Du học Đức từ 2025 thay đổi ra sao khi thi chương trình giáo dục mới?

Thi chương trình giáo dục mới, du học Đức từ 2025 thay đổi thế nào? - Ảnh 2.

Sinh viên tại giảng đường ĐH Berlin Humboldt, Đức

ẢNH: HUMBOLDT-UNIVERSITÄT ZU BERLIN

Điểm mới khi du học Đức

Theo tin mới nhất từ ANABIN, cổng thông tin được quản lý bởi Văn phòng Trung ương Đức về giáo dục quốc tế (ZAB) thuộc Hội nghị thường trực của các Bộ trưởng Giáo dục và văn hóa (KMK), học sinh tham dự bài thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 buộc phải thỏa mãn hai điều kiện mới được du học Đức khóa dự bị ĐH, từ đó chuyển tiếp vào năm nhất.

Đầu tiên, thí sinh phải dự thi tốt nghiệp THPT hai môn bắt buộc là toán, ngữ văn và hai môn tự chọn trong số 9 môn được quy định (lý, hóa, sinh, sử, địa, tin học, công nghệ, ngoại ngữ, giáo dục kinh tế và pháp luật).

Thứ hai, điểm trung bình 4 môn thi phải từ 6,5 trở lên (không nhân hệ số), không môn thi nào dưới 4 điểm. Đây đều là các quy định đã được áp dụng từ các năm trước, chỉ khác ở số lượng môn thi.

Một điểm mới khác là từ năm học này, thí sinh có thể dùng chứng chỉ ngoại ngữ để thay thế môn thi ngoại ngữ, và các chứng chỉ được phép dùng được quy định trong danh mục ban hành kèm theo Thông tư 24/2024 của Bộ GD-ĐT. Trong trường hợp này, điểm môn thi ngoại ngữ sẽ không được hiển thị, đồng thời điểm trung bình 3 môn thi còn lại phải từ 6,5 trở lên và không môn nào dưới 4 điểm.

Thông tin thêm về cơ hội du học Đức, Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) tại Việt Nam cho biết từ 2023 tới nay, Đức vẫn không yêu cầu thí sinh phải trúng tuyển ĐH mới được học khóa dự bị ĐH ở nước này. Ngoài ra, riêng ở năm nay, DAAD Việt Nam bình luận rằng hiện không quy định những môn thi để học một ngành ĐH nào tại Đức, nhưng "việc này sẽ có ý kiến sau".

Trước đó, trao đổi với Thanh Niên, một số ĐH tại Úc cho biết trường sẽ yêu cầu du học sinh phải có điểm các môn tiên quyết (prerequisite) nếu muốn ứng tuyển ngành học đặc thù. Ví dụ, ĐH Quốc gia Úc yêu cầu các bạn phải có điểm môn hóa trong 3 môn tổ hợp nếu muốn ứng tuyển vào các ngành liên quan đến y và khoa học. Hiện chưa rõ liệu phía Đức có đưa ra yêu cầu tương tự trong tương lai.

Học sinh cần lưu ý gì?

Ngoài ra, DAAD cũng lưu ý sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, người học phải nộp hồ sơ thẩm tra APS (là bộ phận kiểm tra học vấn thuộc Phòng Văn hóa của Đại sứ quán Đức) gồm đơn đăng ký xác minh giấy tờ học; bản sao chứng thực và bản dịch công chứng của Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT hoặc tương đương; bản sao chứng thực và bản dịch công chứng của Giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT; đi cùng đó là lệ phí 150 USD (3,9 triệu đồng).

"Sau khi thẩm tra, nếu sinh viên đạt đầy đủ các yêu cầu sẽ được APS cấp một chứng chỉ số hay một chứng nhận số. Chứng chỉ hay chứng nhận này là một trong những điều kiện để được nhập học tại một trường ĐH của Đức. Các chứng chỉ và chứng nhận sẽ hết hiệu lực sau 3 năm, kể từ ngày cấp chứng nhận/chứng chỉ số", DAAD cho hay.

Trước đó, trong thông cáo hồi cuối tháng 2, DAAD cho biết để thích ứng với áp lực chi phí tăng cao không chỉ tại Đức mà còn trên toàn cầu, cơ quan này sẽ cắt giảm 13 chương trình học bổng và quốc tế hóa các trường ĐH. Đồng nghĩa, mỗi năm sẽ có khoảng 2.500 suất học bổng bị hủy bỏ. Tuy nhiên, Đức vẫn là một điểm đến du học lý tưởng khi những trường ĐH công lập nước này đều miễn học phí cho sinh viên quốc tế.

Theo DAAD, tính tới học kỳ mùa đông năm học 2023-2024, tổng cộng có 379.939 sinh viên quốc tế hiện theo học ở Đức. Trong đó, số lượng du học sinh là người Việt xếp thứ 19 với 5.684 người, chiếm 1,5%. Nhìn tổng thể, 45% du học sinh tới Đức là để học thạc sĩ và 35% là để học cử nhân. Kỹ thuật là nhóm ngành chiếm ưu thế nhất, khi có tới 42% sinh viên quốc tế lựa chọn.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao