Hướng đến tương lai 'cộng sinh' với AI tạo sinh

Thay vì đối đầu hay thay thế, AI nên được xem là một công cụ hỗ trợ, bổ sung cho khả năng của con người, tạo ra sức mạnh tổng hợp vượt trội…

Hướng đến tương lai 'cộng sinh' với AI tạo sinh- Ảnh 1.

Đây là hình do AI vẽ theo yêu cầu của người sử dụng: Học sinh VN sử dụng AI trong học tập

Trên đây là một phần nội dung do AI Chatbot Gemini viết khi tôi nhập vào câu lệnh: "Viết 1 bài báo khoảng 1.200 chữ về chủ đề cộng sinh với trí tuệ nhân tạo AI".

KHI ĐÔI BÊN ĐỀU CÓ LỢI

Người dùng các ứng dụng AI tạo sinh đều dễ dàng nhận ra dưới mỗi câu trả lời hoặc một "tác phẩm" do AI tạo ra (tranh vẽ, bài hát, dòng code, bài thơ, kịch bản truyền thông, câu chuyện…) đều có 2 nút biểu tượng "câu trả lời tốt" (bàn tay nắm ngón cái giơ lên), "câu trả lời không tốt" (bàn tay nắm ngón cái đưa xuống). Đáng chú ý hơn khi nhấn vào biểu tượng "câu trả lời tốt" trong Gemini, người dùng lại tiếp tục được hỏi: "Tại sao bạn lại đánh giá như vậy?" với một số lựa chọn gợi ý. Tương tự nếu chọn biểu tượng: Câu trả lời không tốt, Gemini cũng hỏi lại "Tại sao bạn đánh giá như vậy với các lựa chọn gợi ý. Sau khi chọn theo gợi ý hoặc ghi vào ý kiến, người dùng sẽ nhận được dòng chữ "Cảm ơn bạn đã phản hồi".

Đây chính là cách để các ứng dụng AI tạo sinh học thông qua trải nghiệm với người dùng mọi lúc, mọi nơi. Nhờ vậy, các câu trả lời, sản phẩm tạo ra từ AI ngày càng trở nên tốt hơn cho người dùng theo đúng nguyên lý "đôi bên cùng có lợi" của mô hình cộng sinh.

KINH NGẠC VỚI… AI

Khi đánh giá năng lực của các ứng dụng AI tạo sinh theo thang nhận thức Bloom với 6 mức độ từ thấp đến cao là Nhớ - Hiểu - Vận dụng - Phân tích - Đánh giá - Sáng tạo thì nỗi sợ về khả năng thông minh hơn con người của AI tạo sinh là có thật.

"Ai có thể đọc ngược bảng chữ cái từ Z đến A?", khi tôi hỏi câu này, gần như 100% những người tham gia đều không dám trả lời, kể cả những thầy cô giáo dạy tiểu học. Vì thế mọi người đều cảm thấy thích thú khi nghe câu trả lời từ các AI Chatbot như Gemini, ChatGPT với câu lệnh được nhập: "Đọc ngược bảng chữ cái từ Z đến A".

Để kiểm tra khả năng nhớ kiến thức của các ứng dụng này, tôi đề nghị các giáo viên (GV) hỏi thêm những kiến thức cơ bản như: 7 hằng đẳng thức đáng nhớ, 3 quy luật cơ bản của vật lý, các nguyên tố trong bảng nguyên tố tuần hoàn. Sau khi được các thầy cô giáo khối tự nhiên xác nhận các câu trả lời đều đúng, các GV khối xã hội cũng công nhận khả năng nhớ của các AI này thuộc dạng "không phải dạng vừa đâu!".

Hướng đến tương lai 'cộng sinh' với AI tạo sinh- Ảnh 2.

Phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức (TP.HCM) là đơn vị đầu tiên cả nước tổ chức chương trình riêng ứng dụng AI cho giáo viên dạy bộ môn nghệ thuật

ảnh: t.m.t

Trong các lớp học, tôi cũng thường nhờ các GV dạy tiếng Anh dịch cụm từ "Canh gà Thọ Xương" sang tiếng Anh. Đáp án thầy cô có thể đưa ra là "Thọ Xương Chicken Soup" (sau thời gian ngập ngừng khá lâu). Trong khi đó, AI Chatbot có thể đưa ra một đáp án phù hợp với bối cảnh của câu ca dao: "Gió đưa cành trúc la đà, tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương": The crowing rooster of Thọ Xương (Tiếng gà gáy báo hiệu canh giờ ở làng Thọ Xương).

Mới đây, trong chương trình đào tạo "Ứng dụng AI trong hoạt động dạy và học dựa trên công nghệ Google" dành cho ban giám hiệu các trường mầm non trên địa bàn Q.10, TP.HCM, tôi hướng dẫn nhập câu lệnh: "Tôi là một hiệu trưởng một trường mầm non ở TP.HCM, Việt Nam, đưa ra 5 lời khuyên giúp tôi có thể lãnh đạo trường học thành công và hạnh phúc trong thời đại trí tuệ nhân tạo". Tóm gọn 5 lời khuyên được đưa ra là: Hiểu và tận dụng AI một cách có chọn lọc trong giáo dục mầm non/Ứng dụng AI vào các hoạt động phù hợp/Đặt con người làm trung tâm - dùng AI như một công cụ hỗ trợ, sử dụng AI một cách có đạo đức và trách nhiệm/Đào tạo và phát triển đội ngũ GV hiểu và có kỹ năng thực hành/Xây dựng mối quan hệ tốt với phụ huynh thông qua việc sử dụng các công cụ AI/Luôn học hỏi và cập nhật sự phát triển của AI. Hầu hết các học viên đều hài lòng với câu trả lời vô cùng nhanh và giá trị này của AI.

Các ứng dụng AI tạo sinh liên tục khiến nhiều người học ở các lĩnh vực ngành nghề khác nhau kinh ngạc. Tuần trước, chủ một nông trại trồng dưa lưới ở An Giang đã thốt lên sung sướng khi nhờ ứng dụng AI Firefly.Adobe.Com vẽ một bức tranh thu hoạch dưa lưới vàng với những người nông dân đội nón lá vào mùa xuân. Một chị trồng rau sạch hữu cơ đang có ý định tuyển một nhân viên để làm truyền thông cho nông trại đã vô cùng hào hứng khi tự mình có thể sáng tác các bài thơ, bài hát, bài viết để quảng bá về nông trại vô cùng nhanh chóng và gần như có thể sử dụng ngay khi biết cách viết những câu lệnh hiệu quả.

Các GV có thể soạn bài dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 rất nhanh lẹ. Nhân viên bán hàng điện thoại thông minh có thể nhờ các chatbot viết kịch bản truyền thông đăng các trang mạng xã hội cho sản phẩm mới, tìm hiểu về khách hàng quan tâm đến những tính năng nào khi mua điện thoại, soạn kịch bản nói chuyện với khách hàng khi giao trễ…

Hướng đến tương lai 'cộng sinh' với AI tạo sinh- Ảnh 3.

Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM) triển khai cho giáo viên và học sinh sử dụng AI trong các tiết học số Google

ẢNH: T.M.T

HÓA GIẢI NỖI SỢ VỚI AI

Tuy nhiên nỗi sợ AI thông minh hơn con người sẽ được hóa giải nếu chúng ta hiểu được có những khía cạnh AI tạo sinh chưa thể làm như sự đồng cảm với những vấn đề của con người, sự sáng tạo mang tính đột phá và sự khéo léo trong những hoạt động chăm sóc của con người. Và quan trọng chính là thái độ cởi mở để sẵn sàng hợp tác, học hỏi và cộng sinh với các ứng dụng AI tạo sinh.

Thực tế sự phát triển của AI tạo sinh những năm gần đây đã cho thấy mối quan hệ cộng sinh giữa con người và AI mang lại vô số lợi ích như: Tăng cường năng suất và hiệu quả công việc, nâng cao khả năng ra quyết định, cá nhân hóa trải nghiệm, giải quyết các vấn đề phức tạp như dự báo thời tiết, phân tích dữ liệu gien hay phát triển thuốc mới, tạo ra những công việc mới: như kỹ sư AI, nhà khoa học dữ liệu, chuyên gia phân tích dữ liệu, nhà đào tạo về AI.

Hiện nay Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành khung năng lực số áp dụng cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Sử dụng AI tạo sinh là một trong 6 miền năng lực trong khung năng lực số đề xuất. Các miền năng lực còn lại là: Khai thác dữ liệu và thông tin; Giao tiếp và hợp tác trên môi trường số; Sáng tạo nội dung số; An toàn; Giải quyết vấn đề. Đây là một trong những giải pháp quan trọng và cần thiết để hướng đến một tương lai tốt đẹp cộng sinh giữa AI và con người.

Một số thách thức

Trong bài báo do chatbot Gemini đề xuất, tôi rất thích đoạn phân tích về những thách thức và giải pháp để hướng đến tương lai cộng sinh với AI như sau:

Mặc dù tiềm năng là rất lớn, mối quan hệ cộng sinh giữa con người và AI cũng đặt ra một số thách thức:

Vấn đề việc làm: Một trong những lo ngại lớn nhất là AI sẽ thay thế con người trong nhiều công việc. Để giảm thiểu tác động tiêu cực này, cần có những chính sách đào tạo lại lực lượng lao động, giúp họ thích ứng với những công việc mới liên quan đến AI.

Vấn đề đạo đức: Việc sử dụng AI cần tuân thủ các nguyên tắc đạo đức, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và trách nhiệm. Cần có những quy định pháp lý rõ ràng để kiểm soát việc sử dụng AI, tránh những hậu quả tiêu cực.

Vấn đề bảo mật dữ liệu: AI hoạt động dựa trên dữ liệu, do đó việc bảo mật dữ liệu là vô cùng quan trọng. Cần có những biện pháp bảo mật mạnh mẽ để ngăn chặn việc lạm dụng dữ liệu cá nhân.

Để xây dựng một tương lai cộng sinh thành công giữa con người và AI, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, bao gồm chính phủ, doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và cộng đồng. Trong đó cần trang bị cho người lao động những kỹ năng cần thiết để làm việc với AI, xây dựng khung pháp lý rõ ràng, khuyến khích nghiên cứu và phát triển AI, tăng cường nhận thức cộng đồng.


Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao