Phim Việt đầu tư lớn cho cổ phục

CỔ PHỤC VIỆT ĐƯỢC TÔN VINH

Phim Cám từng gây ấn tượng với phần đầu tư trang phục, như nhà sản xuất Hoàng Quân khẳng định: trang phục đóng vai trò then chốt trong việc tái hiện một không gian bán sử thi, đậm chất Việt. Không chỉ với dàn nhân vật đa tầng lớp như dân quê, quan lại, cung nữ hay các thành viên hoàng tộc, phim còn có những đại cảnh quy tụ hàng trăm diễn viên quần chúng, kéo theo khối lượng phục trang đồ sộ, đòi hỏi sự chỉn chu cao độ. Theo tiết lộ của nhà sản xuất, điểm nhấn nằm ở bộ trang phục tiến cung của Tấm và của Thái tử - vốn được chuẩn bị trong gần nửa năm, từ khâu thiết kế, chọn chất liệu cho tới thêu thùa thủ công. Mỗi bộ gồm nhiều lớp áo, lớp trong là Giao lĩnh, ngoài là Đối khâm, kết hợp các phụ kiện truyền thống như Vân kiên, Tế tất. Đây không chỉ là nỗ lực phục dựng cổ phục mà còn là hành trình sáng tạo trên tinh thần tôn trọng lịch sử.

Phim Việt đầu tư lớn cho cổ phục- Ảnh 1.
Phim Việt đầu tư lớn cho cổ phục- Ảnh 2.
Phim Việt đầu tư lớn cho cổ phục- Ảnh 3.
Phim Việt đầu tư lớn cho cổ phục- Ảnh 4.
Phim Việt đầu tư lớn cho cổ phục- Ảnh 5.

Một số hình ảnh về cổ phục trong phim Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu

ẢNH: NSX

Hay Linh miêu: Quỷ nhập tràng lấy bối cảnh cuối thời phong kiến - một giai đoạn đặc biệt khi văn hóa truyền thống và yếu tố hiện đại giao thoa mạnh mẽ. Phục trang vì thế phải "gánh" trọng trách phản ánh sự chuyển động của xã hội qua nhân vật. Với hơn 200 bộ trang phục được đầu tư trên 600 triệu đồng, phim đã tạo nên sự đa dạng thẩm mỹ rõ nét. Nhân vật Mỹ Kim - đại diện cho lớp trí thức trẻ nữ tính nhưng không bị ràng buộc hoàn toàn bởi chuẩn mực xưa - sở hữu chuỗi phục trang biến hóa từ áo dài truyền thống đến các kiểu âu phục, thể hiện nội tâm và sự đấu tranh cá nhân của nhân vật qua trang phục.

Trong phim Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu sẽ khởi chiếu vào dịp 30.4 năm nay, nhà sản xuất cũng vừa hé lộ sự đầu tư "khủng" cho cổ phục. Đây cũng là một trong những bộ phim hiếm hoi đưa cổ phục VN lên màn ảnh rộng với quy mô gần 1.000 bộ may mới hoàn toàn, tất cả đều được nhuộm tay, tẩy vải, xử lý để tạo độ "cũ" hợp thời. Đoàn phim đã chủ động xây dựng một hệ thống trang phục tôn trọng hoàn cảnh và bối cảnh xã hội thời nhà Nguyễn. Theo chia sẻ của nhà sản xuất - diễn viên Đinh Ngọc Diệp, có thể thấy sự phân cấp trang phục trong phim thể hiện rõ rệt giữa các tầng lớp: từ dân thường mặc áo tứ thân, đến giới quý tộc với áo ngũ thân lụa, nón quai thao, khăn đóng... Không chỉ tạo nên lớp mỹ thuật hoàn chỉnh, phục trang còn góp phần khắc họa tâm lý và địa vị nhân vật trong mạch truyện, góp phần nâng cao nhận thức của khán giả về di sản văn hóa mặc VN.

Chia sẻ với PV Thanh Niên về lý do đầu tư lớn cho trang phục, đạo diễn Victor Vũ cho rằng: "Một trong những sức hút lớn nhất của phim cổ trang chính là trang phục. Nên từ đầu tôi mặc định là phải đầu tư tốt vào phần phục trang và nghiên cứu rất kỹ. Tuy đây không phải là phim lịch sử, nhưng câu chuyện có liên quan vấn đề văn hóa nên phải cân đối và cân nhắc cái gì là hư cấu, cái gì là thật. Tôi đã làm hơn 5 phim cổ trang, càng làm thì càng thấy cổ phục VN rất đẹp và phong phú. Qua việc đầu tư về phục trang, tôi mong cổ phục Việt được tôn vinh và khán giả sẽ có cơ hội để hiểu thêm về những nét văn hóa ở một thời kỳ".

NHIỀU THÁCH THỨC KHI TÁI DỰNG CỔ PHỤC

Có thể nói, việc đầu tư cho trang phục trong phim có thể trở thành yếu tố dẫn dắt cảm xúc, tăng chiều sâu không gian, hỗ trợ diễn xuất và tạo ra hiệu ứng thị giác mạnh mẽ. Và để đầu tư cho phục trang cổ trong phim Việt không đơn thuần là câu chuyện về may đo, mà là một hành trình công phu đòi hỏi sự kết hợp giữa nghiên cứu văn hóa, kỹ thuật thủ công và tư duy thẩm mỹ điện ảnh. Điều này đặc biệt trở nên thử thách khi các đoàn phim phải tái dựng cổ phục VN - một di sản vốn phong phú nhưng lại thiếu thống nhất về hình ảnh tư liệu.

Phim Việt đầu tư lớn cho cổ phục- Ảnh 6.
Phim Việt đầu tư lớn cho cổ phục- Ảnh 7.

Phim Cám gây ấn tượng với cổ phục

Giám đốc mỹ thuật Ghia Ci Fam của phim Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu cho biết mỗi bộ trang phục được xây dựng từ bước lựa chọn chất liệu, màu sắc đến cắt may thủ công, tất cả đều dựa trên nghiên cứu tư liệu như bộ sách Kỹ thuật của người An Nam và các công trình về triều Nguyễn. Ông Ghia nhấn mạnh: "Chúng tôi phải làm cũ từng bộ đồ một cách thủ công: nhuộm, làm sờn vải, xử lý theo công việc và tâm lý nhân vật… để trang phục lên hình vừa thật, vừa có chiều sâu. Bên cạnh đó, việc giữ sự tương hợp trang phục giữa các cảnh quay cũng là thử thách không nhỏ, nhất là với các đại cảnh cần phục trang số lượng lớn trong thời gian ngắn. Điều này đòi hỏi tổ phục trang phải phối hợp chặt chẽ và kiểm soát chi tiết đến từng phụ kiện, vết bẩn hay cả nếp gấp trên áo quần".

Trong khi đó, Giám đốc mỹ thuật Hứa Mẫn của phim Linh miêu: Quỷ nhập tràng cho biết khó khăn đến từ chính điều kiện quay phim, khi thời tiết miền Trung nắng nóng: "Phục trang truyền thống thường có nhiều lớp, đặc biệt là trang phục nữ với áo dài, váy lót, áo khoác ngoài. Nếu giữ nguyên kết cấu này, diễn viên sẽ rất khó di chuyển và diễn xuất. Vì vậy, chúng tôi đã phải tinh giản một số chi tiết, thay đổi một số chất liệu để giúp trang phục nhẹ hơn nhưng vẫn giữ được phom dáng chuẩn".

Nói thêm về thách thức khi làm phục trang cho phim xưa, theo Hứa Mẫn, phải làm sao để phục trang không bị quá hiện đại nhưng cũng không cứng nhắc theo kiểu phục dựng lịch sử. Vì vậy, phải có những điều chỉnh nhỏ để trang phục mang tính điện ảnh hơn. Anh nhấn mạnh: "Cuối cùng, một trong những thách thức lớn nhất là làm sao để phục trang hòa hợp với tổng thể bối cảnh và bảng màu của phim, phải đảm bảo rằng phục trang không quá rực rỡ lấn át bối cảnh, nhưng cũng không quá nhạt nhòa để bị lu mờ trên màn ảnh". 

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao