Thực tế, các chỉ đạo của Thủ tướng đã và đang từng bước được hiện thực hóa mạnh mẽ. Mới đây nhất là việc luật hóa hoạt động lấn biển, mở ra hành trình vươn khơi mạnh mẽ, khai thác không gian biển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Thông đường” chinh phục đại dương
Phát biểu tại lễ khởi công sân bay Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày 10.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận phát triển kinh tế hàng không, hay khai thác không gian vũ trụ là một trong những động lực phát triển mới, góp phần thúc đẩy lực lượng sản xuất mới.
“Gần đây, chúng tôi cũng đang đề nghị đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, chúng ta cần tập trung khai thác không gian vũ trụ, khai thác không gian biển và khai thác không gian ngầm”, Thủ tướng khẳng định. Trước đó, ngày 2.12, tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 do Bộ Công thương phối hợp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức, Thủ tướng cho biết thời gian tới sẽ tập trung phát triển không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ tạo điều kiện cho hạ tầng logistics phát triển mạnh mẽ.
Trong khi các dự án, công trình ngầm, các sân bay mới đang tích cực được chỉ đạo triển khai, thì công cuộc tiến ra đại dương để mở rộng không gian biển cũng đã có dấu ấn đột phá bằng việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động lấn biển.
Cụ thể, luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ 1.8 dành riêng Điều 190 quy định hoạt động lấn biển. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ thực hiện các hoạt động lấn biển; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện hoạt động lấn biển theo quy định pháp luật. Cùng với đó, các Nghị định hướng dẫn cũng đã được ban hành kịp thời để đưa quy định pháp luật vào cuộc sống, “thông đường” tiến ra đại dương, phục vụ phát triển không gian biển.
TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản (VARS) đánh giá, các quy định pháp lý mới này mở ra cho một số địa phương hạn hẹp về quỹ đất, hoặc một số vùng khai thác quỹ đất để phát triển KT-XH, nhằm tạo ra hệ thống hạ tầng mới, thu hút một lượng dân cư nhất định, tạo công ăn việc làm…
Trước đây, việc lấn biển chưa được luật “hoá”, có một thực tế là nhiều địa phương, vì nhu cầu cấp thiết đã triển khai lấn biển để phát triển kinh tế, kết quả là chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật về luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Do đó, nhiều doanh nghiệp, ví dụ như ở các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Ngãi… đã gặp nhiều trở ngại và thiệt thòi. Điều này vô tình biến những người tiên phong thành những đơn vị vi phạm.
Cũng theo ông Đính, khi đã được “mở cửa”, các địa phương lập quy hoạch, lập phương án để sử dụng mặt nước lấn biển, phù hợp chủ trương của nhà nước, đúng với luật pháp thì sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư, thu hút các nhà đầu tư. “Trước đây các doanh nghiệp cũng rất muốn làm, nhưng lo ngại rủi ro về pháp lý. Nay các nhà đầu tư yên tâm hơn, họ sẽ tham gia đầu tư một cách cởi mở”, ông Đính nhấn mạnh.
Cánh cửa rộng lớn để khai thác kinh tế biển
Với hơn 3.000 km đường bờ biển, Việt Nam được đánh giá là giàu tiềm năng để mở rộng không gian biển. Việc tạo hành lang pháp lý kịp thời cho hoạt động lấn biển đã mở cánh cửa rộng lớn để các địa phương khai thác mạnh mẽ không gian biển.
TP.Đà Nẵng vừa đề xuất lấn biển để có thêm dư địa hoàn chỉnh hạ tầng khu thương mại tự do quy mô hơn 2.317 ha, xây dựng tại 10 vị trí. Trước đó, tháng 9 năm nay, khi đi khảo sát khu vực lấn biển làm khu thương mại tự do tại Đà Nẵng, người đứng đầu Chính phủ đã đồng ý về chủ trương cần lấn biển để tạo quỹ đất mới, mở rộng không gian phát triển.
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Phó chủ tịch thường trực Hội Thủy sản việt Nam, Thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng: Đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của Đà Nẵng mà nằm trong khát vọng của cả nước Việt Nam. Cho nên nhu cầu mở rộng không gian biển để tạo dư địa mới cho Đà Nẵng là nhu cầu chính đáng.
“Lấn biển là kịch bản mà Đà Nẵng phải nghĩ đến nhưng lấn ở đâu và không nên tách lấn biển ra khỏi công trình sau lấn biển, bởi vì phải nhìn toàn diện đầy đủ mới thấy hết tác động hay không của công trình”, ông Hồi nhấn mạnh.
Ủng hộ Đà Nẵng lấn biển, ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.Đà Nẵng khẳng định trong chiến lược phát triển biển, hướng biển là một trong những chiến lược rất tốt cho Đà Nẵng để mở rộng, tăng quỹ đất.
Không chỉ Đà Nẵng, lấn biển là bước đi của Cát Bà (Hải Phòng) để có thêm dư địa phát triển du lịch xanh. Theo TS Dư Văn Toán - Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, với quỹ đất phát triển ít ỏi, để thúc đẩy kinh tế và khai thác lợi thế biển đảo, Cát Bà cần nghiên cứu, quy hoạch mở rộng không gian về phía biển, tại những vùng được phép phát triển.
“Khu vực lấn biển có thể gần với khu dân cư hiện hữu, đặc biệt khu vực vịnh trung tâm, cảng cá trung tâm thì hoàn toàn không nằm trong các khu vực ranh giới vùng lõi bảo vệ của Vườn quốc gia Cát Bà hay Khu bảo tồn biển thuộc vịnh Lan Hạ, phù hợp để phát triển”, TS Dư Văn Toán nhận định.
Thông tin mới nhất từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay Việt Nam có khoảng 80 dự án lấn biển tại 19 tỉnh, thành phố đã được triển khai. Nổi bật và tiên phong mở đường phải kể đến TP.Rạch Giá với “khu lấn biển” sầm uất, được đánh giá là kỳ tích phát triển của cả Tây Nam bộ.
Sau thành công từ dự án lấn biển ở TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục thực hiện thêm nhiều khu lấn biển khác. Trong đó, TP.Hà Tiên tăng 224,2 ha diện tích do lấn biển tại khu vực 2 phường Tô Châu, Pháo Đài và xã Thuận Yên, xã Tiên Hải; huyện Kiên Hải lấn biển 15,1ha tại khu vực xã Hòn Tre, xã An Sơn và xã Nam Du.
Một trong bốn đột phá của Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2030 là phát triển hướng biển, mở rộng không gian, lấn biển theo quy định pháp luật, sáng tạo, độc đáo, giàu bản sắc... Đến năm 2030, tổng diện tích đất tự nhiên của Kiên Giang dự kiến tăng thêm hàng ngàn ha nhờ lấn biển. Quan điểm phát triển của Kiên Giang là khai thác hiệu quả lợi thế biển, đảo, vị trí tiếp giáp với Biển Tây để trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia. Theo đó, tập trung phát triển chuỗi đô thị ven biển, hướng biển để kết nối mạnh mẽ các hoạt động kinh tế - xã hội giữa đất liền và hải đảo…
Sau khi có hành lang pháp lý hoàn thiện, có chủ trương về phát triển không gian biển của Chính phủ, chắc chắn nhiều địa phương sẽ tiếp tục tiến ra đại dương để phát triển kinh tế. Nhiều địa phương đã công bố lấn biển quy mô như TP.HCM, Bến Tre…
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Nguyên trưởng Khoa tài chính quốc tế - Học viện Tài chính lưu ý, việc lấn biển cần phải làm bài bản, quy mô, đa chức năng, mang tầm chiến lược dài hạn. Đầu tư bài bản cho dự án lấn biển, cần có nghiên cứu tầm quốc tế, sau đó tìm nhà đầu tư đủ năng lực, tránh giao dự án lấn biển cho các chủ đầu tư không đủ tiềm lực dẫn đến dự án treo thời gian dài, lãng phí tài nguyên, không mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.
Theo các chuyên gia, dù đã được luật hóa, song để khai thác hiệu quả không gian biển, vẫn cần sự vào cuộc với quyết tâm cao nhất của hệ thống chính trị cũng như sự đồng lòng của người dân, sự chung tay của DN. Cùng với không gian ngầm, không gian vũ trụ, việc phát triển không gian biển không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn là chiến lược đột phá để Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới.