Hàng nghìn giáo viên Hà Nội nguy cơ mất thưởng

Bất cập này xuất phát từ việc ngày 10.12.2024, HĐND TP.Hà Nội thông qua Nghị quyết 46/2024/NQ-HĐND quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên thuộc TP.Hà Nội quản lý.

Hàng nghìn giáo viên Hà Nội nguy cơ mất thưởng- Ảnh 1.

Hàng nghìn nhà giáo ở Hà Nội có nguy cơ không được thưởng theo Nghị định 73 của Chính phủ (ảnh minh họa)

ẢNH: SGD

Với nghị quyết này, rất nhiều giáo viên trên địa bàn Hà Nội, do thành phố quản lý, sẽ không thuộc đối tượng thụ hưởng. Lý do là các đơn vị sự nghiệp giáo dục đang thực hiện thí điểm đặt hàng dịch vụ giáo dục từ năm học 2023 - 2024 bị phân loại thành đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên.

Gần 600 giáo viên đã viết "tâm thư" kiến nghị lãnh đạo thành phố xem xét việc này. Hà Nội hiện có 119 trường THPT thuộc Sở GD-ĐT quản lý được xếp vào diện "tự chủ chi thường xuyên". Ngoài ra, 30 quận, huyện mỗi nơi có khoảng 3 - 9 trường từ mầm non đến THCS được chọn thí điểm đặt hàng dịch vụ giáo dục. Ước tính, ít nhất 200 trường học bị ảnh hưởng.

Thông thường, đơn vị tự chủ có nguồn thu để đảm bảo hoạt động, không dùng ngân sách nhà nước, tùy theo mức độ. Tuy nhiên, các trường được xếp vào diện "tự chủ chi thường xuyên" ở Hà Nội thực ra vẫn được nhà nước đảm bảo kinh phí. Theo đó, các trường được "giao nhiệm vụ" thu học phí, sau đó cấp trên trừ đi số tiền này khi phân bổ dự toán. Trường không được dùng nguồn thu từ học phí để trả lương cho giáo viên, vận hành các hoạt động như những đơn vị tự chủ chi thường xuyên ở lĩnh vực khác.

Trước đó, khi nghị quyết trên còn là dự thảo, cuối tháng 9.2024, UBND H.Phúc Thọ, Hà Nội đã gửi văn bản kiến nghị Sở Nội vụ, Sở Tài chính xem xét lại dự thảo nghị quyết, đảm bảo quyền lợi cho thầy cô. Đơn vị này có 9 đơn vị sự nghiệp lĩnh vực giáo dục đang thực hiện thí điểm đặt hàng, văn bản cho biết: "Về bản chất, các đơn vị thí điểm đặt hàng là đơn vị tự chủ chi thường xuyên không phải do tăng nguồn thu mà do thay đổi hình thức cấp phát từ giao dự toán sang hình thức đặt hàng".

Cũng theo kiến nghị của UBND H.Phúc Thọ, việc không áp dụng chi thu nhập tăng thêm đối với các đơn vị thí điểm đặt hàng sẽ không khuyến khích được các đơn vị tiếp tục thực hiện gây bất cập trong công tác quản lý.

Sở GD-ĐT kiến nghị đảm bảo quyền lợi của nhà giáo

Trao đổi với PV Thanh Niên, thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A (H.Phú Xuyên, Hà Nội), cho rằng, việc hầu hết giáo viên có thể không được hưởng ưu đãi của thành phố sẽ tạo ra sự so sánh trong hàng ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên cùng địa bàn. Chính trong đội ngũ giáo viên cũng có sự phân biệt, những giáo viên công tác trong các trường tiểu học, do theo luật Giáo dục là miễn học phí nên sẽ được hưởng chế độ tăng thu nhập trong khi các giáo viên mầm non, THCS, THPT lại không thuộc đối tượng được hưởng.

Tối 6.1, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết sở đã nhận được thông tin và rất chia sẻ trước tâm tư của giáo viên, khó khăn của các trường vì nếu đưa 10% khen thưởng vào phần tự chủ của các trường thì chắc chắn nhiều trường sẽ không có đủ kinh phí để thực hiện.

"Tôi đã ký văn bản báo cáo, đề xuất với lãnh đạo thành phố để xem xét đảm bảo quyền lợi của nhà giáo", ông Cương thông tin.

Theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1.7.2024, chế độ tiền thưởng thực hiện trên cơ sở thành tích công tác đột xuất và kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của từng người hưởng lương trong cơ quan, đơn vị.

Quỹ tiền thưởng hằng năm nằm ngoài quỹ khen thưởng theo quy định của luật Thi đua, khen thưởng, được xác định bằng 10% tổng quỹ tiền lương (không bao gồm phụ cấp) theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc và cấp bậc quân hàm của các đối tượng trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao