Đổi mới thi tốt nghiệp THPT tác động đến dạy học, hướng nghiệp

GIẢM MÔN THI, BUỔI THI, GIẢM SỐ TỔ HỢP MÔN XÉT TUYỂN ĐH

Theo quy chế thi năm 2025, kỳ thi sẽ được tổ chức thành 3 buổi thi, gồm: 1 buổi thi môn ngữ văn, 1 buổi thi môn toán và 1 buổi tổ chức bài thi tự chọn. Thí sinh (TS) dự thi sẽ được sắp xếp theo tổ hợp bài thi tự chọn để tối ưu phòng thi, điểm thi. Như vậy, so với những năm trước, kỳ thi từ năm 2025 giảm 1 buổi thi, 2 môn thi, qua đó giảm áp lực, giảm chi phí xã hội nhưng vẫn bảo đảm chất lượng.

Tuy nhiên, việc giảm số môn thi và chỉ được chọn trong số các môn lựa chọn học tập, dẫn đến giảm số tổ hợp xét tuyển ĐH của TS. Chẳng hạn, có học sinh (HS) đã chọn tổ hợp có môn địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ để học. Tuy nhiên, muốn xét tuyển ĐH, nếu chọn môn lịch sử và địa lý thì chỉ có 3 tổ hợp là văn - sử - địa, toán - văn - sử, toán - văn - địa. Trong đó, 2 tổ hợp sau rất ít trường ĐH sử dụng. Một số HS chọn các môn học gồm lý, hóa, sinh và tin học, quá trình học rất nặng; nhưng khi thi nếu chọn 2 môn lý và hóa thì cũng chỉ được xét tuyển 2 khối A00 và A01, không thể xét tuyển theo khối A00, B00 như trước đây.

ĐIỂM HỌC BẠ LÊN 50%: HƯỚNG NGHIỆP CẦN THỰC HIỆN SỚM TỪ THCS

Việc tăng điểm học bạ tham gia vào điểm xét tốt nghiệp lên 50% và có sử dụng cả điểm trung bình năm lớp 10 và lớp 11, thay vì chỉ dùng lớp 12 là một điểm mới. Điều này có tác động tích cực là đánh giá TS tốt nghiệp THPT toàn diện hơn, kết hợp giữa đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết.

Việc tính điểm trung bình học bạ cấp THPT có sử dụng trung bình học bạ lớp 10 và lớp 11, với trọng số ít hơn, đòi hỏi HS phải học tập tốt ngay từ khi vào lớp 10. Muốn HS đạt kết quả học tập cao, trước hết, trong quá trình tuyển sinh, giáo viên (GV) THPT cần tư vấn cho HS việc chọn tổ hợp môn học phù hợp năng lực và định hướng nghề nghiệp của mình. Đồng thời, nhà trường phải xây dựng kế hoạch nhà trường tốt, để tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá phát triển phẩm chất năng lực đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Đây được coi là một điểm tích cực mới, khác với 50% trước đây.

Đổi mới thi tốt nghiệp THPT tác động đến dạy học, hướng nghiệp- Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với nhiều đổi mới

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Tuy nhiên, điều này đòi hỏi ở trường THCS phải làm tốt 2 nhiệm vụ quan trọng: Đảm bảo đủ điều kiện dạy và học để HS có cơ hội học tập, trải nghiệm ở nhiều môn học khác nhau, qua đó sẽ phát hiện được bản thân mình có năng lực, hứng thú với lĩnh vực nào. Thực hiện giáo dục hướng nghiệp hiệu quả, tìm hiểu, tiếp cận sớm về nghề nghiệp, giúp HS hiểu được bản thân và biết chọn nghề, đồng thời giúp HS xác định được con đường phát triển của mình giữa 2 ngã rẽ: học lên THPT rồi tiếp CĐ hay ĐH, hoặc tham gia học nghề ngay sau tốt nghiệp THCS.

GIẢM ÁP LỰC THI TỐT NGHIỆP, NGUY CƠ TĂNG ĐIỂM HỌC BẠ LỚP 12

Việc tăng tỷ lệ điểm học bạ lên 50% giúp TS giảm áp lực ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, những HS học tập ở mức trung bình nếu cố gắng cũng có thể tốt nghiệp. Những HS có kết quả học tập tốt sẽ yên tâm về vấn đề tốt nghiệp, nên có thể chọn các môn thi theo định hướng nghề nghiệp của mình. Đây cũng là cơ hội để tỷ lệ HS chọn các môn khoa học tự nhiên và công nghệ sẽ tăng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực.

Giảm áp lực về mục tiêu tốt nghiệp sẽ tạo thuận lợi để Bộ GD-ĐT xây dựng đề thi có độ phân hóa, phục vụ cho tuyển sinh ĐH và CĐ. Dự kiến, đề thi tốt nghiệp với 3 mức độ đánh giá năng lực là biết, hiểu và vận dụng, tương ứng tỷ lệ 4-3-3. 70% câu hỏi mức độ biết và hiểu giúp HS dễ có cơ hội tốt nghiệp THPT, còn 30% câu hỏi vận dụng nhằm phân hóa HS khá, giỏi dành cho tuyển sinh ĐH.

Tuy nhiên, việc tăng điểm học bạ lên 50%, theo một số chuyên gia giáo dục sẽ dẫn tới tác động tiêu cực, đó là nguy cơ điểm học tập năm lớp 12 tăng cao. Cùng với đó, việc không cộng điểm khuyến khích chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chứng chỉ/bằng trung cấp nghề đối với HS hệ GDTX, sẽ tác động tích cực đến việc học tập của HS, nhưng cũng sẽ tác động đến việc nâng cao điểm lớp 12 hệ GDTX.

Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, việc tăng điểm học bạ cũng đã từng xảy ra những năm trước, khi điểm học bạ tham gia 50% trong giai đoạn 2015 - 2019.

Đổi mới thi tốt nghiệp THPT tác động đến dạy học, hướng nghiệp- Ảnh 2.

Theo quy chế thi năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức thành 3 buổi thi, gồm: 1 buổi thi môn ngữ văn, 1 buổi thi môn toán và 1 buổi tổ chức bài thi tự chọn.


GIẢI PHÁP HẠN CHẾ TIÊU CỰC

Để phát huy những tác động tích cực và hạn chế tiêu cực đối với những điểm mới của quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025, cần có các giải pháp đồng bộ.

Trước hết, nhà trường, HS, phụ huynh và xã hội cần nhận thức đầy đủ rằng, mọi thay đổi về quy chế thi đều hướng đến nâng cao chất lượng dạy và học, đảm bảo kỳ thi công bằng, khách quan, chính xác hơn, nhưng đồng thời cũng nảy sinh những vấn đề tiêu cực, cần nhận biết để hạn chế tối đa.

Kế đến, Bộ GD-ĐT tiếp tục đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT giữa các địa phương, đặc biệt là đối sánh chênh lệch giữa trung bình điểm học bạ và trung bình điểm thi của các địa phương trong cả nước. Các Sở GD-ĐT, các trường THPT và trung tâm GDTX thực hiện nghiêm túc chủ trương "Học thật, thi thật và chất lượng thật".

Nâng cao chất lượng giáo dục cấp THCS, không chỉ đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện, phổ thông, nền tảng đối với tất cả các môn học mà còn nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp cho HS THCS, coi đây là một giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đầu vào THPT.

Đào tạo giáo viên hướng nghiệp và tập huấn nâng cao năng lực tư vấn nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên THCS, THPT. Các sở GD-ĐT cần thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục hướng nghiệp để giảm khoảng cách vùng miền.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao