Đến năm 2030 giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 31.12.2024 phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, có mục tiêu tổng quát: "Đến năm 2030, giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á và đến năm 2045 đạt trình độ tiên tiến của thế giới".

Đến năm 2030 giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực- Ảnh 1.

Đến năm 2030, giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á

ẢNH: QUANG THÁI

Chiến lược nêu mục tiêu cụ thể đến năm 2030 của từng cấp học. Ví dụ, ở mầm non, tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt 38% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 97% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo. Phấn đấu có 99,5% trẻ em mầm non đến trường được học 2 buổi/ngày; số trẻ em theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục đạt 35%.

Phấn đấu tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 100%; có trên 65% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

Với giáo dục phổ thông, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,5%, cấp trung học cơ sở đạt 97%; tỷ lệ hoàn thành cấp tiểu học đạt 99,7%, trung học cơ sở đạt 99% và hoàn thành cấp trung học phổ thông đạt 95%; tỷ lệ chuyển cấp từ tiểu học lên trung học cơ sở đạt 99,5%, từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông và các trình độ khác đạt 95%; 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.

Phấn đấu tỷ lệ phòng học kiên cố cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông đạt 100%; có 70% trường tiểu học, 75% trường trung học cơ sở và 55% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

Với giáo dục ĐH, chiến lược nêu: số sinh viên ĐH/vạn dân đạt ít nhất là 260, tỷ lệ sinh viên ĐH trong nhóm độ tuổi 18 - 22 đạt ít nhất 33%, tỷ lệ sinh viên quốc tế theo học các chương trình giáo dục ĐH tại Việt Nam đạt 1,5%; tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt ít nhất 40%.

Về giáo dục thường xuyên: Phấn đấu tỷ lệ người biết chữ mức độ 1 trong độ tuổi từ 15 - 60 đạt 99,15%; trong đó tỷ lệ người biết chữ mức độ 1 trong độ tuổi từ 15 - 60 ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 98,85%. Có 90% các tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Phấn đấu có 10 đơn vị hành chính tham gia vào Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO vào năm 2030.

Xây dựng và sửa đổi nhiều luật về GD-ĐT

Chiến lược cũng nêu phải hoàn thiện thể chế, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách về GD-ĐT và các lĩnh vực có liên quan theo hướng khoa học, hiện đại, đồng bộ, liên thông, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế và thực tiễn ở nước ta, tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho phát triển GD-ĐT.

Xây dựng luật Nhà giáo; nghiên cứu đề xuất xây dựng luật Học tập suốt đời; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục, luật Giáo dục ĐH và luật Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo theo hướng Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động sự tham gia hiệu quả của toàn xã hội vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

"Rà soát, hoàn thiện các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng và thuế đối với tất cả cơ sở giáo dục; tạo động lực thúc đẩy hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trong mạng lưới cơ sở giáo dục công lập và tư thục, khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển giáo dục", chiến lược nêu.

Mời bạn đọc xem toàn văn Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 TẠI ĐÂY.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao