LỜI THỀ VỚI ZÈNG
Góp mặt tại chương trình Nghề Huế se duyên với áo dài vào cuối tháng 6 vừa qua tại TP.Huế, những tà áo dài sử dụng chất liệu zèng (thổ cẩm truyền thống của đồng bào Tà Ôi) đã khiến nhiều du khách thích thú. Độc đáo hơn, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - nghề dệt zèng với sự tham gia trình diễn của nghệ nhân gạo cội Mai Thị Hợp càng khiến chương trình trở nên cuốn hút. Đôi tay thoăn thoắt cùng phong thái tự tin, bà Hợp cho thấy bà rất "có nghề" trong tương tác với khán giả. "Hồi đầu, ngồi dệt zèng trước đông đảo khán giả, tôi ngại lắm. Nhưng được đi đây đi đó nhiều, chừ tôi làm mà như diễn, diễn cũng như làm thôi…", bà cười hiền.
Chọn nghệ nhân Mai Thị Hợp đại diện cho nhiều người thợ dệt zèng tại H.A Lưới đi trình diễn tại các sự kiện lớn trong và ngoài nước cũng là điều dễ hiểu. Bởi, ngoài tay nghề cao thuộc hàng bậc nhất ở đại ngàn Trường Sơn, bà còn là người am hiểu sâu sắc những giá trị văn hóa chứa đựng trong mỗi tấm zèng. Bà hiểu được công sức lao động của những người phụ nữ đang ngày đêm bên khung dệt, hiểu thị trường, thị hiếu của khách hàng... Sinh ra ở "cái nôi" của zèng (xã Lâm Đớt), từ nhỏ bà đã được tiếp xúc với sợi bông, khung cửi… Nhờ đôi tay khéo mà năm lên 15 tuổi bà đã thành thạo kỹ thuật khó nhất trong dệt zèng: luồn hạt cườm tạo hoa văn.
"Lấy chồng, tôi mang khung cửi về nhà chồng, mang cả của hồi môn là tấm zèng mẹ dệt cho. Một hôm, cán bộ huyện mượn tấm zèng đi triển lãm, vì thấy giá cao nên... đem bán. Thế là, tối hôm đó, tôi được báo mộng phải giữ lấy tấm zèng, nếu không sẽ phải trả giá. Sau đó, không hiểu sao người mua cũng đem trả lại tấm zèng…", bà Hợp kể và cho biết, đó là lý do mà từ khi còn rất trẻ, bà đã quyết tâm gắn đời mình với nghề dệt zèng. Mấy mươi năm về trước, để có được một tấm zèng phải trải qua rất nhiều công đoạn. Từ trồng cây bông, kéo sợi, nhuộm sợi từ củ rừng (màu đen từ củ tà rồng, màu đỏ lấy từ củ a chất) đến lên khung, luồn cườm, dệt… phải mất 4 - 6 tháng mới hoàn thành 1 tấm.
"Cực nhọc, chứ không khó. Cái khó là ở chỗ, mặc dù zèng gắn liền với đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nhưng lại quá đắt, làm ra mà ít ai có điều kiện để mua", bà Hợp cho hay và nói thêm: "Giải bài toán để làm sao giá thành rẻ hơn, ngày công của thợ dệt cao lên thì mới mong bảo tồn và phát huy giá trị của zèng". Nghĩ là làm, năm 2004, bà Hợp đứng ra thành lập tổ dệt tại xã A Ðớt (cũ). Bà vừa trở thành cô giáo dạy dệt cho chị em và làm thương lái để bao tiêu sản phẩm.
TRUYỀN LỬA SÁNG TẠO
Thành công với việc kéo giá thành thấp xuống, nghệ nhân Mai Thị Hợp nhận đơn của những khách hàng đầu tiên là cộng đồng các dân tộc thiểu số trong huyện, như Pa Kôh, Cơ Tu, Vân Kiều... Dần dà, tên tuổi được nhiều người ở vùng núi các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị… biết đến, bà bắt đầu nghiên cứu thị hiếu thẩm mỹ của mỗi dân tộc. "Sở thích dùng zèng của 3 dân tộc lớn, đông dân cư ở đại ngàn Trường Sơn tôi đều nắm rõ. Người Pa Kôh thì thích màu đỏ, họa tiết giản dị. Người Cơ Tu lại ưa hoa văn nhỏ, màu sắc trầm. Còn bà con Tà Ôi lại thích sự cầu kỳ, màu sắc vui nhộn hơn", bà Hợp đúc kết.
Bà Hợp cho biết từ 3 màu sợi đen, đỏ, trắng, những hình ảnh truyền thống thường thấy trên mỗi tấm zèng có thể kể đến như hình xương cá, cây đoác, cây dương xỉ, ngôi sao… Bà nhận thấy cần thiết phải gìn giữ những giá trị truyền thống trên mỗi tấm zèng và truyền dạy chắc chắn cho thợ trẻ, nhưng thị hiếu của người dùng cũng thay đổi theo đời sống hiện đại, đòi hỏi phải có những mẫu mã, chất liệu mới... Nhiều đêm liền mất ngủ ngồi trước khung cửi để thực nghiệm, cuối cùng bà Hợp đã cho ra đời nhiều mẫu hoa văn mới cùng những sợi bông có màu sắc rực rỡ, như vàng, xanh đậm, xanh lá cây…
Năm 2015, bà Mai Thị Hợp nâng cấp tổ dệt thành HTX Thổ cẩm xanh Aza Koonh quy tụ 120 phụ nữ làm nghề. Cũng trong năm 2015, tại Festival Nghề truyền thống Huế, bà Hợp đã gùi zèng cùng khung cửi xuống phố để vừa trưng bày vừa trình diễn. Lần đầu tiên, dưới ánh đèn rực rỡ, các người mẫu đã khoác lên mình những bộ trang phục được thiết kế từ zèng. Cùng năm, nghệ nhân Mai Thị Hợp lại gùi zèng lên máy bay sang Nhật Bản trình diễn nghề ngay tại Trung tâm hội nghị quốc tế Fukuoka. Kể từ đây, chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, zèng có hành trình vươn mình kỳ diệu ra thế giới.
Bà Hợp quen dần với những chuyến xuất ngoại "khoe" zèng ở nước ngoài như Thái Lan, Pháp, Nhật Bản… Bà cũng khiến chị em nức lòng khi nhận về những đơn hàng "khủng" đi các thị trường châu Âu, châu Mỹ… Năm 2016, khi nghề dệt zèng được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, người ta lại nhắc nhớ đến công lao của nghệ nhân Mai Thị Hợp. "Làm được chi cho nghề, cho sinh kế đồng bào Tà Ôi là tôi cố gắng hết sức. Điều làm tôi vui nhất là năm 2021, tôi lui về để con gái Blup Thị Hà làm giám đốc HTX thì cũng là lúc con gái đã rành nghề và có nhiều sáng tạo để zèng thêm sức sống trẻ trung hơn", bà Hợp trải lòng.
Là một người trẻ, Blup Thị Hà đã dành nhiều công sức để nghiên cứu các sản phẩm mới lấy cảm hứng từ zèng. Nếu trước đây HTX chỉ bán zèng như một loại vải thông thường thì nay HTX đã thiết kế áo cho nam, nữ, chân váy, thắt lưng… dễ dàng phối với đồ tân thời. HTX cũng sáng tạo ra khoảng 30 sản phẩm để làm quà lưu niệm như guốc, bông tai, kẹp, cài, túi xách, khẩu trang, khăn quàng cổ... (còn tiếp)