THI VÀO LỚP 10 CĂNG THẲNG VÌ TỶ LỆ PHÂN LUỒNG
Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 đặt mục tiêu đến năm 2020 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ khả năng tiếp nhận 30% số học sinh (HS) tốt nghiệp THCS. Trong khi đó, theo Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 (chiến lược) mà Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt, mục tiêu đạt tỷ lệ HS từ THCS lên THPT và các trình độ khác đạt 95%, không đề cập đến tỷ lệ học nghề sau THCS.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn từng chia sẻ về quá trình xây dựng chiến lược trong 2 năm qua, trong đó Bộ GD-ĐT đã lấy ý kiến nhiều lần từ các bộ, ngành về từng chỉ tiêu của chiến lược. Riêng về tỷ lệ phân luồng sau THCS, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng hiện chưa có căn cứ thuyết phục về tỷ lệ này; căn cứ của phân luồng, hướng nghiệp là dựa trên nhu cầu tự nguyện của HS, còn nhà nước phải đảm bảo 100% chỗ học. Do đó, cần giải tỏa cho các địa phương về tỷ lệ phân luồng, hướng nghiệp để đảm bảo đầu tư đủ trường học cho 100% HS.
Vĩnh Phúc nhiều năm qua là địa phương thực hiện chính sách "rắn" về phân luồng sau THCS, thậm chí gây bức xúc, khiếu nại trong nhân dân khi "khoán" phải đạt gần 40% tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS đi học nghề.
Tháng 12.2024, tại Hà Nội, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức phiên họp Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho HS trong các cơ sở giáo dục trung học.
Nhìn lại kết quả triển khai Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 theo Quyết định 522 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo của Bộ GD-ĐT cho thấy tỷ lệ phân luồng HS sau THCS bình quân cả nước là 17,8%. Nhiều tỉnh/thành như Hà Nội, Hải Phòng chỉ đạt dưới 12%. Vĩnh Phúc những năm qua đều đạt trên 30%, là tỉnh nằm trong top 6 cả nước thành tích cao về phân luồng trên 30%.
Ông Nguyễn Phú Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc, cho biết tỉnh đã ban hành kế hoạch đến 2025 tỷ lệ phân luồng HS sau THCS đạt mức 50%. Thực tế, tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS vào học tiếp cấp THPT của tỉnh giảm dần, từ khoảng 70% năm 2019 xuống còn khoảng 63% năm 2024. Điều này đã tạo áp lực rất lớn đối với xã hội trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
Trước bất cập đó, mới đây lãnh đạo tỉnh này đã chỉ đạo Sở GD-ĐT tham mưu, đề xuất sửa một số nội dung liên quan kế hoạch, quyết định về tỷ lệ phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS, theo hướng tăng cơ hội và chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập trên địa bàn.
Phát biểu tại Quốc hội, ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, phân tích: "Thực tiễn cho thấy việc phân luồng 40% HS THCS đi học nghề và 60% tiếp tục học THPT công lập tạo ra áp lực rất lớn cho các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hằng năm. Mỗi năm có khoảng trên 15% HS tốt nghiệp THCS bỏ học, trực tiếp đi lao động và không có việc làm ổn định. Chất lượng đào tạo nghề đối với HS tốt nghiệp THCS còn thấp và tỷ lệ có việc làm không cao. Chỉ tiêu phân luồng 45% HS tốt nghiệp THPT đi học nghề cũng không đạt mục tiêu đề ra vì phần lớn HS đều mong muốn theo học trường đại học và ít đi học nghề.
HS ĐƯỢC QUYỀN TIẾP CẬN GIÁO DỤC THEO NHU CẦU
Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, để giải quyết thực trạng này, cần giảm tỷ lệ phân luồng sau THCS đi học nghề thay vì mục tiêu 30 - 40% như hiện nay. Điều này nhằm tạo điều kiện cho các em được bình đẳng về quyền được giáo dục, học tập trong nhà trường để phát triển toàn diện tư duy, thể chất, giảm tệ nạn xã hội do các em gây ra vì không được giáo dục đầy đủ trong môi trường sư phạm.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho rằng mấu chốt của việc đáp ứng nhu cầu của người dân là hầu hết các gia đình đều muốn cho con có bằng tốt nghiệp THPT và nếu có kỹ năng nghề thì tốt hơn, ngoại trừ một số gia đình không có điều kiện cho con em đi học hoặc các em không có khả năng để theo học ở các cơ sở giáo dục THPT. Khi không có sự phân biệt giữa THPT và trung cấp nghề, đều được gọi là tốt nghiệp trình độ trung học như thực tế trên thế giới, thì điều kiện phân luồng sẽ dễ dàng hơn do hình thành các trường trung học nghề và trung học kỹ thuật (theo Nghị quyết số 686 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu hình thành trường THPT kỹ thuật).
Quốc hội đã nhìn ra vấn đề và điểm mấu chốt cần đa dạng hóa mô hình trường trung học sau lớp 9, tên gọi văn bằng chỉ một mức trình độ là trung học. Kinh nghiệm cho thấy ở Hàn Quốc và Đài Loan những thập niên 1970, 1980, lực lượng lao động trình độ trung học có vai trò then chốt. Đã tốt nghiệp sau trung học thì người học có thể học các lớp đào tạo kỹ năng nghề sau trung học hoặc vào học cao đẳng, không còn cái gọi là tuyển HS trung cấp từ người đã tốt nghiệp trung học như hai thập niên qua.
Ông Vinh cũng cho rằng cần xem lại mục tiêu phân luồng. Trong nền công nghiệp 4.0 thì nền tảng giáo dục phổ thông là rất quan trọng. Chiến lược phát triển giáo dục với tầm nhìn đến năm 2045 rất cần giải quyết được hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực. Nếu cứ phân luồng cứng như lâu nay thì địa phương không đầu tư xây trường THPT, sức ép và căng thẳng trong kỳ thi vào lớp 10 rất lớn. Tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực từ tiểu học, THCS sẽ vì thế mà không thể giải quyết được.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục VN, cho rằng việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho HS từ sớm là cần thiết nhưng đặt mục tiêu 30% hay 40% đều mang tính khiên cưỡng. "Chúng ta phải tôn trọng sở thích, khả năng, hoàn cảnh của từng em, không nên tư vấn, định hướng theo lối áp đặt. Tùy điều kiện, có gia đình nhận thấy hết THCS con cần học nghề để đi làm ngay nhưng cũng có gia đình bày tỏ nguyện vọng cho con học tiếp để về sau rộng đường lựa chọn công việc", ông Lâm chia sẻ.
Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra thực tế vấn đề quản lý đào tạo phổ thông và chương trình học nghề lâu nay có sự bất cập, chồng chéo giữa Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH. Sắp tới, khi việc quản lý dạy nghề được đưa về Bộ GD-ĐT thì hy vọng sẽ tránh được việc phân luồng khiên cưỡng, không bị chia cắt trong quản lý như hiện nay.
Năm 2024, Bộ GD-ĐT và các tỉnh, thành phố thống nhất báo cáo với Thủ tướng sửa Quyết định 522 theo hướng không giao chỉ tiêu phân luồng chung cho các tỉnh thành, mà tùy theo yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của từng địa phương để phân luồng cho phù hợp.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 31.12.2024 phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có mục tiêu tổng quát: "Đến năm 2030, giáo dục VN đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á và đến năm 2045 đạt trình độ tiên tiến của thế giới".
Chiến lược nêu mục tiêu cụ thể đến năm 2030 của từng cấp học. Ở mầm non, tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt 38% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 97% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo. Phấn đấu có 99,5% trẻ em mầm non đến trường được học 2 buổi/ngày; số trẻ em theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục đạt 35%.
Phấn đấu tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 100%; có trên 65% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
Với giáo dục phổ thông, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,5%, THCS đạt 97%; tỷ lệ hoàn thành cấp tiểu học đạt 99,7%, THCS đạt 99% và hoàn thành cấp THPT đạt 95%; tỷ lệ chuyển cấp từ tiểu học lên THCS đạt 99,5%, từ THCS lên THPT và các trình độ khác đạt 95%; 100% HS tiểu học được học 2 buổi/ngày.
Với giáo dục ĐH, chiến lược nêu: số sinh viên ĐH/vạn dân đạt ít nhất là 260, tỷ lệ sinh viên ĐH trong nhóm độ tuổi 18 - 22 đạt ít nhất 33%, tỷ lệ sinh viên quốc tế theo học các chương trình giáo dục ĐH tại VN đạt 1,5%; tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt ít nhất 40%.