Nhiều tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm
Với vị trí 3 mặt giáp biển, Cà Mau được xem là vùng bán đảo có giá trị kinh tế, sinh quyển và du lịch cao trong cả nước; đồng thời là 1 trong 4 tỉnh, thành kinh tế trọng điểm của vùng ĐBSCL.
Cà Mau cũng có tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái với trên 100.000 ha rừng tràm, đước ngập nước đặc trưng, đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, được Ban thư ký Công ước Ramsar công nhận là Khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới và là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam.
Nhiều năm qua, ngành du lịch Cà Mau không ngừng đổi mới, cải tiến sản phẩm để thu hút du khách. Tỉnh hiện có nhiều sản phẩm du lịch nổi bật như điểm cực Nam Tổ quốc; tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập ngọt của 2 Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh Hạ; tham quan các di tích lịch sử văn hóa…
Đặc biệt, Cà Mau đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030. Đây là điều kiện thuận lợi, là tiền đề quan trọng trong quá trình phát triển du lịch, nhất là xây dựng hoạt động trải nghiệm.
Lần đầu tiên đến Cà Mau tham quan du lịch, chị Trịnh Thị Tư (ngụ An Giang) cho biết: "Cảnh quan thiên nhiên tại Đất Mũi khiến tôi rất ấn tượng. Các trải nghiệm như đi xuyên rừng đước hoặc bắt cá đồng ở U Minh là những hoạt động thú vị mà ít nơi nào có được".
Cũng theo chị Tư, sở dĩ hoạt động trải nghiệm thu hút du khách khi đến Cà Mau còn nhờ vào sự hào sảng, mến khách của con người nơi đây. Tỉnh cần khai thác mạnh các hoạt động trải nghiệm, lưu trú tại nhà dân.
Phát huy lợi thế
Với lợi thế đa dạng về tài nguyên, Cà Mau hoàn toàn có cơ sở để phát triển những sản phẩm du lịch không trùng lặp. Nhìn chung, du lịch của tỉnh đã và đang phát triển đúng định hướng, thông qua việc phát triển hệ thống với 84 cơ sở lưu trú du lịch với gần 2.700 phòng (trong đó có 15 cơ sở được thẩm định xếp hạng từ 1 đến 5 sao, với 947 phòng và 41 cơ sở được công nhận đủ điều kiện phục vụ khách du lịch với 940 phòng). Toàn tỉnh có 34 khu, điểm và hộ du lịch cộng đồng, 2 khu được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh; 10 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động lữ hành.
Theo Sở VH-TT-DL Cà Mau, năm 2023, lượng khách du lịch đến Cà Mau đạt hơn 2 triệu lượt, tăng gần 24% so với năm 2022; tổng thu đạt 2.908 tỉ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2022. Năm 2024, ngành du lịch Cà Mau phấn đấu đạt hơn 2,3 triệu lượt khách; tổng thu 3.480 tỉ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã đón gần 1,7 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, đạt hơn 70% so kế hoạch năm 2024; tổng thu hơn 2.400 tỉ đồng, tăng hơn 6,5% so cùng kỳ năm 2023.
Để phát triển du lịch, UBND tỉnh Cà Mau đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Hạ; Đề án làng văn hóa du lịch Đất Mũi (xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Một số quy hoạch khác như cụm đảo Hòn Khoai, điểm du lịch sinh thái Đầm Thị Tường, Hòn Đá Bạc… đang triển khai thực hiện.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Cà Mau, cho biết ngành du lịch tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện xúc tiến, quảng bá và hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước, nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh vùng đất, văn hóa và con người Cà Mau với du khách bằng nhiều hình thức.
Cà Mau đang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp cơ sở lưu trú tiêu chuẩn cao có quy mô từ 3 sao trở lên; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ, hướng dẫn các điểm du lịch cộng đồng, xây dựng các sản phẩm du lịch phát huy lợi thế, trở thành đặc trưng của tỉnh.