Bay Flycam, Drone, UAV thế nào để tránh bị phạt tới 30 triệu?

Bộ Công an cho biết, Nghị định số 144/2021 về việc sử dụng các thiết bị bay không người lái như Flycam, Drone, UAV... quy định chi tiết mức xử phạt khi chưa được cấp phép.

Bay Flycam, Drone, UAV thế nào để tránh bị phạt tới 30 triệu? - Ảnh 1.

Hiện nay, các loại Flycam, UAV hay drone ngày càng phổ biến không chỉ để giải trí, chụp hình quay phim mà còn áp dụng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp

ẢNH: TN

Trường hợp nào được miễn cấp phép bay? 

Theo đó, hành vi sử dụng tàu bay không người lái hoặc phương tiện bay siêu nhẹ chưa được đăng ký cấp phép bay hoặc tổ chức các hoạt động bay khi chưa có giấy phép hoặc đã đăng ký nhưng điều khiển bay không đúng thời gian, địa điểm, khu vực, tọa độ, giới hạn cho phép sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng.

Đối với hành vi thực hiện hoạt động bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ không đúng nội dung trong giấy phép bay do cơ quan có thẩm quyền cấp, phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng.

Mức cao nhất, phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi thực hiện hoạt động bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ khi chưa có phép bay do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Phạt đến 30 triệu khi bay Flycam chưa được cấp phép

Ngoài ra, còn có hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tước quyền sử dụng phép bay từ 3 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm.

Về các trường hợp được miễn cấp phép bay, Bộ Công an cho biết, căn cứ khoản 3, Điều 30 luật Phòng không nhân dân hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025, tàu bay không người lái, phương tiện bay khác thuộc một trong các trường hợp sau đây được miễn cấp phép bay:

Thứ nhất, hoạt động ngoài khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay, phạm vi hoạt động trong tầm nhìn trực quan bằng mắt thường, có trọng lượng cất cánh tối đa nhỏ hơn 0,25 kg để phục vụ vui chơi giải trí;

Thứ hai, hoạt động trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ tính mạng, tài sản của tổ chức, cá nhân theo quyết định của cấp có thẩm quyền nhưng phải thông báo đến cơ quan quản lý hoạt động bay trước khi bay.

Về thủ tục và hồ sơ xin cấp phép sử dụng các thiết bị bay không người lái tại Việt Nam, quy định như sau:

Cá nhân, tổ chức có nhu cầu cấp phép sử dụng tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ nộp hồ sơ chậm nhất 7 ngày làm việc.

Cấp phép trong vòng 5 ngày

Trước ngày dự kiến tổ chức thực hiện các chuyến bay, các tổ chức, cá nhân nộp đơn đề nghị cấp phép bay đến Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng (nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa Bộ Quốc phòng hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích đến Cục Tác chiến, số 1 Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội hoặc nộp trực tuyến trên cổng dịch vụ công Bộ Quốc phòng).

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, Cục Tác chiến cấp phép tổ chức thực hiện các chuyến bay hoặc ra văn bản từ chối cấp phép bay (trong các trường hợp để đảm bảo an ninh, quốc phòng, an toàn hàng không và khi chưa cung cấp đầy đủ thông tin quy định trong đơn đề nghị cấp phép bay).

Trường hợp có vướng mắc hoặc cần được hướng dẫn trong quá trình nộp hồ sơ, đề nghị công dân/tổ chức liên hệ Cục Tác chiến qua số điện thoại 0987567606 để được hỗ trợ.

Để thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng tàu bay không người lái và các phương tiện bay khác trong vùng trời Việt Nam, ngày 15.6.2025, Bộ Quốc phòng đã chính thức công bố khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay khác.

Người dân truy cập vào địa chỉ http://cambay.mod.gov.vn để cập nhật thêm thông tin.

Thành phần hồ sơ xin cấp phép bay gồm:

Đơn đề nghị cấp phép bay;

Ảnh chụp tàu bay, phương tiện bay (kích thước tối thiểu 18 x 24cm);

Bản thuyết minh kỹ thuật hàng không của tàu bay, phương tiện bay;

Giấy phép hoặc giấy ủy quyền hợp pháp cho phép tàu bay, phương tiện bay thực hiện cất, hạ cánh tại sân bay, khu vực trên mặt đất, mặt nước;

Các giấy tờ, tài liệu khác liên quan đến tàu bay, phương tiện bay.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao