Tiết kiệm điện, không phải tiếc tiền mà là nghĩ đến người khác

Thời ấy, trẻ con tụi tôi không có điện thoại, không tivi, chẳng có sách báo gì nhiều, chỉ biết kéo nhau ra sân, nằm dài dưới tán cây, nghe tiếng lá xào xạc mà quên đi cái nóng bức.

Cả nhà ngồi lại ở hiên nhà, tay phe phẩy quạt mo, miệng kể chuyện nghe ve kêu râm ran và mong trời đổ cơn mưa. Lũ trẻ tụi tôi chẳng có điện thoại, cũng chẳng có tivi hay truyện tranh để giết thời gian. Mỗi lần cúp điện, cả đám lại rủ nhau ra vườn, chạy chân đất trên nền đất nóng, rồi cùng nhau nằm dài dưới tán cây sau nhà.

Tiết kiệm điện, không phải tiếc tiền mà là nghĩ đến người khác - Ảnh 1.

Tán cây sau nhà mát rượi che mát tuổi thơ tôi

Ảnh: TGCC

Chỉ cần một cơn gió nhẹ lướt qua cũng đủ để thấy dễ chịu. Có hôm, mệt quá mà ngủ quên lúc nào không biết. Tối đến, ba mẹ phải ra gọi, rồi dắt từng đứa vào nhà trong ánh đèn pin leo lét. Tôi còn nhớ như in cái cảm giác một hôm mất điện, trời lại bất ngờ đổ mưa. Cả nhà reo lên sung sướng như... lượm được vàng.

Không quạt, không đèn, nhưng gió trời mát rượi thổi qua, làm bữa cơm rau đậu cũng trở nên ấm áp lạ thường. Hồi ấy, trời mưa, bóng râm, từng giọt nước, từng ngọn gió... đều là điều đáng quý. Mất điện mà gặp hôm trời mát là một điều may mắn. Còn nếu nóng quá, không có điện thì chỉ biết chịu.

Sống nơi đầy đủ, tôi càng nhớ quê nhà, nhớ những ngày mất điện

Bố mẹ tôi là nông dân. Một nắng hai sương, nhọc nhằn từng ngày. Ấy vậy mà, với con cái, ông bà chẳng tiếc điều gì (trừ... điện). Tôi không nhớ chính xác mình bắt đầu hiểu hai chữ "tiết kiệm điện" từ khi nào. Có lẽ là từ những lần bị mẹ nhắc đi nhắc lại: “Ra khỏi phòng nhớ tắt điện nghe con.” Hay những chiều ba đi làm đồng về, mồ hôi còn chưa khô, đã đảo mắt nhìn quanh xem còn quạt nào đang chạy mà không ai dùng".

Ở quê, đồng tiền làm ra chẳng dễ dàng. Người nhà quý từng đồng tiền điện phải trả mỗi tháng, nên sử dụng cái gì cũng phải chừng mực. Mẹ bảo: “Tiết kiệm điện, không phải tiếc tiền, mà phải biết nghĩ đến người khác, nghĩ đến sau này”.

Sau này tôi lên thành phố học, rồi đi làm. Cuộc sống đủ đầy, tiện nghi hơn. Điện có quanh năm, mưa gió cũng không lo cúp. Nhưng càng sống nơi đầy đủ, tôi lại càng nhớ quê nhà - nhớ những ngày mất điện, những buổi chiều cả xóm ngồi ngoài sân hóng gió, và những tán cây như chở che cả tuổi thơ tôi.

Cũng nhờ sống trong cảnh thiếu điện mà tôi hình thành thói quen tiết kiệm điện như một phản xạ tự nhiên. Ra khỏi phòng là tắt đèn. Không dùng thì rút sạc. Quạt, máy lạnh dùng vừa đủ, không bật cả ngày. Không phải vì tiếc, mà vì tôi hiểu: điện là tài nguyên, và tài nguyên thì không phải là vô tận.

Tiết kiệm điện, không phải tiếc tiền mà là nghĩ đến người khác - Ảnh 2.

Mỗi lần mất điện, quạt đứng yên, cả nhà nằm lặng thinh dưới gốc cây ở sân, lấy mo cau quạt nhau ngủ trưa

Ảnh: TGCC

Tiết kiệm điện, không phải tiếc tiền mà là nghĩ đến người khác - Ảnh 3.

Hướng dẫn người dân tải app EVNHCMC để theo dõi việc sử dụng điện cho tiết kiệm, hiệu quả

Ảnh: EVNHCMC

Mỗi khi nhìn thấy ai đó bật đèn giữa ban ngày, để máy lạnh mà mở cửa phòng, hay quên tắt bếp điện, tôi lại thấy chạnh lòng. Có lẽ vì họ chưa từng sống trong cảnh thiếu thốn, chưa từng phải trải qua cảm giác cố gắng lăn lộn để nhắm mắt ngủ được cho quên đi cái nóng giữa trưa hè oi bức mà không có điện. Nhưng tôi tin: nếu ai cũng một lần trải qua như tôi, họ sẽ hiểu. Tiết kiệm điện không phải là chuyện nhỏ. Đó là cách ta sống có trách nhiệm hơn với chính mình, với cộng đồng và với môi trường.

Tôi nói ra không phải để so sánh thế hệ trước với thế hệ bây giờ, mỗi thời đại một cách sống, một lối suy nghĩ khác, chỉ mong rằng tất cả chúng ta đều hiểu được tầm quan trọng và trân quý điện, sống tiết kiệm để giúp ích cho chính mình và cuộc sống.

130 triệu đồng tiền thưởng và quà hấp dẫn đang chờ chủ nhân

Tiếp nối thành công của 2 mùa trước, cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen lần 3 An toàn - Tiết kiệm kinh nghiệm sẻ chia năm nay mở rộng thông điệp: Sử dụng điện tiết kiệm, an toàn để ngăn ngừa tai nạn, phòng chống cháy nổ.

Chúng tôi tìm kiếm những câu chuyện chân thật, kinh nghiệm hữu ích, sáng kiến hay từ chính cuộc sống, hộ gia đình, cơ quan - để cùng lan tỏa hành vi sử dụng điện thông minh, bền vững và an toàn.

Thời gian nhận bài: Từ ngày 22.4 đến 22.7.2025.

Gửi bài qua email: [email protected].

Hoặc gửi bưu điện về: Tòa soạn Báo Thanh Niên, 268-270 Nguyễn Đình Chiểu, phường Xuân Hòa, TP.HCM.

(Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thể lệ chi tiết: Xem tại thanhnien.vn.

Tiết kiệm điện, không phải tiếc tiền mà là nghĩ đến người khác - Ảnh 4.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao