Chính chia sẻ.
Trước câu hỏi của HS Bá Huy (lớp 12A5) về phạm vi kiến thức kiểm tra của đề, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho biết bài thi sẽ sử dụng các kiến thức thuộc chương trình phổ thông, trong đó 50% kiến thức lớp 12 và 50% còn lại thuộc kiến thức lớp 10-11. Tuy nhiên, có những vấn đề để giải quyết được, HS cần có kiến thức nền tảng tốt từ các lớp học thấp hơn.
"Bài thi cũng có thể hỏi nâng cao, nhưng khi hỏi nâng cao sẽ cung cấp sẵn các thông tin, dữ kiện. TS cần lưu ý bài thi sẽ hỏi rất rộng để tránh tình trạng người học có thể học tủ. Do đó, bài thi có thể hỏi cả những điều TS không học", tiến sĩ Chính lưu ý.

Chương trình Tư vấn mùa thi năm 2025 tại TP.HCM diễn ra tại Trường THPT Marie Curie
ảnh: Đào Ngọc Thạch
NĂNG LỰC CẦN ĐỂ LÀM TỐT BÀI THI
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính chia sẻ thông tin quan trọng giúp TS làm tốt bài thi đánh giá năng lực có nhiều điểm mới năm nay: "Bài thi dù chỉ có 120 câu với thời gian làm bài 150 phút nhưng bài thi thường dài từ 16-20 trang. Do đó, năng lực đầu tiên bài thi muốn đánh giá ở TS là khả năng đọc, bởi đọc là năng lực quan trọng nhất trong học ĐH và học tập suốt đời".
Năng lực kế tiếp, theo tiến sĩ Chính là suy luận và tư duy logic để có khả năng xử lý thông tin rất lớn nhưng phải kết nối với nhau. "Ngoài ra, một năng lực cần có là ngoại ngữ. Với TS có năng lực ngoại ngữ tốt, cụ thể là tiếng Anh, sẽ có lợi thế nhất định vì trong bài thi có 30 câu về tiếng Anh", tiến sĩ Chính khẳng định. Do đó, trong vòng 1 tháng tới, TS cần rèn các kỹ thuật làm bài thi nhanh, đọc-suy luận-lựa chọn câu hỏi một cách thông minh.
"Trong khi làm bài, TS không nên dành quá nhiều thời gian để xử lý 1 câu khó mà cần chia thời gian để giải đáp được nhiều câu hỏi nhất", tiến sĩ Chính bổ sung.
LƯU Ý KHI XÉT TUYỂN NGÀNH XÃ HỘI NHÂN VĂN VÀ SƯ PHẠM
Cũng trong chương trình, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), giải đáp băn khoăn của TS về mức độ cạnh tranh giữa các ngành khi xét tuyển vào trường. Tiến sĩ Hạ cho biết xu hướng thường thấy của nhiều năm là TS tập trung đăng ký vào một số ngành như: tâm lý học, ngôn ngữ Anh, báo chí, truyền thông đa phương tiện… TS tập trung vào nhóm ngành trên vì cho rằng ngành này có cơ hội việc làm lớn nhưng thực ra không phải, mỗi ngành nghề đều có cơ hội việc làm như nhau. Trong khi tuyển sinh đầu vào, ngành nhiều TS đăng ký lại là những ngành có sự cạnh tranh rất lớn. Do đó, TS cần chọn ngành phù hợp với đam mê, sở trường bản thân.
Thạc sĩ Tào Hữu Đạt, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, cũng cho biết năm 2025 trường ĐH này tuyển sinh 48 ngành, trong đó 15 ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, với 920 chỉ tiêu. Ba ngành tuyển sinh mới năm nay gồm: lịch sử, địa lý học và thiết kế vi mạch. Giải đáp thắc mắc của HS về ngành học miễn học phí, thạc sĩ Đạt cho hay, ngoài chế độ chính sách miễn giảm học phí với sinh viên diện chính sách theo quy định của nhà nước, sinh viên theo học 15 ngành sư phạm có thể được hưởng chế độ hỗ trợ của Nghị định 116/2020 (quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm). Theo nghị định này, sinh viên học ngành sư phạm có thể đăng ký theo 3 diện: đặt hàng, giao nhiệm vụ, nhu cầu xã hội. Với cả 3 diện này, sinh viên đều được hỗ trợ tiền đóng học phí và sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng (mỗi năm học 10 tháng).
"Khi hưởng quyền lợi này, sinh viên có trách nhiệm sau khi tốt nghiệp phải công tác trong ngành giáo dục trong thời gian quy định của nghị định. Các ngành còn lại không thuộc nhóm ngành giáo viên, sinh viên đóng học phí theo quy định chung", thạc sĩ Đạt thông tin thêm.
