Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Răn đe, nghiêm trị kẻ tham ô

Quan lại "không được nhận đút lót mà làm sai"

Hầu hết các vua nhà Lê sơ đều có những chỉ, dụ nhắc nhở các cơ quan thực hiện công tác phòng, chống và xử lý tham nhũng, hối lộ là Lại bộ - tuyển bổ quan lại; Ngự sử đài - giám sát, đàn hặc quan lại phạm tội ; Hình bộ - xử án tham ô, hối lộ… làm đúng chức phận. Như lĩnh vực hình án: "Các quan xét xử phải giữ phép công bằng, không được nhận đút lót mà làm sai, để có người bị oan uổng" (Lệnh chỉ của vua Lê Thái Tông năm Giáp Dần (1434).

Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Răn đe, nghiêm trị kẻ tham ô- Ảnh 1.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (bản dịch, in 2007) ghi lời răn đạo làm quan của vua Lê

ẢNH: TRẦN ĐÌNH BA

Nhà nước thường xuyên khuyên răn, nhắc nhở đạo của người làm quan, như chiếu năm Bính Tý (1456) có đoạn: "Người làm tôi phải giữ trọn chức vụ. Đại thần thì giúp vua, điều hòa xoay chuyển trời đất, tiến cử người hiền, gạt bỏ những kẻ không tốt để mưu tính cho việc chính trị được hay. Người cai quản quân đội thì vỗ về thương yêu binh sĩ, luyện tập võ nghệ, không nên bắt quân lính làm việc riêng cho mình và xâm phạm xà xẻo của công…", theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Khi thấy quan lại có biểu hiện tha hóa, biến chất, vua chê trách, răn đe để họ sửa mình, như sắc chỉ năm Canh Tý (1480): "Quan các vệ, sở, người nào dám hạch sách tiền của như trước, tính từ 5 tiền trở lên thì pháp ty sẽ trị tội theo luật pháp, ngoài ra, từ 4 tiền trở xuống thì nhất luật bãi chức sung quân, như lệ quan viên tham nhũng".

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống, vạch tội tham nhũng, nhà Lê sơ còn thực hiện biện pháp khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong công tác này. Đối ngôn quan, vua nhà Lê sơ luôn khuyến khích họ dám nói thẳng, nói thật, đàn hặc tội lỗi của quan lại để nhà nước có biện pháp xử lý, đồng thời thưởng công xứng đáng. Bùi Cầm Hổ là quan Ngự sử cương trực, không sợ cường quyền, dám vạch tội cường thần, được vua tin cẩn, cất nhắc làm Ngự sử trung thừa, Tham tri chính sự. Nguyễn Vĩnh Tích khi làm quan Ngự sử có nhiều công lao chống tham nhũng, được thăng lên làm Binh bộ thượng thư.

Năm Giáp Thân (1464), Hình bộ tả thị lang Nguyễn Mậu tận tụy trong công việc, lại cương trực nên được vua ban bạc khen thưởng; Đô ngự sử Nguyễn Thiện hết lòng lo việc nước, thường dâng lời nói phải, có lúc bị vua trấn áp nhưng không nao núng nên được ban thưởng bạc để cố gắng hơn nữa. Cũng năm này, vua ban cho Tả đô đốc Lê Thọ Vực 20 lạng bạc để ngợi khen vì những lời tâu thẳng thắn. Những trường hợp trên dù mới chỉ là tiêu biểu cho "tính cương trực lòng không gợn sóng" trước cường quyền nhưng đã được vua khen để khuyến khích sự ngay thẳng trong hàng ngũ quan viên.

Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Răn đe, nghiêm trị kẻ tham ô- Ảnh 2.

Phạt roi kẻ có tội

NGUỒN: TRANH KHẮC GỖ CỦA HENRI OGER

Tham nhũng nhẹ thì bãi chức, nặng thì rơi đầu

Khi kẻ phạm tội tham ô, hối lộ bị điểm tên, nhà nước thi hành pháp luật để trừng phạt. Hình phạt thấp nhất là răn đe, chế giễu hoặc đánh trượng, phạt roi tác động đến lòng tự trọng. Năm Đinh Hợi (1467), Trấn điện phó tướng quân Lê Hán Đình có tiền sử tham ô bị tước hết quan chức, đuổi về quê và phạt đánh trượng. Kẻ làm quan có tài nhưng nhiễm thói tham ô, vua giễu cợt để họ phải thẹn mà dừng. Khâm hình viện lang trung Vũ Hữu, Ngoại lang Nguyễn Đình Khoa cáo ốm không tham gia thi khoa Hoành từ (khoa thi chọn người văn hay, học lực cao sâu), đã bị vua chê trước triều đình rất thâm là: "Việc hình án phức tạp khó khăn, có ba điều vất vả: Một là suốt ngày cặm cụi vất vả, khổ sở. Hai là xử án không đúng, chịu tội làm sai. Ba là án tụng chất đống, khó lòng xét xử tường tận. Có ba điều vất vả ấy dẫu người không bệnh cũng đều phát ốm, huống chi là có bệnh".

Hình phạt cao hơn với đối tượng tham nhũng là biếm, bãi chức tước để không còn có cơ hội đục khoét, làm gương cho kẻ khác lấy đó làm điều răn mà không phạm phải. Đơn cử Binh bộ Thượng thư Nguyễn Vĩnh Tích năm Đinh Hợi (1467) bị thu thẻ bài, vẫn giữ chức vụ nhưng không được làm việc vì từng nhận bạc đút lót năm trước. Mức độ cao nhất trừng phạt tội tham nhũng là xử tử. Năm Ất Mão (1435), Chuyển vận sứ Nguyễn Liêm nhận hối lộ bị án chém; Nam bạ đạo chủ Đàm Thảo Lư ẩn lậu tiền năm Mậu Thìn (1448), Chuyển vận phó sứ huyện Văn Bàn là Lương Tông Ký ăn hối lộ năm Kỷ Tỵ (1449) đều bị khép án tử.

Đối với những người biết kẻ khác phạm tội tham ô mà che giấu, không tố giác, thì cũng phạm tội liên đới và bị trừng phạt. Năm Đinh Hợi (1467), Tây quân đô đốc Lê Thiệt bị bãi chức vì để quân lính và tướng dưới quyền đi tuần biên giới đã dọa nạt, lấy bạc của dân; Điện tiền kinh lịch Cao Bá Tường bị phạt đánh trượng, bắt đi đày vì biết các quan Lê Thọ Vực, Lê Bô, Phạm Văn Hiến bắt quân lính làm việc riêng và cho về để lấy tiền nhưng lại không tố cáo, hặc tội. (còn tiếp)

(Lược trích từ tác phẩm Nhà Lê sơ (1428 - 1527) với công cuộc chống nạn "sâu dân, mọt nước", NXB Tổng hợp TP.HCM, có bổ sung tư liệu)



Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao