Chúng ta đang chứng kiến một sự bùng nổ chưa từng có về sự phát triển của AI. Chỉ riêng trong 2 năm qua, các mô hình trí tuệ nhân tạo như ChatGPT, Deepseek, Grok, Gemini, Claude, Sora, và các robot Humanoid của Tesla hay Baidu đã tiến nhanh đến mức vượt qua mọi hình dung và dự báo.
Mỗi ngày, Google và các mạng xã hội nhận hơn 10 tỉ câu hỏi. Và con số này vẫn đang tăng theo cấp số nhân. Chúng ta không còn sống trong thế giới của tri thức đóng khung, mà đang bước vào vũ trụ bao la của những điều chưa biết mà sự học lâu nay của chúng ta không theo kịp…
Với những thành tựu tuyệt vời của AI trong mọi hoạt động , đặc biệt là trong việc học gần đây, những câu hỏi rất lớn đã đặt ra: Có phải AI đang thay thế con người? Trí tuệ, cảm xúc có còn là điều con người độc quyền sở hữu? Học và đào tạo nhân lực phát triển tương lai cùng AI như thế nào?
Những thành tựu vượt trội của AI
Thời gian qua, AI đã chứng minh khả năng vượt trội trong việc chẩn đoán bệnh. Ví dụ, hệ thống AI có thể xác định bệnh ung thư với độ chính xác tương đương các chuyên gia X-quang, đồng thời giảm bớt số trường hợp bị chẩn đoán sai. Ngoài ra, AI còn hỗ trợ bác sĩ trong việc phát hiện bệnh sớm và phát triển các phương pháp điều trị cá nhân hóa.

AI vừa có tài và "tâm" sẽ có thể làm việc trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học, nghệ thuật
ẢNH: HOÀNG KIẾM
Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng chatbot AI đạt độ chính xác trung bình lên đến 90% trong việc phân tích các bệnh án, trong khi nhóm bác sĩ sử dụng chatbot chỉ đạt 76%, và nhóm bác sĩ tự chẩn đoán có kết quả thấp hơn.
AI đang trở thành một phần không thể thiếu trong ngành giáo dục hiện đại. Nó tạo ra những phương thức giảng dạy và học tập mới, giúp cá nhân hóa trải nghiệm cho từng học sinh. AI cũng giúp giáo viên giảm bớt khối lượng công việc bằng cách tự động hóa các công việc hành chính lặp đi lặp lại.
Tại Trung Quốc, kể từ khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào năm 2022, các khóa học trực tuyến về AI đã nở rộ, thu hút sự quan tâm của đông đảo người học. Nhiều nền tảng giáo dục đã sử dụng AI để cung cấp và đào tạo kiến thức chuyên môn, giúp người học tiếp cận tri thức mới một cách dễ dàng và hiệu quả. Điều này góp phần giảm thiểu nhu cầu học thêm tốn kém và tạo điều kiện cho việc học tập linh hoạt hơn.
AI đã hỗ trợ đáng kể trong việc viết bài báo khoa học. Các công cụ như Smodin giúp tạo ra các bài nghiên cứu từ các bài báo học thuật với các nguồn APA trong vài phút. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho các nhà nghiên cứu.
Ba bài báo do The AI Scientist-v2 tạo ra đã được gửi đến một hội thảo tại ICLR tại Singapore năm 2025 theo quy trình phản biện mù đôi (double-blind). Các nhà phản biện được thông báo rằng có thể có bài do AI tạo ra nhưng không biết cụ thể bài nào. Một trong số đó đã vượt qua ngưỡng chấp nhận trung bình của con người và được chấp nhận, đánh dấu lần đầu tiên một bài báo hoàn toàn do AI tạo ra được chấp nhận qua quá trình phản biện nghiêm ngặt.
AI cũng đã chứng minh khả năng sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật. Tác phẩm “The Land of Machine Memories” do AI tạo ra trong vòng 3 giờ đã vượt qua gần 200 đối thủ và giành giải nhì cuộc thi tiểu thuyết khoa học viễn tưởng tại Giang Tô, Trung Quốc vào năm 2023. Điều này cho thấy khả năng của AI trong việc tạo ra các tác phẩm văn học có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trong các cuộc thi uy tín.
Tại triển lãm nghệ thuật bang Colorado, Mỹ vào năm 2022, một tác phẩm do AI tạo ra đã đoạt giải nhất trong hạng mục nghệ thuật kỹ thuật số. Bức tranh “Théâtre D’opéra Spatial” (Nhà hát opera trong không gian) được tạo ra bằng AI Midjourney đã vượt qua nhiều tác phẩm khác và được hội đồng giám khảo đánh giá cao, gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng nghệ thuật về ranh giới giữa nghệ thuật do con người và AI tạo ra.
AI làm việc tốt hơn những người thiếu trách nhiệm và cảm xúc
Những ví dụ trên minh chứng rằng AI đang ngày càng tiến bộ và có khả năng đảm nhận nhiều vai trò trong các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra câu hỏi về việc con người cần phải nâng cao chất lượng và trách nhiệm trong công việc để không bị thay thế bởi công nghệ.
Ngày nay, AI không chỉ vượt qua các bài kiểm tra trắc nghiệm thông minh (IQ), không chỉ viết thơ, vẽ tranh, dạy học, chẩn đoán bệnh… mà còn đang học cách thấu cảm, biết lắng nghe, và hướng đến phụng sự con người.

AI đang học để "thấu cảm", biết dỗ dành, sẻ chia và phản biện
ẢNH: AI
AI đang học để “thấu cảm”. Các mô hình như Pi, Replika, GPT-4o, không chỉ trả lời thông minh mà còn biết dỗ dành, chia sẻ, phản biện như một tri kỷ. AI không có trái tim sinh học, nhưng đang dần có khả năng hiểu và phản hồi với cảm xúc con người.
Trái tim trong nghĩa sinh học, AI chắc chắn không có. Nhưng "tâm", trong nghĩa tinh thần, đạo lý và hướng thiện, lại là điều con người có thể gieo trồng trong quá trình huấn luyện AI. Con người có thể trao truyền đạo lý, lòng nhân ái và cái đẹp cho nhau, thì cũng có thể gieo vào AI những giá trị tốt đẹp nhất của nhân loại.
AI không thể có trái tim như con người, nhưng nó có thể học cách phụng sự những trái tim biết yêu thương và hướng thiện, có thể học từ hàng triệu nhịp đập của lòng nhân ái để trở thành một phần của sứ mệnh chân, thiện, mỹ trong kỷ nguyên mới.
Mặc dù AI không thể sáng tạo thay bạn, không thể đau thay bạn. Không thể hoài nghi, không thể khao khát, không thể tan vỡ hay hàn gắn như con người, nhưng AI đang ngày càng hoàn thiện và làm việc tốt hơn những người thiếu trách nhiệm và cảm xúc. AI không chỉ hỗ trợ mà còn có thể thay thế con người trong nhiều công việc, đặc biệt là khi con người không thực hiện công việc một cách tận tâm và hiệu quả.
Học để trở thành người dẫn đường cho công nghệ
Trong thế giới mà robot có thể vẽ tranh, viết nhạc, làm thơ… thì giáo dục ICT (Informtion and Communication Technologies - công nghệ thông tin và truyền thông) chính là con đường giúp con người không trở thành cái bóng của chính mình, mà trở thành người dẫn đường cho công nghệ.
Học không chỉ để làm nghề, mà để hiểu mình – hiểu người – hiểu vũ trụ. Học để sống có ý nghĩa giữa một thế giới nơi AI có thể mạnh hơn, nhanh hơn, có năng lực sáng tạo, có "tâm" và "tình" được chia sẻ cùng con người.
Chúng ta không chỉ dạy học sinh, sinh viên cách sử dụng máy tính, mà cần huấn luyện tư duy tính toán, tư duy hệ thống, tư duy sáng tạo; không chỉ dạy lập trình, mà phải dạy kỹ năng hợp tác với AI, kiểm tra AI, sáng tạo cùng AI.
AI sẽ không thay thế người giỏi, nhưng sẽ giúp người giỏi vươn xa hơn – và thay thế người không thích nghi.
Trong giáo dục phổ thông, học sinh tiểu học đã có thể tiếp cận AI qua trò chơi lập trình Scratch, qua ứng dụng ChatGPT như một “trợ giảng” biết kể chuyện cổ tích theo phong cách anime hay tranh luận như một triết gia.
Ở ĐH, mọi ngành học, từ y, luật, kinh tế đến nghệ thuật, đều cần nền tảng ICT để khai thác AI một cách có trách nhiệm và sáng tạo. Từ người học công nghệ sang người kiến tạo công nghệ, hướng tới sự tự chủ công nghệ.
Chúng ta cần đào tạo những người lập trình hệ sinh thái AI, chứ không chỉ dùng AI như công cụ; những người đặt câu hỏi lớn cho nhân loại, chứ không chỉ viết code đúng cú pháp; những “kỹ sư đạo đức” biết tích hợp giá trị nhân văn vào thuật toán, biết thiết kế AI không chỉ mạnh mà còn đúng, đẹp và đáng tin cậy.
Trong kỷ nguyên mà mỗi năm là một cuộc cách mạng công nghệ, tốt nghiệp không còn là kết thúc học tập, mà là khởi đầu của hành trình học suốt đời.
AI càng mạnh, ta càng cần giáo dục ICT hướng đến trí tuệ cảm xúc, đạo đức số, và khả năng cộng tác đa ngành, đa văn hóa. ICT không thể chỉ là công cụ kỹ thuật, mà còn là hệ sinh thái nuôi dưỡng sáng tạo, nhân cách và lý tưởng của thế hệ tương lai.