Nhiều giải pháp thu hút đầu tư du lịch
Đại diện Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Kiên Giang (KITRA) cho biết, để thu hút đầu tư du lịch, Kiên Giang đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, gắn với định hướng quy hoạch; giới thiệu tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch…và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Song song đó, tỉnh tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử; công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, kế hoạch, dự án tạo điều kiện cho nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt thông tin kịp thời để tận dụng tối đa các cơ hội đầu tư…
Bà Quảng Xuân Lụa, Giám đốc KITRA chia sẻ, thời gian qua, Kiên Giang chú trọng phát triển, hoàn thiện hạ tầng du lịch, hệ thống giao thông kết nối ngoại vùng với các tỉnh, thành khu vực; triển khai xây dựng, đầu tư đồng bộ hệ thống cầu, cảng; hoàn thành xây dựng cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, xây dựng mới cảng hành khách Rạch Giá. Đồng thời, kêu gọi đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Rạch Giá, đầu tư đường cất hạ cánh số 2 và nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc...
Bên cạnh đó, Kiên Giang đẩy nhanh tiến độ trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử, cảnh quan thiên nhiên; phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm, sản phẩm du lịch đêm; phối hợp các đơn vị liên quan, hãng hàng không xúc tiến mở đường bay mới, có đường bay quốc tế.
Nhờ vậy, đến nay theo số liệu báo cáo của Sở Du lịch tính đến hết quý 3 năm 2024, Kiên Giang thu hút 317 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch, với tổng vốn trên 408.000 tỉ đồng, tổng quy mô gần 10.000 ha. Trong đó, 78 dự án đã hoạt động với tổng quy mô 1.321 ha, tổng vốn đầu tư 18.344 tỉ đồng; 85 dự án đang triển khai xây dựng với tổng quy mô 4.512 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 228.716 tỉ đồng...
Theo bà Phạm Thị Như Phượng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Kiên Giang, Kiên Giang là thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư, bởi các chính sách ưu đãi khá tốt về thu hút đầu tư du lịch; quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng rõ ràng, nhất là sự quan tâm của chính quyền trong thời gian gần đây hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc... "Tới đây, Hiệp hội tăng cường kết nối cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thông tin, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư, cơ hội kinh doanh tại tỉnh", bà Phượng nói.
Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển
Xác định nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò then chốt, không chỉ tạo sự khác biệt cho doanh nghiệp mà còn góp phần tăng sức cạnh tranh của du lịch địa phương, qua đó thúc đẩy thu hút đầu tư. Vì vậy, Kiên Giang luôn chú trọng đẩy mạnh các chương trình đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, liên kết với các trường đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý; tập huấn nghiệp vụ du lịch cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn; thường xuyên tổ chức các khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch; thực hiện các chính sách khuyến khích và thu hút nhân tài…
Kiên Giang cũng tập trung cơ cấu lại lao động du lịch, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75% năm 2025 và 90% vào năm 2030; xây dựng đội ngũ lao động du lịch chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
Song song đó, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với cơ sở đào tạo ngành du lịch, đặc biệt các trường cao đẳng, đại học tuyển dụng lao động có trình độ, tiêu chuẩn, kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS). Hình thành mô hình liên kết đào tạo nhà trường - doanh nghiệp - nhà nước - hiệp hội; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp đối tác ở nước ngoài tham gia hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển du lịch bền vững. Tích cực quảng bá du lịch nhằm thu hút đầu tư, gia tăng số lượng đơn vị kinh doanh du lịch, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động…
Theo bà Quảng Xuân Lụa, chất lượng nguồn nhân lực là chỉ số quan trọng mà Kiên Giang đặc biệt quan tâm trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Bởi, chính sự ổn định của lực lượng lao động đóng vai trò rất quan trọng để doanh nghiệp có thể vận hành hiệu quả. Vì vậy, bên cạnh việc đầu tư phát triển hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, chính sách ưu đãi về thuế… Kiên Giang còn xây dựng môi trường sống tốt thông qua các thiết chế giáo dục, y tế, giải trí... để nâng cao chất lượng sống, giúp người lao động yên tâm làm việc lâu dài, nhất là lao động chất lượng cao.
"Song song với giải pháp phát triển nguồn nhân lực, Kiên Giang tập trung giải quyết tốt 3 nhóm vấn đề: Cải cách thủ tục hành chính - Công khai minh bạch - Trách nhiệm giải trình trong thu hút đầu tư. Trong đó, tỉnh yêu cầu người đứng đầu các cấp, các ngành phải năng động, tiên phong trong thực hiện vai trò, trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm tạo môi trường năng động, minh bạch để nhà đầu tư và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh", bà Lụa thông tin thêm.