Nhà hát lớn và quảng trường mỹ lệ

Ngay năm đầu tiên của thế kỷ 20, Sài Gòn đã có một Theatre Municipal - Nhà hát Thành phố sử dụng cho ca nhạc và kịch nghệ, đúng tiêu chuẩn các nhà hát tân tiến của Âu Mỹ (trước đấy, chính quyền Pháp có xây dựng một nhà hát quy mô nhỏ hơn, ở vị trí khách sạn Caravelle hiện tại). Nhà hát ấy, được người Việt gọi là Nhà hát Tây nằm ở cuối dốc Tân Khai, là cột mốc chia con đường Catinat (Đồng Khởi) thành hai phần. Từ nhà hát đến Nhà thờ lớn (từ 1959, gọi là Nhà thờ Đức Bà) là con phố tĩnh lặng với hai hàng cây xanh rợp bóng và các công sở.

Còn từ nhà hát xuôi xuống bờ sông Sài Gòn là con phố thương mại nhộn nhịp, cho đến tận thời nay. Vị trí xây dựng nhà hát được chọn lựa rất thích hợp, giống như vị trí của Nhà hát lớn Garnier (1875) ở Paris, nằm giữa quảng trường lớn, chung quanh là các thương xá và khách sạn cao cấp.

Nhà hát lớn và quảng trường mỹ lệ- Ảnh 1.

Quảng trường Nhà hát lớn, bên cạnh là khách sạn Continental xưa

ẢNH: LUDOVIC CRESPIN - THƯ VIỆN QUỐC GIA PHÁP

Nhà hát lớn và quảng trường mỹ lệ- Ảnh 2.

Không gian trước Nhà hát lớn TP.HCM hiện nay

Ảnh: QUỲNH TRÂN

Phía trước nhà hát là công viên và quảng trường rộng rãi, nhìn ra một đại lộ trải dài - đại lộ Bonard (Lê Lợi) nguyên là một con kinh. Bản thân kiến trúc nhà hát trở thành điểm nhấn kỳ vĩ cuối đại lộ.

Công viên hình chữ nhật được thiết kế như phần tiền sảnh nối dài của nhà hát, mang tên Francis Garnier. Vào dịp cuối tuần hay ngày lễ, công viên trở thành khán đài lộ thiên cho công chúng thưởng ngoạn các buổi trình diễn ca nhạc trên bậc thềm nhà hát. Sau năm 1955, công viên mang tên Lê Lợi và rồi Lam Sơn.

KIẾN TRÚC THUẦN PHÁP KIỀU DIỄM

Mặt tiền Nhà hát lớn nhô cao với những bậc thềm trải rộng, che tầng hầm bên dưới. Một vòm cung uy nghi xuyên suốt từ tầng hai lên tầng ba, tạo thành một cổng chào đón vĩ đại. Nó khá giống vòm cung cổng vào của Petit Palais (một trong hai cung triển lãm ở trung tâm Paris, xây dựng cùng thời gian). Nổi bật phía trước nóc nhà ngói đen theo kiểu Mansarde là một phù điêu lớn, trình bày hình các thiên thần vây quanh chiếc đàn lyre - tượng trưng cho Văn nghệ.

Ngay ở cổng vào, thay cho 2 trụ đỡ nâng ban công ở tầng ba là 2 pho tượng mỹ nữ để ngực trần, theo dạng tượng Venus lừng danh. Mặt tiền và bên trong nhà hát thể hiện phong cách thiết kế Gothique và Beaux Arts. Thêm nữa, hiện tại vẫn còn các tượng cậu bé thiên thần xinh xắn, được gắn ở đầu lan can của 2 cầu thang, ở tầng một dẫn lên tầng hai và xuống tầng hầm.

Khán phòng 3 tầng của nhà hát có số ghế khoảng 500 chỗ (ít hơn 1/2 số ghế của nhà hát Garnier). Đó là một con số khá lớn nếu so với dân số Sài Gòn - Chợ Lớn khi nhà hát ra đời, chỉ khoảng 150.000 người (trong đó có khoảng 6.000 người phương Tây). Tuy khán phòng có quy mô vừa phải nhưng được thiết kế với phong cách quý phái. Mặt sau và hai mặt bên hông của tòa nhà đều có kiểu dáng thanh nhã, giúp cho những tòa nhà chung quanh có thêm cảnh quan hay đẹp.

Vào thập niên 1910 - 1920, nhà hát thường xuyên có các đoàn ca nhạc và kịch nói từ Pháp sang trình diễn. Có lẽ thông qua công trình Nhà hát lớn, người Pháp và các tác giả thiết kế đã cố gắng đem tâm hồn nghệ thuật của Paris đến với thành phố thuộc địa Viễn Đông. Song đồng thời, người VN cũng đã bắt đầu làm quen và sử dụng nơi đây để trình diễn các nghệ thuật cổ điển và cách tân của mình. Vở cải lương Pháp Việt nhất gia, trình diễn tại nhà hát vào năm 1918, được coi là cột mốc khai sinh một loại ca kịch VN hiện đại và chuyên nghiệp.

Sang đầu những năm 1940, có lẽ vì lý do chính trị, nhà hát lớn được chính quyền Pháp sửa đổi toàn thể mặt tiền. Qua đó, phù điêu các thiên thần văn nghệ và 2 tượng mỹ nữ bị dời đi. Vẻ ngoài tòa nhà trở nên đơn giản hơn và rồi từ năm 1955, tòa nhà thực hiện chức năng mới là trụ sở Quốc hội, từ năm 1967 là Hạ nghị viện của VN Cộng hòa.

Sau chiến tranh, tòa nhà trở lại chức năng Nhà hát lớn của thành phố. Vào năm 1998, nhân kỷ niệm 300 năm thành phố, tòa nhà được trùng tu và phục hồi kiểu dáng xưa. Các tác giả trùng tu đã cố gắng khôi phục diện mạo nguyên mẫu bên ngoài nhà hát. Đến nay, Nhà hát lớn TP.HCM tuy có quy mô nhỏ hơn Nhà hát lớn Hà Nội nhưng vẫn xứng đáng là một bông hoa kiểu Paris đầy hương sắc ở ngay trung tâm thành phố. (còn tiếp) 

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao