Khi 'hai ta' chung một nhà
Sáng qua 1.7, bộ máy hành chính từ cấp xã đến cấp tỉnh của tỉnh Quảng Trị mới chính thức vận hành, 2 địa phương Quảng Bình - Quảng Trị hòa làm một với cái tên tỉnh Quảng Trị mới.

Ông Trần Minh Tâm chia sẻ rằng trước khi sáp nhập, người dân tại 2 địa phương luôn có sự gắn kết trong đời sống, sinh hoạt và có nhiều điểm tương đồng về văn hóa
ẢNH: BÁ CƯỜNG
Ở vùng giáp ranh 2 tỉnh Quảng Trị cũ và Quảng Bình cũ, từ lâu người dân đã sinh sống với tinh thần quý mến, hỗ trợ với tình cảm đặc biệt "nơi cọng rau khoai bò qua 2 tỉnh".
Ông Trần Minh Tâm, 66 tuổi, trú tại xã Sen Ngư, Quảng Trị (trước đây là xã Sen Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình cũ) mở quán ăn ở trên đường QL1, hàng chục năm qua nguồn nguyên liệu buôn bán đều mua ở tỉnh Quảng Trị cũ.

Quán ăn của ông Tâm dọc QL1 gần đây thường được các cán bộ, công chức ở tỉnh Quảng Trị cũ ghé dừng nghỉ ngơi, ăn uống
ẢNH: BÁ CƯỜNG
"Tôi thường đi chợ Hồ Xá thuộc TT.Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh cũ. Từ nhà tôi di chuyển vào đó thuận tiện hơn và cũng đa dạng các mặt hàng hơn. Ngược lại, người dân tỉnh Quảng Trị cũ mỗi khi đi ra Bắc rất hay ghé quán của tôi làm một bát cháo gà, ngắm phong cảnh hữu tình của Bàu Sen", ông Tâm chia sẻ.
Ông Tâm từng trải qua thời kỳ tỉnh Bình Trị Thiên tách ra thành 3 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình. So với thời điểm đó, hiện nay mọi điều kiện, phương tiện, cơ sở vật chất... khá đầy đủ. Ngoài việc sống đoàn kết, giúp đỡ nhau thì mọi thứ liên quan đến thủ tục hành chính đã quá thuận tiện cho người dân.

Chợ Hồ Xá là nơi được người dân xã Sen Thủy cũ chọn làm nơi giao thương
ẢNH: BÁ CƯỜNG
Bà Nguyễn Thị Tuyến, 50 tuổi, trú xã Vĩnh Linh (trước là xã Vĩnh Chấp, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị cũ) bày tỏ niềm vui trong ngày đầu tiên vận hành bộ máy chính quyền mới.
"Trước giờ, người dân 2 địa phương đã luôn dành cho nhau những tình cảm đặc biệt. Ngày hôm nay, chúng tôi lại về chung một nhà. Hy vọng không chỉ ở vùng giáp ranh mà bất cứ đâu ở tỉnh Quảng Trị mới vẫn sẽ có những sự đoàn kết, hỗ trợ và yêu thương nhau của cán bộ, nhân dân", bà Tuyến bày tỏ.
Kỳ vọng của người dân đặc khu Cồn Cỏ
Cách đó vài chục cây số về hướng đông, người dân tại đặc khu Cồn Cỏ (trước là huyện đảo Cồn Cỏ) cũng vui mừng trong ngày đặc biệt của đất nước nói chung với với vùng đảo xa xôi nói riêng.

Cán bộ, nhân dân đặc khu Cồn Cỏ tham dự trực tuyến lễ công bố các quyết định về sáp nhập tỉnh được tổ chức sáng 30.6
ẢNH: BÁ CƯỜNG
Chị Hồ Minh Cần (35 tuổi) đã có hơn 8 năm sinh sống tại đặc khu Cồn Cỏ. Với chị, Cồn Cỏ tuy diện tích nhỏ nhưng là một địa điểm du lịch nổi tiếng, được du khách biết đến như là một viên ngọc xanh của vùng đất lửa Quảng Trị.
"Chúng tôi kỳ vọng khi trở thành đặc khu, ngành du lịch, kinh tế sẽ phát triển mạnh, đời sống người dân khấm khá hơn. Cồn Cỏ sẽ ghi dấu mạnh mẽ hơn nữa trên bản đồ du lịch cả nước", chị Cần chia sẻ.

Đặc khu Cồn Cỏ được thành lập với nhiều kỳ vọng sẽ vươn mình phát triển, đặc biệt là phát triển du lịch biển
ẢNH: BẢO KHÁNH
Với việc trở thành đặc khu duy nhất của tỉnh Quảng Trị mới, người dân ở Cồn Cỏ kỳ vọng thời gian tới sẽ có các chính sách hỗ trợ phát triển đặc biệt liên quan đến kinh tế biển, du lịch, hậu cần nghề cá, hạ tầng dân sinh... để đời sống kinh tế ngày càng đi lên, cuộc sống bà con trên đảo ngày càng tốt hơn.