Như Thanh Niên đã thông tin, Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM (HIDS) vừa hoàn thiện dự thảo cuối cùng của đề án "Chuyển đổi xe 2 bánh từ xe xăng sang xe điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM". Đây là một phần trong đề án kiểm soát khí thải chung của TP.HCM do Sở Xây dựng chủ trì.
Trong đó, từ 2026 chỉ xe điện mới được chạy xe công nghệ và giao hàng tại TP.HCM là một trong những giải pháp đang được đơn vị nghiên cứu đề xuất nhằm thực hiện chương trình chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe máy điện cho lực lượng tài xế công nghệ, giao hàng ở TP.HCM.

Tại TP.HCM, xe xăng được tài xế công nghệ, shipper sử dụng phổ biến
ẢNH: CAO AN BIÊN
"Chắc phải đầu tư..."
Ông M.Giàu, một tài xế xe ôm công nghệ sống ở phường Vĩnh Hội (Q.4 cũ) cho biết những ngày qua, ông đọc tin trên mạng xã hội biết được đề xuất từ năm 2026 chỉ xe điện mới được chạy xe công nghệ và giao hàng tại TP.HCM nên khá bất ngờ. Không chỉ ông mà nhiều đồng nghiệp khác cũng quan tâm, bàn tán sôi nổi về thông tin này.
Làm tài xế mưu sinh nhiều năm nay, ông Giàu chạy xe xăng nên trước thông tin trên, ông có phần lo lắng. "Đó giờ tôi toàn chạy xe xăng, cái xe cùi bắp không có bao nhiêu tiền. Nếu theo đề xuất, từ năm sau mình phải đổi thành xe điện thì cũng khá gay go, chạy xe ôm làm ngày nào ăn ngày đó, nuôi 3 đứa nhỏ thì tiền đâu mua xe điện đi làm", ông bày tỏ.
Tài xế công nghệ này cho biết thêm gia đình ông có 5 người, ông sống cùng vợ và 3 con gái. Trong đó, con gái lớn của ông vừa tốt nghiệp đại học, con gái nhỏ nhất 6 tuổi. Gia đình ông có 3 chiếc xe máy, đều là xe xăng.

Các tài xế đang dùng xe điện chở khách không quá lo lắng với đề xuất mới
ẢNH: CAO AN BIÊN

Nhiều shipper giao hàng cũng quan tâm tới đề xuất từ 2026 chỉ xe điện mới được chạy xe công nghệ và giao hàng tại TP.HCM
ẢNH: DƯƠNG LAN
Nếu phải chuyển đổi từ xe máy sang xe xăng, tài xế dự định có thể bán xe máy, tích cóp hoặc vay mượn thêm để mua xe điện. Dù vậy, ông cũng khá lo lắng khi đã quá quen với việc chạy xe xăng từ trước tới nay nên không biết nếu đổi sang xe điện, ông sẽ sạc điện thế nào, có tiết kiệm kinh phí hơn không.
Anh Gia Huy, một shipper ở khu vực phường Bình Đông (Q.8 cũ) cũng chạy xe xăng để làm việc. Đề xuất chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện vào năm sau được chàng trai trẻ quan tâm đặc biệt, thường xuyên cập nhật thêm tin tức trên báo chí và mạng xã hội vì liên quan trực tiếp tới công việc đã gắn bó gần 1 năm nay.
"Thực ra mình có ý định mua xe mới thời gian tới, nhờ tiền tích cóp cũng như sự hỗ trợ từ gia đình và xe mình định mua cũng là xe xăng. Tuy nhiên với đề xuất này, mình đang xem lại, tình hình chắc phải đầu tư mua xe điện. Cũng may là chưa mua xe, chứ mua rồi mà năm sau chuyển đổi không được giao hàng bằng xe xăng nữa thì cũng kẹt", anh chia sẻ.
Dành tiền mua xe điện
Bà Nguyễn Thị Thu Hà (47 tuổi) ở phường Tân Phú (Q.Tân Phú cũ) là tài xế công nghệ từ năm 2018. Bà cho biết những ngày này công ty và các đồng nghiệp cũng thông báo về đề án chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM.

Bà Hà làm xe ôm công nghệ nhiều năm nay
ẢNH: PHAN DIỆP
"Nếu thời gian tới đề án này được áp dụng, tôi sẽ dùng tiền tiết kiệm mua xe điện mới để tiếp tục đi giao hàng và chở khách. Tôi không thể bỏ việc vì chi phí sinh hoạt cho bản thân và gia đình phụ thuộc vào thu nhập chạy xe. Dù có thể sẽ khó khăn ban đầu, tôi đành chấp nhận, suy nghĩ lạc quan chạy xe một thời gian sẽ có đủ tiền mua xe điện mới còn xe máy đang chạy xăng sẽ gửi về quê để con trai sử dụng", bà Hà cho hay.
Bà Hà có 2 con trai. Nữ tài xế và chồng không còn ở với nhau khi con trai út mới 3 tuổi. Hiện con trai đầu của đã 20 tuổi, có thể tự lập. Còn con út bà gửi nhờ ba mẹ chồng chăm sóc. Không được ở gần con, người mẹ cố nén nỗi nhớ làm xe ôm công nghệ để kiếm tiền gửi về nuôi con.
Anh Thái Anh Thắng, tài xế công nghệ ở khu vực phường Hòa Hưng (Q.10) cũ cho hay, bản thân có chút bất ngờ với đề án kiểm soát khí thải chung. "Tôi nghĩ sẽ cần thêm thời gian dài nữa dự thảo mới được triển khai vì hiện giờ phần lớn tài xế công nghệ đang chạy xe xăng.

Một số tài xế đang chạy xe xăng cho biết họ có kế hoạch mua xe điện nếu đề xuất được áp dụng
ẢNH: DƯƠNG LAN
Tôi cũng chưa nghĩ đến việc thay đổi công việc, khi nào áp dụng sẽ tính đến phương án phù hợp với kinh tế. Tôi chưa bao giờ chạy xe điện hay nghĩ đến chuyển sang loại phương tiện này nên không biết giá cả như thế nào, cách sạc pin ra sao", anh Thắng nói.
Lộ trình cấm xe máy xăng công nghệ: 400.000 tài xế sẽ chuyển đổi ra sao?
Theo Theo Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM, nếu TP thay thế toàn bộ khoảng 400.000 xe máy xăng của các tài xế bằng xe máy điện, lượng khí CO2 có thể giảm tới 750 tấn trong vòng 5 năm, đồng thời giảm đáng kể NOx và bụi mịn PM2.5, góp phần cải thiện chất lượng không khí đô thị. Một xe điện 2 bánh chỉ tiêu tốn từ 3.000 - 5.000 đồng cho mỗi lần sạc, đủ cung cấp năng lượng di chuyển từ 50 - 80 km, thấp hơn đáng kể so với chi phí xăng dầu. Ngoài ra, cấu trúc đơn giản của xe điện giúp giảm chi phí bảo trì so với xe xăng, mang lại lợi ích kinh tế lâu dài.
Sau khi đã cân bằng cả chi phí vận hành và chi phí khấu hao của hai loại xe, HIDS tính toán tài xế sẽ tiết kiệm được từ 300.000 đồng - 400.000 đồng hàng tháng nhờ chuyển sang xe điện. Sau một năm, khoản tiết kiệm này có thể lên đến gần 5 triệu đồng. Thêm vào đó, công nghệ pin lithium-ion hiện nay đang phát triển một cách nhanh chóng. Nhờ vậy, dung lượng pin và tuổi thọ pin đang không ngừng được cải thiện. Vì thế, trong tương lai lâu dài, người sử dụng xe nói chung và tài xế công nghệ nói riêng sẽ được hưởng lợi về mặt kinh tế, thậm chí có thể hoàn vốn mua xe điện sau vài năm.